Vụ 40 dự án 'thấp' lại lọt vào khu công nghệ cao: Trình độ quản lý khu công nghệ cao… chưa cao

26/12/2018 - 11:30

PNO - Kiểm toán nhà nước đánh giá rất thấp công tác tham mưu của Ban quản lý Khu Công nghệ cao.

Bên cạnh các vấn đề mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh trong bài 40 dự án “thấp” lại lọt vào khu công nghệ cao đăng ngày 24/12 về Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá rất thấp công tác tham mưu của ban quản lý (BQL) khu này.

Việc xây dựng đơn giá cho thuê đất tại Quyết định 1719/QĐ-UBND chưa theo các phương pháp xác định giá đất mà pháp luật quy định; đơn giá cho thuê đất tại SHTP chỉ dựa trên cơ sở chi phí đầu tư (chi phí san lấp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, các công trình quản lý, chi phí quản lý và chi phí xúc tiến đầu tư) là chưa phù hợp quy định về nguyên tắc xác định giá đất của Nhà nước tại điều 56 Luật Đất đai, chưa áp dụng các phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất theo các nghị định liên quan của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

“Bỏ lọt sổ” khoản chi phí đền bù 2.557,5 tỷ đồng

Theo KTNN, việc xây dựng đơn giá thuê đất được UBND TP.HCM ban hành tại Quyết định 1719/QĐ-UBND chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là chưa đầy đủ các yếu tố chi phí, do đó chưa bảo đảm khoản thu về từ nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước.

Vu 40 du an 'thap' lai lot vao khu cong nghe cao: Trinh do quan ly khu cong nghe cao… chua cao

Ở điểm này, Sở Tài chính TP.HCM từng có công văn số 1359/STC-BVG ngày 6/2/2013 gửi BQL SHTP, góp ý rằng, việc xây dựng đơn giá cho thuê đất tại SHTP giai đoạn 2 phải dựa trên cơ sở tính toán đầy đủ các khoản chi phí GPMB và chi phí đầu tư xây dựng. BQL SHTP đã không theo ý kiến thẩm định của Sở Tài chính với lý do căn cứ điều 9 Nghị định 99/2003/NĐ-CP của Chính phủ thì tiền GPMB do ngân sách nhà nước chịu.

Nhưng KTNN cho rằng, lý do này không có cơ sở, bởi đơn giá thuê đất đã không được xây dựng, ban hành theo các phương pháp quy định, mà được xác định theo chi phí đầu tư. Như vậy, tổng chi phí đền bù cho giai đoạn 2 theo dự toán không được tính vào chi phí đầu tư để xây dựng đơn giá cho thuê là 2.557,5 tỷ đồng.

Cũng cần nói thêm, BQL SHTP đã không tham mưu để UBND TP.HCM kịp thời ban hành quy định, chính sách giá đất khi Nghị định 35/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực vào tháng 6/2017. Điều này dẫn đến tình trạng xử lý chi phí GPMB không nhất quán đối với các trường hợp miễn tiền thuê đất sau ngày 1/7/2014.

Tổng chi phí GPMB theo dự toán tháng 6/2009 của Sở Tài chính TP.HCM hơn 3.803 tỷ đồng (giai đoạn 1 hơn 1.256 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.557,5 tỷ đồng). Do khoản chi phí GPMB này không được tính trong cơ cấu chi phí đầu tư để xác định đơn giá thuê đất nên theo quy định tại Nghị định 35/2017/NĐ-CP, Nhà nước phải thu hồi tiền GPMB đối với các trường hợp miễn tiền thuê đất được giao đất sau ngày 1/7/2014. Do BQL SHTP chưa tham mưu để UBND TP.HCM ban hành quy định về việc xử lý chi phí GPMB nên đã dẫn đến việc xử lý khoản chi phí này không nhất quán đối với các trường hợp trên.

Hiện BQL SHTP chỉ mới thu hoàn trả ngân sách nhà nước khoản chi phí GPMB đối với một dự án được miễn tiền thuê đất là dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển giáo dục công nghệ cao của Trường đại học Mở TP.HCM, chưa thu hồi được số tiền hơn 30,5 tỷ đồng của 3 dự án, gồm dự án Viện công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành, dự án đầu tư xây dựng nhà trẻ của Công ty TNHH Đầu tư thương mại TLD và dự án Trung tâm Nghiên cứu công nghệ y sinh USM thuộc Công ty TNHH United Healthcare.

Quỹ đất của SHTP không còn nhiều, để tăng hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư nhằm đạt mục tiêu đề ra cho cả khu, cần tập trung thu hút lĩnh vực đầu tư sản phẩm công nghệ cao, dự án R&D (nghiên cứu và triển khai) công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, cũng như lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nhằm đạt mục tiêu ở giai đoạn 2 là phát triển thành khu không gian khoa học công nghệ của thành phố.

Thế nhưng, việc thực hiện các mục tiêu chủ yếu kế hoạch xây dựng và phát triển giai đoạn 2 của SHTP vẫn còn nhiều “tồn tại”. Công tác thu hồi GPMB chưa dứt điểm và việc quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm bất hợp pháp của các hộ dân làm chậm tiến độ triển khai các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và bàn giao đất cho dự án; việc triển khai không đồng bộ hệ thống hạ tầng viễn thông và điện ngầm với đầu tư xây dựng công trình giao thông dẫn đến tình trạng đào đắp khi công trình đã hoàn thiện, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ hoàn thành dự án.

Vu 40 du an 'thap' lai lot vao khu cong nghe cao: Trinh do quan ly khu cong nghe cao… chua cao
 

Công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa phù hợp với quy định về tiêu chí và yêu cầu của các dự án được phép đầu tư vào SHTP (như đã nêu trong bài 40 dự án “thấp” lại lọt vào khu công nghệ cao), số doanh nghiệp rút giấy chứng nhận đầu tư còn cao (tính đến tháng 1/2018 là 23 doanh nghiệp).

Sai tiêu chí công nghệ cao, giám sát lỏng lẻo

Ngoài ra, công tác quản lý doanh nghiệp của BQL SHTP chưa chặt chẽ và sát sao, nhiều dự án chậm triển khai (17 dự án tính đến năm 2017), tiến độ giải ngân vốn đầu tư chưa theo kế hoạch một phần do công tác đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư còn chưa hiệu quả.

Tỷ lệ nội địa hóa cũng chưa đạt mục tiêu do nhiều doanh nghiệp chỉ lắp ráp và kiểm định sản phẩm chứ không phải sản xuất. Riêng các dự án R&D được kỳ vọng thu hút đầu tư vào SHTP đến cuối năm 2017 là 19/134 dự án, chỉ chiếm 14% và cũng chỉ đang ở mức độ cải tạo sản phẩm.

Theo KTNN, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá của BQL SHTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao “có vấn đề”. Cụ thể, BQL SHTP không kiểm tra các doanh nghiệp nộp báo cáo đúng hạn, hoặc nộp báo cáo sau khi có văn bản nhắc nhở và cung cấp đầy đủ số liệu.

BQL thực hiện nhưng chưa đầy đủ việc kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao, cung cấp dịch vụ đào tạo, hoạt động R&D đã đi vào hoạt động nhằm bảo đảm các dự án hoạt động đúng quy định của Luật Công nghệ cao. Trong 68 doanh nghiệp đang hoạt động, có 3/32 doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao chưa được kiểm tra tình hình hoạt động, 8/36 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực còn lại chưa được kiểm tra các tiêu chí như quy định.

Qua xem xét biên bản làm việc với doanh nghiệp cho thấy, BQL thực hiện nhưng chưa đầy đủ việc kiểm chứng lại các số liệu trong đề cương báo cáo của doanh nghiệp, chưa thực hiện đầy đủ việc lập báo cáo kết quả, kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp (năm 2017, chỉ có báo cáo kết quả của 5/39 doanh nghiệp có tên trong kế hoạch kiểm tra thực tế).

Dù việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư còn chậm, BQL vẫn chưa đôn đốc nhà đầu tư, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung của SHTP khiến một số dự án chậm triển khai từ 6 - 27 tháng.

Qua kiểm tra báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của 5 doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao thực hiện dự án tại SHTP trong 3 năm 2015, 2016 và 2017, có một trường hợp không đạt các tiêu chí về doanh thu công nghệ cao (ít nhất 70% tổng doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao), đó là Công ty TNHH Sanofi.

Ngoài đề nghị BQL SHTP tổ chức thu nộp vào ngân sách nhà nước các khoản xác định tăng thêm hơn 978 tỷ đồng, gồm tiền thuê đất hơn 947 tỷ đồng, chi phí bồi thường GPMB phải hoàn trả ngân sách đối với dự án được miễn tiền thuê đất hơn 30,5 tỷ đồng, KTNN còn yêu cầu BQL SHTP thu nộp kinh phí không thường xuyên của dịch vụ bảo vệ năm 2017 không sử dụng hết là 806,4 triệu đồng.

Phải thực hiện kịp thời các kết luận kiểm toán

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, KTNN đã có thông báo kết luận kiểm toán, trong đó yêu cầu xem xét lại giá thuê đất đối với các dự án thuê đất áp dụng đơn giá thuê đất ban hành theo Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 9/4/2013 của UBND TP.HCM và xử lý đối với các dự án không thuộc ngành nghề, lĩnh vực đầu tư vào SHTP. Khoản 6, điều 57 Luật Kiểm toán năm 2015 quy định, nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán là phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của KTNN, đồng thời báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kết luận, kiến nghị đó cho KTNN.

Căn cứ quy định nêu trên, theo Sở Tư pháp TP.HCM, sau khi có kết luận của KTNN, BQL SHTP phải đưa ra các biện pháp cần triển khai để thực hiện kết luận này.

Do đó, sở đề nghị BQL SHTP nghiên cứu kết luận của KTNN, đề xuất các biện pháp cụ thể để thực hiện. Khi xây dựng các biện pháp, cần bảo đảm cân đối, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư trong SHTP, tránh để xảy ra khả năng tranh chấp quốc tế như BQL đã nhận định. Sở Tư pháp sẽ tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với các giải pháp triển khai thực hiện.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI