Vì sao vào đại học ngày càng dễ? - Bài 1: 'Chợ' tuyển sinh

17/04/2019 - 06:14

PNO - Còn ba ngày nữa là hạn chót nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Một kỳ tuyển sinh trong bối cảnh trường nào cũng giang rộng vòng tay mời gọi thí sinh.

Chuyên đề: Vì sao vào đại học ngày càng dễ? 

“Đẻ” ra nhiều phương thức xét tuyển, tư vấn dồn dập, tung chiêu chăm sóc tận răng để tăng khả năng biến “khách hàng” tiềm năng thành thân thiết… hơn bao giờ hết, các trường đại học đang dồn lực thu hút thí sinh càng nhiều càng tốt, biến công đoạn tuyển sinh trở thành “phiên chợ” đầy màu sắc và cạnh tranh quyết liệt.

Ngay kỳ tuyển sinh năm nay, chuyện khó đối với thí sinh không phải là làm sao để đậu đại học mà lựa chọn học ngành nào, ở đâu trong bối cảnh trường nào cũng giang rộng vòng tay mời gọi thí sinh. Chưa khi nào ở kỳ tuyển sinh, người học không còn sợ rớt, chỉ sợ đậu… không trúng chỗ. Khi tuyển sinh dễ dãi, tỷ lệ bỏ học giữa chừng không những tăng cao mà người sở hữu tấm bằng đại học cũng đối diện nguy cơ thất nghiệp do không chọn đúng ngành phù hợp năng lực.

Cuộc đua tiếp thị  

Từ ngày 1/4, khi thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học (ĐH) chính là mùa không có ngày nghỉ của những chuyên viên tư vấn tuyển sinh ở trường ĐH. Nhưng đây chỉ là giai đoạn cuối, “mùa tuyển sinh” thực tế đã bắt đầu ngay khi tuyển sinh năm trước vừa kết thúc.

“Từ tháng Mười, đội quân tư vấn làm một ”tour xuyên các tỉnh” đến các trường THPT với tên gọi hướng nghiệp chọn nghề. Sau tết Nguyên đán, tiếp tục đi một vòng nhắc lại. Lần này, chuyến “viếng thăm” học sinh có tên là tư vấn tuyển sinh. Nhưng dù dưới tên gọi gì, cũng nhằm mục đích duy nhất: thuyết phục người học “hãy chọn chúng tôi!”, N.A., Phó phòng Tư vấn tuyển sinh một trường ĐH ngoài công lập, kể. 

Vi sao vao dai hoc ngay cang de? - Bai 1: 'Cho' tuyen sinh
Học sinh tham gia ngày hội tuyển sinh do Trường đại học Hoa Sen tổ chức tháng 4/2019 - Ảnh: Trường cung cấp

N.A. cho biết thêm: mỗi học sinh lớp 12 sẽ ít nhất được trải qua hai lần tư vấn trực tiếp tại trường, sau đó là gọi điện thoại, “chat” Facebook để giới thiệu cặn kẽ hơn. Ngoài ra, ngày hội tuyển sinh của các báo cũng phải xuất hiện để các em không quên trường”. Bởi thế, nói là làm văn phòng nhưng thời gian N.A. ở các tỉnh gặp học sinh nhiều hơn ở trường. Hiện tại N.A. vẫn đang đi một vòng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong hai tuần, sau khi vừa về từ chuyến tư vấn miền Trung - Tây Nguyên mất ba tuần.

Chỉ mới vài năm trước, người học phải vất vả tìm hiểu thông tin qua những người quen đã từng học ĐH. Hiện nay, người học chỉ cần ngồi một chỗ, trường ĐH sẽ “gõ cửa” tận nơi, giúp học sinh chọn ngành phù hợp, xét tuyển cách nào, thậm chí còn lấy lòng phụ huynh bằng “chiêu”: giảm học phí, trao học bổng... 

Chuyên viên tuyển sinh trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM từng cảm thán: ở những buổi tư vấn chung, trường tư có nhiều điều kiện để lôi kéo sự chú ý của học sinh. Chẳng hạn, em nào đặt câu hỏi về trường họ sẽ được tặng thú nhồi bông to, ba-lô và hàng loạt dụng cụ học tập. Họ còn xuống tận lớp tặng quà lưu niệm cho học sinh, lồng thêm giới thiệu ngành nghề, những tiện ích “sang chảnh” khi trở thành sinh viên trường họ... 

Dù thoải mái kinh phí hay thắt lưng buộc bụng thì các trường ĐH vẫn không bỏ sót bất kỳ cơ hội nào tiếp cận thí sinh. Trường tư chịu chi như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM… đi một mình một sân. Nhóm các trường của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ đi cùng nhau. Còn có các trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Văn Hiến, Cao đẳng Vạn Xuân tự liên kết thành nhóm cùng đi đến các tỉnh liên tục trong nhiều tháng.  

Không chỉ đến tận trường phổ thông, một số trường ĐH còn mạnh tay đài thọ trọn gói để mời học sinh, thầy cô đến trường trải nghiệm. Các trường ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng thuộc tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng thường tổ chức hoạt động hoành tráng kiểu này. Các thầy cô hướng nghiệp, hoặc ban giám hiệu ở các trường phổ thông cũng được mời theo cùng và thường được chăm sóc rất tận tình.

Có thể các nhà giáo dục sẽ khó thừa nhận nhưng tuyển sinh đã trở thành thị trường cạnh tranh, mỗi thí sinh là một “thượng đế” mà người bán dịch vụ - trường ĐH - phải tìm đủ mọi cách để lôi kéo khách hàng. Ở đó, ranh giới giữa trường công - trường tư không còn quá lớn, chỉ có trường năng động hơn và nghĩ ra nhiều chiêu thức thu hút người học hơn. Có hình dung được hiệu trưởng một ĐH lớn  livestream Facebook từ đêm đến 2-3 giờ sáng để giới thiệu về trường mình đến người học? Bởi vì, đó là giờ mà các bạn trẻ online Facebook nhiều nhất.

Trường công cũng không đứng ngoài

Cái thời mà trường công lập chỉ dựa vào sự nổi tiếng lâu đời, ngồi im một chỗ chờ người học đến, chen nhau không lọt, đã lùi xa. Giờ đây, các ĐH công lập cũng khẩn trương đi “săn” người học. Suốt mấy tháng nay, ban tư vấn tuyển sinh các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM khá bận rộn với hoạt động tư vấn dày đặc tại hàng trăm trường THPT khắp các tỉnh, thành. Đến nay, ban đã đi được 75 chương trình tư vấn, trong đó đến trực tiếp hơn 150 trường THPT tại 25 tỉnh, thành.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là một trong những trường công đầu tư lớn cho hoạt động quảng bá, thu hút học sinh. Chương trình Ngày mở - tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm nay có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã thu hút hơn 5.000 học sinh lớp 12 của khoảng 70 trường THPT ở TP.HCM và các tỉnh. Trường còn đài thọ chi phí cho khoảng 100 giáo viên chuyên trách hướng nghiệp đến từ 80 trường THPT ở các tỉnh từ Quảng Nam trở vào để hiểu rõ về trường mà tư vấn, định hướng cho học trò rõ ràng và hiệu quả hơn... Ở giai đoạn cao điểm, kênh truyền hình trực tuyến của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tư vấn tất cả các ngày trong tuần. Trường còn có chương trình tại các tỉnh có tên Tư vấn trà sữa cùng thầy hiệu trưởng…

Vi sao vao dai hoc ngay cang de? - Bai 1: 'Cho' tuyen sinh
Thí sinh cùng giao lưu trong ngày hội tuyển sinh

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có ngày hội mở để học sinh trải nghiệm một ngày làm sinh viên với hơn 10.000 lượt học sinh, phụ huynh, giáo viên tham dự. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có hoạt động tương tự, kèm theo tổ chức thi thử đánh giá năng lực. 

Rất khó… trượt đại học  

Có thể nói, ngoại trừ nhóm trường y dược và một vài trường top, thì hiện nay vào ĐH thật dễ dàng. Nhiều trường còn ở trong tình trạng chờ… người học chọn. Mỗi trường “đẻ” ra khá nhiều phương thức tuyển sinh, lọt sàn sẽ xuống nia. Khi xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia bị vướng “sàn” của Bộ GD-ĐT, nhiều trường nảy ra sáng kiến xét tuyển chỉ bằng học bạ phổ thông mà không cần điểm thi. Kết quả là thi thố cỡ nào cũng đậu ĐH, dù có thi dưới điểm sàn vẫn có học bạ xét tuyển và trúng tuyển. 

Ở thời điểm năm 2014, trường nào kịp áp dụng phương thức xét tuyển học bạ liền thắng lớn, cứu chỉ tiêu cho biết bao trường tư. Đến năm 2018, thống kê từ Bộ GD-ĐT, có khoảng 150 trường thực hiện phương thức này. Khi không còn mới mẻ thì phương thức này cũng trở nên “hết ăn”. Nhiều trường liền theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Hiệu quả chưa biết thế nào nhưng trường này nhìn trường kia, thế là có gần 30 trường xét tuyển theo phương thức này ngay năm thứ hai tổ chức. Lại thấy phương thức này quá nhiều trường áp dụng, các trường tư như ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành ngay lập tức công bố thông tin tổ chức thêm kỳ thi riêng để tuyển sinh. 

Nếu như trước đây, các ngành y dược, sư phạm, luật là “đặc sản” chỉ có ở trường công lập thì nay ngoại trừ khối ngành quân đội - công an - an ninh ra thì chẳng còn ngành nghề nào là độc quyền. Nhóm ngành đặc thù và quan trọng như y dược phải có khoảng chục trường ĐH ngoài công lập đa ngành được mở. Những ngành như luật, sư phạm càng trở nên phổ biến hơn. Bởi vậy, muốn làm bác sĩ hay cô giáo, luật sư, học sinh không còn cạnh tranh “thừa sống thiếu chết” để có một suất vào ĐH. Không đậu Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì còn có Khoa Y của ĐH Quốc gia, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Võ Trường Toản…  

ĐH vốn dĩ là giáo dục bậc cao. Một khi cánh cổng ĐH ngày càng mở rộng theo xu hướng như đã phân tích ở trên thì nguy cơ chọn nhầm đối tượng là khó tránh khỏi. Khi đó, tỷ lệ bỏ học giữa chừng không những tăng cao mà người sở hữu tấm bằng ĐH cũng đối diện nguy cơ thất nghiệp do không chọn đúng ngành phù hợp năng lực. Lỗi tại ai khi để vào ĐH dễ dãi và ra trường cử nhân thất nghiệp nhiều vô số? Tại trường ĐH, thí sinh hay tại ai? 

Tuyển đúng người có năng lực phù hợp khá khó khăn

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Với các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, ngoài nhu cầu tuyển đủ còn phải tuyển “đúng”. Với cách xét tuyển hiện nay, chúng tôi không lo tuyển thiếu nhưng tuyển đúng người học có tư duy tốt, có tố chất phù hợp ngành nghề đào tạo ở bậc ĐH thật sự khá khó khăn. Vì vậy, vẫn phải đi tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh nhưng chúng tôi chỉ tập trung vào đối tượng cần là các trường chuyên và top 100 trường THPT có điểm thi quốc gia cao”. 

Gia Tuệ - Tiêu Phong

Bài 2: Mở ngành không khó, hậu kiểm dễ dàng!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI