Vì sao các chị mê bóng đá?

15/12/2018 - 10:56

PNO - Vì Văn Lâm đẹp trai quá mức, vì Chinh ‘hí’ dễ thương không chịu nổi, vì ‘vui mà’… chứ sao nữa!

Trước trận cầu nảy lửa giữa tuyển Việt Nam và Malaysia để tranh chiếc cúp AFF, tôi thấy Facebook các chị em rực đỏ. Nào là hình tự sướng với cờ đỏ sao vàng, hình ông Park Hang Seo, hình các chàng hotboy trong tuyển Việt Nam...

Có chị cắm hoa, nấu ăn, cho con mặc đồ cũng tạo hình gì đó liên quan tới màu cờ sắc áo. Các chị lôi hình mặc đồ đỏ ra trải lên avatar để tranh thủ vừa ủng hộ đội nhà, vừa khoe nhan sắc.

Nhưng nếu hỏi các chị "vì sao các chị mê bóng đá?", tôi thề các chị đa số... ú ớ. Trên mạng có clip một anh cầm micro đi hỏi mấy cô gái vì sao em thích bóng đá, kết quả cũng hệt như nội dung tôi "khảo sát bỏ túi” tại cơ quan. Mấy cô gái trông sành điệu, hiện đại, rất dễ thương, nhưng rồi toàn trả lời... trớt quớt, có vẻ chẳng liên quan gì tới “bóng bánh” cả, kiểu "em yêu nhất anh Messi của Pháp"!

Vi sao cac chi me bong da?
Trong hàng vạn lý do để chị em mê bóng đá, có lý do vì... cầu thủ đẹp trai quá!

Nó nhang nhác thế này: "Vì... cầu thủ đẹp trai", "Có đội Việt Nam thì cổ vũ", "Ảnh mê thì mê theo", "Xem để còn đi bão, vui lắm"... có cô thành thật: “Cũng chẳng biết tại sao”.

Trước màn hình cỡ đại ở mấy điểm xem tập thể, thỉnh thoảng có cô quay sang khều khều người yêu mình: “Anh anh, Lâm Tây cao 1m8 không?”, chốc sau lại cau mày: “Gì mà cho đội kia đá phạt hoài vậy, trọng tài này chắc ăn hối lộ rồi”… Có cô thì hét lớn “Anh Pác, ai lớp diu!” khi ống kính lia đến gương mặt HLV Park Hang Seo…

Thì chị em mê bóng đá, nó phải khác các anh chứ sao!

Nhớ khi xưa chúng tôi còn nhỏ, được ngồi cùng chú bác xem Worl Cup qua cái màn hình ti vi đen trắng, đa số các mẹ các chị chỉ loay hoay hỗ trợ cơm nước, đồ ăn vặt, rồi đi ngủ sớm, trông gia đình chẳng "đoàn kết" tí nào. Chưa kể, những trận banh đêm, những bất tiện do xem bóng muộn nếu có xảy ra, thì các ông, các anh rát tai nghe chì chiết của “phe kia”.

Nay trong các nhà, hình như cũng có cảnh chia phe như thế: bên nồng nhiệt, nhấp nhổm với từng thông tin trước trận đấu (tạm gọi là phái cuồng nhiệt); bên thờ ơ, hững hờ như chẳng có liên quan gì (tạm gọi là phái lãnh đạm). Tuy vậy, giờ đây hiếm bà nào, cô nào miệt thị cánh đàn ông vì “tội” mê coi banh, mê ủng hộ đội tuyển nữa rồi.

Vi sao cac chi me bong da?
Cũng thổi, cũng la, cũng nhảy cẫng... không kém cổ động viên nam nào 

Hạnh phúc nhất mỗi mùa bóng, có lẽ là những gia đình "đoàn kết một lòng theo trái bóng". Cha mẹ con cái cùng khóc cười trước thắng thua, cùng la hét với các pha bóng, vỡ òa niềm vui rồi nhao ra phố tuần hành hay lặng lẽ thở dài tiếc nuối trên giường ngủ. Để có thứ hạnh phúc nhất quán, không chia rẽ nội bộ ấy, rõ ràng là phải nhờ vào tấm lòng nhiệt thành với môn thể thao vua của các bà các cô, chứ phía nam giới lâu nay hiếm ông nào chê bóng đá.

Đàn bà mê bóng, dù vì a dua theo chồng con, hay thật sự mê trên tinh thần thể thao đi nữa, cũng không hề giống đàn ông. Cứ thử nhìn các cô bình luận viên bóng đá trong và sau trận đấu của mấy kênh truyền hình thì rõ. Dù rằng nhiều đài đã gắng mời người có am hiểu cùng "bình loạn", nhưng vẫn không tránh khỏi kiểu phân tích lòng vòng, không "tập trung vào chuyên môn" khiến khán giả la oai oái.

Biết sao được, tư duy phụ nữ vốn trừu tượng, đâu có giống đàn ông. Họ dễ bị kích động bởi màu sắc, âm thanh, hình thể (của những người đàn ông trẻ đẹp chạy dưới sân cỏ chẳng hạn), họ dễ bị nhiễm, bị lây lan niềm vui vẻ, hứng khởi. Họ đâu để tâm phân tích chi tiết về kỹ thuật như phái nam để mà chú ý đường bóng, lực chạm, góc sút, cơ hội, tình huống...

Vi sao cac chi me bong da?
Sang tận Malaysia cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam bằng chữ của nước bạn!

Làm gì có mấy bà mấy cô biết chiến thuật 4-4-2 hay 2-4-4, biết các cú bấm bóng má trong hay má ngoài, biết đường bóng xoáy hay cú xe đạp chổng ngược... Thậm chí, mắt mũi kèm nhèm cộng với việc không hiểu hết luật, cũng khó phân định đúng sai của trọng tài, cứ thấy đội nhà bất lợi là nhao nhao bất bình. Tuy nhiên, tất cả chẳng hề gì. Nhìn phụ nữ xem bóng đá càng thấy họ đáng yêu đúng với tính chất giới nữ. Yêu thì cứ yêu, đâu cần biết nguyên do vì sao yêu. Còn vui được thì cứ vui, đâu cần phức tạp hóa lên nhiều cho giảm niềm phấn khích.

Bóng đá bất phân biệt giới tính, già trẻ lớn bé, mang tới niềm hạnh phúc hào hứng không biên giới. Điều này hiếm sự kiện văn hóa xã hội hay môn thể thao nào làm được. Vậy thì thích thì bật ti vi lên xem, thích thì ra đường khua cờ thổi kèn, mà nhích từng xentimet trong dòng người xe.

Vi sao cac chi me bong da?
Cổ vũ nhiệt thành vẫn không quên seo-phi

Đã vui thì cứ vui hết mình, đã yêu thì cứ nồng nhiệt mà thể hiện, niềm vui ấy là văn minh mà, có sao đâu. Chỉ cần nhắc nhau vui cho đẹp, chú ý an toàn, đừng sa đà cá độ, đừng quá khích chửi bới, tránh xa đám đua xe; cũng đừng phóng túng ra đường lợi dụng niềm vui để cởi quần cởi áo, theo kiểu “Đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai”.

Thể thao vốn dĩ đẹp, mình yêu thì cũng phải yêu cho đẹp, vui cho đẹp, thế thôi!

Hoàng Ly
Ảnh: Phạm Hữu Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI