Vị đắng đáng sợ của 'cà phê pin'

23/04/2018 - 08:44

PNO - Có khá nhiều chi tiết chưa được xác thực xung quanh vụ việc mang tên “cà phê trộn lõi pin” đang gây xáo động dư luận và thị trường.

Hành vi pha trộn có vẻ kỳ lạ đó, có thể là phi logic và thậm chí là không có thực. Nhưng thiệt hại của sự lây lan thông tin đã hiện hữu.

Vi dang dang so cua 'ca phe pin'
Sự nghi ngại về "cà phê nguy hiểm" sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến một loạt vấn đề: trồng trọt, thu hoạch, sản xuất, tiêu thụ cà phê. Ảnh: internet

Trộn lõi pin vào cà phê: 3 điều khó tin

Điều khó tin thứ nhất là thuần túy khẩu vị. Kiến thức phổ thông chỉ ra rằng, cấu tạo của cục pin bao gồm 5 phần: mũ kim loại (cực dương), thanh than chì, vỏ pin bằng kẽm, hỗn hợp carbon và mangan-oxid bao quanh thanh than chì, lớp lót đáy bằng kim loại (cực âm). Hỗn hợp và thanh than chì chính là phần lõi. Nhưng thật khó để xác quyết rằng, trộn cái hợp chất này lại tạo ra mùi hoặc vị hấp dẫn hơn cho cà phê.

Lõi cau được trộn để tạo vị say có thể hiểu được. Độn đậu nành hay bắp rang để giảm giá thành, tăng lợi nhuận vẫn dễ hiểu. Tuy vậy, giả thiết về việc trộn những thứ đã dẫn ở trên để chế biến cà phê là điều không đáng tin cậy.

Điều khó tin thứ nhì là tính kinh tế. Có lẽ chi phí thu gom pin đã sử dụng, rồi bóc tách lấy lõi, tán ra và trộn vào cà phê sẽ cao hơn lợi nhuận thu được từ bán sản phẩm giả. Chi phí càng cao thì lợi nhuận càng giảm, đây là trở ngại cho chính người muốn sản xuất hàng giả. Tại sao họ lại quyết làm một sản phẩm mà lợi ích của họ lại thấp, lại đối mặt với rủi ro cao về mặt pháp luật?

Điều khó tin thứ ba chính là từ nhiễu loạn thông tin. Cho tới giờ, trích dẫn ý kiến hay quan điểm của các bên liên quan được đăng tải trên truyền thông đều mơ hồ và không nhất quán. Không có sự khẳng định hay phủ định nào được xác tín dứt khoát. Đa phần là các lập luận dựa trên phỏng đoán. Cả sự phẫn nộ lan truyền cũng dựa trên một điều không chắc chắn: thật sự có vụ việc trộn lõi pin vào cà phê đã bán với khối lượng lớn hay không? Tại sao chưa có vụ ngộ độc nào được phát hiện với bằng chứng xác thực là do uống cà phê trộn “chất lạ” nói trên?

Cho nên cần trở lại điểm xuất phát: hành vi và sự việc đó có thật không và nếu có thật thì mục đích là gì?

Thiệt hại có thật

Chưa thể xác thực chuyện trộn lõi pin vào sản phẩm cà phê. Để có một kết luận minh bạch và khách quan về sự việc này, không thể dựa trên sự đồn đoán và quy kết của truyền thông. Tuy vậy, những thiệt hại hữu hình và vô hình từ cơn khủng hoảng “cà phê pin” đã bắt đầu thấy rõ.

Vi dang dang so cua 'ca phe pin'
 

Thứ nhất là sự sợ hãi của khách hàng tiêu dùng cà phê trong nước. Theo các kết quả nghiên cứu thị trường gần đây, tiêu thụ cà phê tại Việt Nam gồm hai phân khúc. 2/3 sản lượng tiêu thụ là cà phê rang xay (cà phê phin). 1/3 lượng tiêu thụ là cà phê hòa tan. Đa số người uống cà phê có thói quen uống ít nhất một ly/ngày. Chắc hẳn là nỗi hoang mang khi nhìn ly cà phê trước mặt không nảy sinh trong tâm lý của tất cả người uống.

Nhưng sự nghi ngại về “cà phê nguy hiểm” sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến một loạt vấn đề: trồng trọt, thu hoạch, sản xuất, tiêu thụ cà phê. Không thiếu dẫn chứng về thiệt hại lớn của nhiều ngành sản xuất sau những tin đồn gây hoảng loạn về cá basa, thịt heo, trứng gà, rau củ... Bây giờ cà phê cũng không phải ngoại lệ. 

Thứ nhì là tác động có hại của thông tin “cà phê pin” đối với thị trường xuất khẩu. Việt Nam từ năm 2000 đến nay đã chắc chân ở vị trí quốc gia xuất khẩu cà phê có sản lượng đứng thứ hai thế giới. Có hơn 150 doanh nghiệp nội tham gia xuất khẩu cà phê. Vài ngày qua, sự lan truyền bất lợi về cà phê trộn lõi pin đã xuất hiện trên nhiều trang mạng quốc tế. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, đến sự lựa chọn cà phê có xuất xứ từ Việt Nam.

Và tất yếu là sản phẩm cà phê xuất đi từ Việt Nam sẽ ít nhiều chịu sự soi mói khắt khe hơn cả về hàng rào thuế quan lẫn phi thuế quan. Không nên vội vàng cho rằng, vụ “cà phê pin” sẽ đánh gục cả một ngành sản xuất, xuất khẩu cà phê. Nhưng tác động gây lao đao thì có thể. 

Thứ ba là lòng tin với truyền thông. Một lần nữa, thông tin chưa được kiểm chứng xác thực đã lan truyền và tạo nên hiệu ứng phức tạp trên diện rộng trong một thời gian ngắn. Người uống cà phê thường hay đọc báo. Một cách đầy hoài nghi, họ sẽ nhìn vào ly cà phê lẫn tờ báo hoặc chiếc điện thoại trên tay và tự hỏi “cả cà phê lẫn thông tin có đáng tin cậy hay không”. Lòng tin vốn đã không nhiều, nay lại càng ít.

Nếu như vậy, cà phê đắng, mà thông tin cũng rất đắng.

Vũ Bách

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI