Vesak 2019: Lan tỏa thông điệp hòa bình, vì sự phát triển bền vững

13/05/2019 - 07:47

PNO - Khác với những lần tổ chức trước, Vesak 2019 có nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa tâm linh như lễ cầu quốc thái dân an, đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới, lễ hội pháo hoa…

“Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak 2019, chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh đức Phật và cùng suy ngẫm về chân lý hòa bình, về tinh thần khoan dung, lòng từ bi, đồng thời phát huy những chân lý đó vào thực tiễn cuộc sống” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (Vesak) năm 2019.

Vesak 2019: Lan toa thong diep hoa binh, vi su phat trien ben vung
Hàng vạn tăng ni, Phật tử cùng du khách đã đến chùa Tam Chúc để dự Đại lễ Phật đản

Phần lễ và phần hội đều hoành tráng

Đây là lần thứ ba, Việt Nam đứng ra tổ chức Vesak sau hai lần đăng cai vào năm 2008 và 2014. Qua những gì ghi nhận tại lễ khai mạc Vesak 2019 ngày 12/5, có thể thấy, đây là lần tổ chức quy mô, hoành tráng nhất từ trước đến nay.

Tại lễ khai mạc, chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) - nơi diễn ra Vesak 2019 - đã đón 1.650 đại biểu quốc tế, trong đó có các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, các nhà nghiên cứu, học giả cùng khoảng 20.000 phật tử, đại biểu trên cả nước và hàng vạn du khách thập phương.

Trước đó, năm 2018, khi Vesak được tổ chức tại Thái Lan, có đại diện 84 quốc gia tham dự thì tại Vesak 2019, có đại diện 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Trong số các đại biểu tham dự, có những nhân vật quan trọng như Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc cùng nhiều bộ trưởng của các nước.

Khác với những lần tổ chức trước đó chỉ gói gọn trong các hội thảo, diễn đàn, tại Vesak 2019, ban tổ chức đã có nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa tâm linh như lễ cầu quốc thái dân an, đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới, lễ hội pháo hoa…

Còn với hội thảo nghiên cứu về Phật giáo, tại Vesak 2019, nội dung xuyên suốt cho các nhóm hội thảo là sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.

Ban tổ chức đã nhận được 398 bài tham luận của các học giả quốc tế và 110 bài tham luận của các học giả trong nước, đạt số lượng cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, sẽ có hơn 30 quyển sách về Phật giáo bằng tiếng Anh và song ngữ Anh - Việt được phát hành tại đại lễ.

Vì thế giới tốt đẹp hơn

Phát biểu tại buổi khai mạc Vesak 2019, trước 3.000 đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba, các quốc gia ngày càng phát triển, của cải vật chất ngày càng nhiều nhưng người dân ở không ít nơi còn chịu khổ đau do chiến tranh, xung đột, thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nhiều người với lối sống thực dụng đang xa dần hoặc quên đi những giá trị nhân bản. Sự quan tâm về vật chất quá lớn đã nới rộng khoảng cách giữa giàu và nghèo, làm cho nền tảng đạo đức truyền thống của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng.

Vesak 2019: Lan toa thong diep hoa binh, vi su phat trien ben vung
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức tắm phật

“Chúng ta hãy cùng tĩnh tâm, chiêm nghiệm lời Phật dạy để tìm ra giải pháp và cùng nhau hành động để bảo vệ, kiến tạo cho thế giới ngày càng an lạc, tốt đẹp hơn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi. Thủ tướng cho rằng, việc tổ chức Vesak 2019 khẳng định, Nhà nước Việt Nam quan tâm và tôn trọng những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hướng con người tới chân, thiện, mỹ, phù hợp với văn hóa, đạo đức và lối sống hướng thiện của con người Việt Nam.

“Với nỗ lực chung của mỗi chúng ta vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2019 được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp, thành tựu viên mãn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ. 

Phật đản là lễ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, trở thành ngày lễ trọng đại của hai hệ phái Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa) và Bắc tông (Đại thừa), được tổ chức vào tháng Tư âm lịch hằng năm. Đây là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo, gồm Phật đản, Vu lan, Thành đạo.

Từ năm 1949 trở về trước, các nước Đông Á thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch, nhưng vào năm 1950, tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Colombo (Sri Lanka), 26 nước thành viên đã nhất trí lấy ngày rằm tháng Tư âm lịch hằng năm làm ngày Phật đản quốc tế. Đến năm 1999, ngày lễ Phật đản được Liên hiệp quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành lễ Tam hợp mà Liên hiệp quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập niết bàn). 

Vesak 2019 diễn ra tại chùa Tam Chúc, thuộc H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam từ ngày 12 - 14/5 với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI