Vạch mặt đường dây lừa đưa người đi lao động khổ sai: Làm kiệt sức, phải vay tiền chuộc thân

23/10/2017 - 07:56

PNO - Sau khi được đồng nghiệp mang 2,5 triệu đồng đến chuộc thân, vừa thoát kiếp “con nợ”, tôi liền nhận được cuộc gọi khóc lóc, cầu cứu của Thọ: “Ông làm ơn kiếm chỗ nào đó vay mượn bốn triệu, chuộc hai cậu cháu tôi ra...

Bỏ tiền “mua” lao động về làm việc cho mình, nhiều chủ vườn mặc nhiên vắt kiệt sức người lao động. Người nào không làm nổi, xin quay về trung tâm môi giới việc làm, sẽ bị chủ vườn lẫn trung tâm chửi mắng, thậm chí đánh đập. Khi đó, họ chỉ còn cách nhờ người mang tiền đến chuộc thân, hoặc tiếp tục bị “bán” cho một chủ vườn khác.

Lật lọng

Vach mat duong day lua  dua nguoi di lao dong kho sai: Lam kiet suc, phai vay tien chuoc than
Thọ và Vinh kể lại việc bị Công ty Đức Hoàng đưa đi lao động khổ sai

Khuya 9/10, chúng tôi nhận được cuộc gọi cầu cứu của Thọ (SN 1992, người bị lừa đi lao động (LĐ) cùng lượt với chúng tôi). Qua điện thoại, giọng Thọ yếu ớt: “Ông có việc chưa? Tôi có việc rồi, nhưng mấy ngày qua làm như LĐ khổ sai. Tôi chịu không nổi nên vừa bị họ (chủ vườn) đưa lại chỗ Công ty (CT) Đức Hoàng. Giờ tôi đang bị nhốt ở đây, có thằng cũng như tôi, không làm được việc, bị trả về, còn bị đánh nữa. Tôi sợ lắm”.

Thọ là người mà chúng tôi đã đề cập trong bài 2 của loạt phóng sự điều tra này. Sau hai ngày bị “giam lỏng” ở CT Đức Hoàng với khoản nợ 1.250.000 đồng mà CT này áp đặt, ngày 6/10, Thọ được ông T.H.N. (ngụ tại H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đến bỏ tiền “mua” về làm vườn, chăn nuôi với mức lương 4 triệu đồng/tháng, làm 8h/ngày. 

Thỏa thuận là vậy, nhưng khi đưa Thọ và cháu Thọ là Vinh về nhà, ông N. bắt họ làm việc gần 12h/ngày. Chưa tới 5h sáng, hai thanh niên này phải dậy vắt sữa bò, hốt phân bò, đào hố tiêu cho đến trưa. Ăn trưa và nghỉ trưa trong một tiếng đồng hồ, 13h, cả hai phải tiếp tục làm vườn cà phê cho đến 18h.

Vach mat duong day lua  dua nguoi di lao dong kho sai: Lam kiet suc, phai vay tien chuoc than
Trụ sở công ty Đức Hoàng - nơi Thọ và Vinh bị giam lỏng khi không có người thân đến chuộc

Sau ba ngày làm việc, Thọ và Vinh kiệt sức. “Ở quê, tôi đã làm gỗ keo nặng nhọc nhưng lên đây, vẫn không thể chịu nổi kiểu LĐ khổ sai này. Làm việc nặng cả ngày, nhưng tối đến, tôi phải ngủ ở căn chòi dựng tạm bên chuồng bò. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ được “ban cho” hai thùng nước để làm vệ sinh tại vườn chứ không được vào nhà” - Thọ kể.

Bị chủ vườn lật lọng, không thực hiện đúng theo thỏa thuận hợp đồng, lại cố vắt kiệt sức nhân công, Thọ và Vinh đành năn nỉ ông N. cho trở lại CT Đức Hoàng để xin làm công việc mới. Khi quay lại, dù khó chịu, nhưng đại diện CT này buộc phải trả lại tiền cho ông N. Bấy giờ, Thọ và Vinh tiếp tục trở lại thành con nợ của CT Đức Hoàng.

Sau câu hỏi “đi làm hay đi chơi vậy”, người của CT này đưa cả hai trở vào phòng giam lỏng. Theo Thọ, sở dĩ mình không bị đánh là vì chịu khó im lặng, nghe theo mọi sự sắp đặt của CT. Một thanh niên khác yêu cầu chủ vườn trả về cho CT môi giới nhưng lại than trách “việc nặng, lương thấp, không đúng thỏa thuận”, đã bị nhân viên CT đánh. 

Vach mat duong day lua  dua nguoi di lao dong kho sai: Lam kiet suc, phai vay tien chuoc than
Bà N. nhận 2,5 triệu đồng tiền “chuộc thân” chúng tôi

Trong quá trình điều tra, trưa 9/10, chúng tôi tìm đến vườn dâu Phương Hà (xã Đạ Sar, H.Lạc Dương), nơi V. tố cáo bị bóc lột sức LĐ và bị “giam lỏng”. Tại đây, có sáu LĐ nữ chủ yếu được “mua” từ các CT đang miệt mài làm việc. Vừa bước vào khu vườn, thuốc bảo vệ thực vật xộc lên mũi chúng tôi cay nồng.

Dưới cái nắng rát da của vùng cao nguyên và làm việc trong điều kiện đầy chất hóa học, không một LĐ nào được trang bị dụng cụ bảo hộ. Khắc nghiệt là vậy nhưng nhiều LĐ ở đây khẳng định, mỗi ngày, họ phải làm từ 11 - 12h bất kể nắng hay mưa, với mức lương chỉ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. 

Vườn dâu Phương Hà “mua” phần lớn LĐ thông qua các CT môi giới việc làm. Như một “chủ nợ” uy quyền, bà Hà - chủ vườn - mặc sức sai khiến, áp đặt mức lương đối với người LĐ. Trong ngày có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến trận cãi vã nảy lửa giữa bà Hà với vợ chồng người dân tộc thiểu số. Vợ chồng này là nạn nhân của đường dây môi giới LĐ mà điểm đến là CT Tâm Đức Lộc. Vợ chồng này được CT Tâm Đức Lộc “sang tay” cho bà Hà với mức lương thỏa thuận là 3,8 triệu đồng/người/tháng, nhưng khi làm việc tại vườn dâu, bà Hà “áp giá” chỉ 3 triệu đồng/người/tháng.

Bức xúc, người vợ yêu cầu làm đúng theo hợp đồng, bà Hà liền lật lọng: “Cho dù hợp đồng có ghi 10 triệu đi nữa, tôi không trả, mấy người làm gì được tôi”. Nghe người vợ bảo mình ăn quỵt, bà Hà giận dữ: “Tôi không lừa đảo ai cả, trong này (hợp đồng) nó ghi tiền vậy nhưng nó có biết mấy người làm việc thế nào không? Mày muốn nói lừa đảo, mày xuống thẳng trung tâm (ý nói CT Tâm Đức Lộc) nói nó lừa đảo”. Biết mình yếu thế, người chồng chửi đổng, yêu cầu vợ mình im. Bất lực, người vợ chảy nước mắt và cố kìm tiếng nấc.

Vach mat duong day lua  dua nguoi di lao dong kho sai: Lam kiet suc, phai vay tien chuoc than
Bà chủ Vườn dâu Phương Hà cãi nhau với một nữ lao độ ng về việc tự hạ mức lương so với hợp đồng

Nghe tin chúng tôi đến vườn dâu để tìm và chuộc người, khi chúng tôi định rời đi, nhân lúc bà Hà không để ý, người phụ nữ ban nãy ngoắc tay, chạy theo xin được nói cho rõ chuyện. Thế nhưng, chị vừa chạy được một đoạn, người của bà Hà đã phát hiện, tri hô, ngăn cản. Người này đành đứng lại, nhìn theo chúng tôi đầy tuyệt vọng. 

Chuộc thân

Không khác gì các LĐ bị vướng vào đường dây lừa đảo tuyển dụng, sau một đêm ở CT Tâm Đức Lộc, chúng tôi đã bị CT này “sang tay” cho một chủ xưởng mộc ở TP.Đà Lạt để lấy 2,3 triệu đồng và 200.000 đồng “tiền công đưa đi nhận việc”. Tận tay bàn giao người, nhân viên CT Tâm Đức Lộc còn “sang tay” chứng minh nhân dân cho chủ xưởng, nhằm phòng tránh việc chúng tôi đào thoát.

Công việc không phù hợp lại nặng nhọc, tôi không đồng ý làm, chủ xưởng mộc này yêu cầu phải trả lại 2,5 triệu đồng mà bà đã bỏ ra cho CT Tâm Đức Lộc để “bắt” chúng tôi về. “Cô biết con cũng là nạn nhân của CT môi giới việc làm thôi. Nhưng giờ cô bỏ tiền ra cho con về làm, con không làm được thì phải trả tiền lại cho cô. May là con tới chỗ cô chứ vô chỗ khác, họ ép con làm chứ không cho chuộc về đâu” - bà N., chủ xưởng mộc, nói.

Theo bà N., các chủ vườn ở Lâm Đồng không lạ gì chiêu trò lừa tuyển LĐ của các CT môi giới việc làm, nhưng vì cần nhân công nên họ vẫn chấp nhận tuyển người thông qua các CT này. Như đã nói trong bài trước, trong giao dịch này, CT môi giới và người sử dụng LĐ đều có lợi, chỉ người LĐ chịu thiệt với món nợ “trời ơi”.

Vach mat duong day lua  dua nguoi di lao dong kho sai: Lam kiet suc, phai vay tien chuoc than
"Hợp đồng" giữa Thọ và công ty Đức Hoàng

“Hôm trước, cô cũng nhận chuộc một đứa bị lừa đi làm hoa, lương tháng 7 triệu giống như con. Về đây làm mộc với cô còn đỡ, chứ đi làm vườn chỉ có kiệt sức, công việc nặng nhọc lắm. Nói làm vườn nhưng đâu cụ thể là làm gì, cái gì cũng làm hết. Khi nào thoát được, con cứ cho nhiều người biết chiêu trò tuyển dụng này để họ tránh” - bà N. khuyên chúng tôi. 

Sau một buổi sáng ở nhà bà N., chúng tôi được đồng nghiệp mang 2,5 triệu đồng đến chuộc thân. Chúng tôi vừa thoát kiếp “con nợ” thì bất ngờ, Thọ lại gọi điện cầu cứu. Biết tôi được người thân chuộc ra, Thọ bật khóc: “Ông làm ơn kiếm chỗ nào đó vay mượn bốn triệu, chuộc hai cậu cháu tôi ra với. Ra ngoài, tôi sẽ tìm mọi cách kiếm tiền trả ông. Ở trong này, tôi chịu hết nổi rồi”.

Theo Thọ, các LĐ trong CT Đức Hoàng đã quá ngán cảnh bị giam lỏng, đe dọa, đánh đập. Cùng ngày, một số người ở chỗ Thọ đã bị đưa đi làm lò gạch. Thọ cho biết, hỏi thăm một số người từ lò gạch xin trở lại CT Đức Hoàng, anh được biết, công việc ở lò gạch còn nặng nhọc gấp 10 lần làm vườn, ăn uống lại kham khổ, hầu như ai vào đây cũng đều bị kiệt sức.

Bế tắc, cùng cực, Thọ liên tục gọi điện, khẩn thiết xin chúng tôi giải cứu. Trưa 10/10, chúng tôi quyết định quay lại CT Đức Hoàng để chuộc Thọ và Vinh. Lúc này, CT Đức Hoàng đông nghẹt người, phía trước cổng CT có một nhóm thanh niên làm nhiệm vụ “cảnh giới”. Thấy tôi bước vào, hai thanh niên đang ngồi đánh bài trên ghế đá đứng dậy, chặn đường, hỏi thăm. Biết chúng tôi đi “chuộc người”, hai thanh niên hất hàm hướng dẫn chúng tôi vào gặp bà Thu - Giám đốc CT Đức Hoàng.

Tôi thắc mắc về việc CT Đức Hoàng “sang tay” LĐ đi làm khổ sai từ trước 5h đến 18h mỗi ngày, bà Thu chối ngay: “Đâu có”. Thọ xen vào: “Em đi nuôi bò, làm đủ việc đó chị”. Không thể chối cãi, bà Thu chống chế: “Đúng rồi! Đi nuôi bò phải vậy đó, nhưng thời gian nghỉ trưa cũng dài mà”.

Thọ nói: “Buổi trưa em chỉ được nghỉ hơn một tiếng thôi. Tính ra ngày, em phải làm 11 - 12 tiếng đồng hồ”. Bà Thu dửng dưng: “Vậy hả? Vậy thì đổi việc khác”. Đối với chủ các CT môi giới như bà Thu, họ chỉ quan tâm các chiêu thức móc nối, liên kết với các đối tượng lừa đảo để có nguồn LĐ sang tay cho các chủ vườn và đút túi.

Trước lúc chúng tôi đưa Thọ và Vinh đi, có hai LĐ khác được một thanh niên đưa tới ngồi đợi ở CT Đức Hoàng. Một cậu bé chừng 14-15 tuổi đưa mắt nhìn theo chúng tôi với vẻ mặt đầy tuyệt vọng. Có lẽ, sau buổi trưa hôm đó, cậu bé sẽ bị bà Thu “sang tay” cho một chủ vườn nào đó để lấy tiền... 

Bà Thu yêu cầu chúng tôi chi trả 4,1 triệu đồng “tiền tạm ứng” cùng với 100.000 đồng tiền cơm trong một ngày Thọ bị giam lỏng tại CT. Chúng tôi thắc mắc: “Sao nhiều quá vậy?”.

Bà Thu đáp: “Tiền chi phí CT môi giới dưới kia, tiền môi giới bên chị, tiền xe, tiền ăn, tiền ứng gì nữa chị không biết. Xin nghỉ tức là phá vỡ hợp đồng, phải trả lại cho CT bấy nhiêu đó, mới được ra”.

Nhóm phóng viên
(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI