Trong lịch sử tội phạm, thôi miên là rất hiếm

19/07/2017 - 10:35

PNO - Trong lịch sử tội phạm ở Việt Nam, trường hợp thôi miên lấy tài sản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thỉnh thoảng, có rộ lên những vụ thôi miên chiếm đoạt tài sản nhưng đó chỉ là lời đồn, không có thật.

Liên quan đến các trường hợp được cho là bị thôi miên ở chợ Bàu Cát, phóng viên báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học, của Viện Khoa học cảnh sát, thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân.

Trong lich su toi pham, thoi mien la rat hiem
Chợ Bàu Cát gần đây xảy ra nhiều vụ được cho là thôi miên cướp tài sản. Bà N. (một trong những nạn nhân được cho là bị thôi miên) trò chuyện với phóng viên (ảnh nhỏ)

- Ông có nhận định gì về thuật thôi miên và chuyện thôi miên để chiếm đoạt tài sản?

- Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Về mặt khoa học, thôi miên là có thật và thường được sử dụng trong y học. Nhưng không dễ để thôi miên và cũng không dễ gì thôi miên lấy tài sản như lời đồn xưa nay. Để sử dụng thuật thôi miên, người ta thường phải ngồi trong phòng, người thực hiện thôi miên cũng phải là người có chuyên môn chứ không phải ai đọc sách về thôi miên cũng thôi miên được.

- Ông có nhận định gì về các trường hợp được cho là “bị thôi miên” ở chợ Bàu Cát?

- Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Với những trường hợp này, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xác minh. Theo tôi, trong hoàn cảnh như vậy mà bị thôi miên là điều rất khó xảy ra. Có thể các đối tượng dùng thủ đoạn gì đó để dụ dỗ, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nạn nhân ngộ nhận rằng mình bị thôi miên. Tôi không phủ nhận chuyện thôi miên nhưng thôi miên trong trường hợp như trên là rất khó và dường như là không thể xảy ra. 

- Trong lịch sử tội phạm Việt Nam, việc thôi miên chiếm đoạt tài sản có phổ biến hay không, thưa ông?

- Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Trong lịch sử tội phạm ở Việt Nam, trường hợp thôi miên lấy tài sản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thỉnh thoảng, có rộ lên những vụ thôi miên chiếm đoạt tài sản nhưng đó chỉ là lời đồn, không có thật. Nhiều câu chuyện thôi miên được dựng lên như thật, nhưng khi công an xác minh thì hóa ra đó chỉ là ngộ nhận.

- Ông có thể cho biết rõ hơn về các trường hợp nạn nhân ngộ nhận mình bị thôi miên?

- Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Có những trường hợp người ta nghĩ là bị thôi miên nhưng thật ra lúc đó nạn nhân rơi vào tình trạng tâm lý không ổn định, bị căng thẳng, mất tỉnh táo. Lúc này, nạn nhân thường hớ hênh, để kẻ xấu lợi dụng lấy tài sản rồi, sau đó cho rằng mình bị thôi miên nên mới dễ dàng bị lấy tài sản. Cũng có trường hợp nạn nhân tự dựng lên câu chuyện bị thôi miên để che giấu một việc gì đó.

Đã có trường hợp người vợ thua bạc, số đề rồi về nói với chồng là mình bị thôi miên. Trường hợp này nạn nhân “diễn” rất giống nên gia đình thường không phát hiện, đến khi công an vào cuộc thì vụ việc mới sáng tỏ.

Một trường hợp khác rất phổ biến, đó là kẻ xấu đánh vào lòng tham của nạn nhân. Tội phạm dựng lên lợi ích nào đó cho nạn nhân để nạn nhân đưa tài sản cho mình. Ví dụ như lừa mua hàng giá rẻ, bán thuốc giá rẻ, nạn nhân vì lòng tham mà mất tỉnh táo dẫn đến mù quáng. Khi biết bị lừa, nạn nhân cố tình không tin rằng mình đã bị lừa mà cho rằng mình bị thôi miên hoặc cố tình nói là bị thôi miên.

- Có giả thuyết cho rằng tội phạm dùng thuốc để thôi miên nạn nhân, ông nghĩ sao về điều này?

- Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Giữa thôi miên và dùng thuốc là hoàn toàn khác nhau. Trên thực tế, có trường hợp người ta dùng các loại thuốc gây mê, gây tê trong một khoảnh khắc làm nạn nhân bị tê liệt ý chí, mất khả năng tự vệ để cướp tài sản. Đây là dùng thủ đoạn để cướp chứ không phải thôi miên. Tuy nhiên, việc dùng thuốc kiểu này cũng rất khó. Để dùng thuốc, chỉ có thể uống, tiêm hoặc xịt. Muốn gây mê ở đám đông để lấy tài sản nhanh thì chỉ có xịt, nhưng xịt thuốc mê ở đám đông cũng không phải đơn giản.

- Trước tình trạng tội phạm dùng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt tài sản như hiện nay, ông có lời khuyên gì cho người dân?

- Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Theo tôi, người dân nên cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản của mình. Không nên quá tin tưởng vào những đối tượng “từ trên trời rơi xuống” nhưng lại gợi ý giúp mình, mang cho mình một khoản lợi nhuận lớn.

Người dân cũng không nên quá hoang mang trước những thông tin về các vụ thôi miên cướp tài sản. Bởi lẽ, như tôi đã nói, thôi miên cướp tài sản rất khó xảy ra. Khi bị lừa lấy tài sản, nạn nhân nên tường trình sự thật với cơ quan chức năng. 

Hoàng Lâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI