Trong 5 tháng, xảy ra gần 700 vụ xâm hại trẻ em trên toàn quốc

05/06/2018 - 11:03

PNO - Sáng 5/6, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, đến lượt Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Hiện tại có 68 đại biểu đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Dung.

Nhóm vấn đề Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn liên quan đến thực trạng thị trường lao động ở nước ta, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; Thực trạng hoạt động dạy nghề của doanh nghiệp; Dạy nghề theo nhu cầu của xã hội, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; Giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

Mở đầu phiên chất vấn của mình, Bộ trưởng Dung báo cáo Quốc hội, theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.

Đáng nói, đối tượng xâm hại trẻ em bởi người thân trong gia đình chiếm đến 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.

Theo báo cáo, môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích đối với trẻ em, tỷ suất trẻ em mắc và tử vong do tai nạn, thương tích còn cao, đặc biệt là tử vong do đuối nước.

Tại hội trường, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại với trẻ em ngày càng tăng phức tạp gây bức xúc cho xã hội. Tuy rằng đã có hành lang pháp lý và những quy định pháp luật bảo vệ trẻ em nhưng xã hội lo lắng vì chưa đủ sức răn đe phòng ngừa có hiệu quả để bảo vệ trẻ em. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có suy nghĩ, giải pháp đồng bộ gì để giải quyết vấn nạn trên?

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) tranh luận, vấn đề bạo lực trẻ em gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, thậm chí còn có cả tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Số liệu Bộ trưởng đưa ra là 2.000 vụ bạo hành nhưng riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ.

“Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời kỹ hơn. Với tư cách là Bộ trưởng, đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bộ trưởng cho biết các giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này?”, ĐB Nga nói.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Dung cho biết, mỗi năm trên thế giới có hơn 150 triệu trẻ em bị bạo hành. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương xâm hại trẻ em lớn nhất. Còn ở nước ta, hàng năm nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành. Về khung pháp lý, chúng ta hoàn toàn có đầy đủ như Luật Trẻ em. Tới đây, Bộ sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật một lần nữa, cụ thể hơn trách nhiệm của các ngành, tăng cường sự phối hợp hiệp đồng đề cao giữa gia đình và trường học trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, trẻ em vùng sâu, xa miền núi không được hưởng quyền của trẻ em, trách nhiệm của Bộ và Bộ trưởng thế nào.

Đại biểu Quyết Tâm cũng đề nghị, trẻ em không chỉ ở vùng núi mà cả vùng sâu, vùng xa có quyền được học và vui chơi giải trí – cần chuẩn hóa xây dựng trường học, trường học đa chức năng. Chế độ dinh dưỡng miễn phí sữa học đường, đảm bảo độ ấm cho trẻ em.

Vấn đề này, Bộ trưởng Dung thừa nhận, tình trạng thiệt thòi của trẻ em miền núi là có thật. Vấn đề này do điều kiện sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, phần đa các hộ nghèo 30a ở miền núi… Vì vậy, gần đây, chúng ta có nhiều chính sách nhưng nhiều chính sách đến, tỷ lệ thụ hưởng và mức độ thụ hưởng còn hạn chế. “Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước, dù đã cố gắng phối hợp Ủy ban dân tộc miền núi nhưng kết quả chưa mong muốn, Tôi xin tiếp thu và trong thời gian tới sẽ chú ý nhiều hơn”.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI