Trẩy hội xuân, xem đấu cờ người ở làng Quảng Bá

10/02/2019 - 06:00

PNO - Vào ngày hội làng Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) hằng năm thường diễn ra thi đấu cờ người. 32 trai, gái mới lớn, trong trang phục xanh, đỏ đóng vai các quân cờ làm cho hội xuân thêm phần rực rỡ…

Trẩy hội mừng xuân, dừng chân ở hội đình làng Quảng Bá vào các ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, người xem sẽ được dịp chứng kiến những ván cờ người mang đậm nét văn hóa truyền thống. Giữa Hà thành ngày nay, rất hiếm nơi còn tổ chức thi đấu cờ người như làng Quảng Bá.

Tray hoi xuan, xem dau co nguoi o lang Quang Ba
Thi đấu cờ người ở làng Quảng Bá

Theo ông Nguyễn Quang Tịnh - thành viên Ban quản lý di tích đình chùa Quảng Bá, nhiều năm trở lại đây, việc tổ chức thi đấu cờ người có khó khăn do phải huy động đủ 32 trai, gái mới lớn, để đóng vai các quân cờ, trong khi tết các cháu bận theo gia đình đi trẩy hội ở các miền quê khác. Tuy nhiên, các thành viên Ban quản lý di tích vẫn cố gắng vận động các cháu tham gia đầy đủ để gìn giữ nét xuân đáng quý này.

Ông Tịnh cho biết, chơi cờ tướng là chơi trên bàn cờ, mà mỗi quân cờ đường kính chỉ 2cm. Chơi cờ người cũng vẫn là luật lệ của cờ tướng, nhưng quân cờ là người thật, và bàn cờ là sân rộng sao cho đủ đường đi nước bước cho 32 người. Cờ người thường là trận thi đấu mang tính chất trình diễn nhiều hơn là một cuộc thi đấu, dù việc cầm quân giao đấu hai bên là các cao thủ cờ tướng.

Cờ người ở hội làng Quảng Bá được tổ chức trang trọng, có trống, có cờ xí… 32 trai, gái được lựa chọn đóng vai 32 quân cờ (gồm 1 tướng, 2 sĩ, 2 tượng, 2 xe, 2 pháo, 2 mã, 5 tốt của mỗi bên). Theo ông Tịnh, đây đều là người của làng, đều lứa tuổi học lớp 9, được lựa chọn kỹ lưỡng, có hình thức đẹp, hiền lành, ngoan ngoãn. Các em phải có chiều cao ngang nhau, và phù hợp, như trai - gái đóng tượng phải có thân hình mập mạp, “tướng ông”, “tướng bà” thì phải to khỏe, chững chạc.

Tray hoi xuan, xem dau co nguoi o lang Quang Ba
 

Bàn cờ người rộng hàng chục mét được mở ra ở sân đình, với trống, cờ xí vui nhộn. Bên trai mặc trang phục màu đỏ, bên gái màu xanh, mỗi bên 16 người trên tay cầm quân cờ. Quân tướng trong dáng vẻ bề thế, trang phục riêng, có mũ, cờ, cân đai. Quân tượng cũng được mặc bộ trang phục khác biệt. Sĩ, xe, pháo, mã, tốt mặc trang phục giống nhau, chân bó xà cạp trông như lính khố xanh ngày xưa, chỉ khác ở đội mũ, riêng tốt thì đội nón.

Trước khi vào cuộc thi đấu, tổng cờ dẫn quân ra sân cờ. Mỗi quân cờ có chiếc ghế đẩu để ngồi. Sau mỗi lần phất cờ ra lệnh của người đánh cờ vào quân cờ nào thì quân cờ ấy đứng dậy di chuyển theo dấu hiệu người phất cờ đến các vị trí. Khi đã phất cờ chỉ vào quân cờ nào đi thì không được hoãn. Cuộc đấu cờ người diễn ra trong 1 tiếng đồng hồ. Nếu không phân thắng bại thì các đối thủ chuyển sang thi đấu tiếp trên bàn cờ để tìm người thắng cuộc, dành sân cờ người cho 2 người thi đấu tiếp theo.

Từng được xem những cuộc đấu trí bên sân cờ ở hội làng Quảng Bá, chúng tôi thấy cờ người thực sự thu hút đông đảo người xem đến cổ vũ. Nhất là trẻ em, dù chưa thể am hiểu về luật chơi cờ, nhưng sự di chuyển của các quân cờ người đã thu hút các em vì sự lạ mắt. Còn thanh niên thường xem cờ người một cách chăm chú, như đang suy nghĩ tháo gỡ đường đi nước bước của thế cờ.

Ở nhiều nơi, nhất là cờ người ở miền Nam, cứ mỗi nước đi, các quân cờ thường múa các thế võ dân gian truyền thống, làm cho loại hình thi đấu cờ người thêm phần đặc sắc, hấp dẫn bởi kết hợp được “trí” trong bộ môn cờ tướng, với “dũng” của võ thuật cổ truyền.

    Khánh Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI