Trách nhiệm thông minh

08/11/2019 - 06:39

PNO - Đi liền với đô thị thông minh, sáng tạo là thể chế thông minh” - phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo trong cuộc phỏng vấn với Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Và dĩ nhiên, một thể chế thông minh chỉ có thể “lọt lòng” từ những con người thông minh thiết kế nên cái thể chế ấy, vận hành thể chế ấy vào thực tiễn phục vụ con người. Mà chỉ số IQ đầu tiên, đòi hỏi ở đội ngũ vận-hành-thể-chế-thông-minh ấy lại chính là trách nhiệm, không thể khác. 

“Trách nhiệm thông minh” là một trách nhiệm thực chất, hiểu biết, toàn phần. Nó đối lập với một kiểu trách nhiệm nửa vời, che đậy và… vô trách nhiệm. Công nghệ - rơi vào tay kiểu trách nhiệm vẽ vời này, không chóng thì chày chỉ là những phiên bản lỗi, hệ quả tắc trách, nguy hại là không tránh khỏi. 

Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh vốn mang trong nó cái “di truyền” thông minh, sáng tạo. Khát vọng sáng tạo, thông minh đang được thổi bùng và thúc đẩy đi tới chinh phục. Nhưng, trong nỗ lực thiết lập bước đầu cỗ máy công nghệ, giữa những chuyển động từ thăm dò đến thử nghiệm trên từng phạm vi ngành nghề xã hội nhất định, tôi lại thấy… sự hụt hơi của một bộ phận con người - gọi tên cho rõ thì đấy là một đội ngũ cán bộ có chức trách. 

Hoặc có thể tôi nhầm khi đặt để họ cạnh… công nghệ; hay cử tri chúng tôi đã hết sức vô lý khi đòi hỏi họ phải là những công bộc thông minh, sáng tạo trong một đô thị sáng tạo, thông minh? 

Không dưới hai lần, ở các kỳ hội nghị thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đều đưa ra nguyên lý, không có công nghệ hiện đại nào thay thế được trách nhiệm của con người. Và ông chỉ đích danh, là trách nhiệm của tôi, của các đồng chí, của đội ngũ cán bộ trước nhân dân thành phố. 

Vậy mà, 7 công trình xây dựng không phép nhởn nhơ ngay giữa khu phố 6, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Chủ công trình là đương kim Phó chủ tịch HĐND quận (hiện đã xin nghỉ việc), ông này là anh của ông Chánh thanh tra quận, bị kỷ luật, chuyển về làm Trưởng phòng Tư pháp quận. Biết rõ hành vi xây dựng trái phép của mình, không tự giác khắc phục, kéo dài từ năm 2016 đến nay, đến khi trực tiếp Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân về kiểm tra, xử lý thì mới “tự nguyện tháo dỡ”.

Một lãnh đạo cơ quan dân cử, sai phạm ngay trước mặt nhân dân, liệu trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ông ta (và các đồng chí thân hữu) đã tiếp thu ý kiến phản ánh gì, cam kết hành động như thế nào. Một địa bàn vốn trong tốp đầu về xây dựng không phép, vừa mới thông qua hàng loạt án kỷ luật lãnh đạo cấp quận, cấp phường; nay vẫn thản nhiên vi phạm, ngang nhiên sai phạm. 

Thể chế nào đủ sức “thông minh” để kiểm soát, giám sát những cán bộ vô cảm, vô trách nhiệm như thế! 

Trong vụ việc trục lợi tiền hiến máu nhân đạo tại Hội Chữ thập đỏ Q.1, có thể số tiền trục lợi không lớn nhưng hành vi trục lợi là bất nhẫn, bất nhân. Vì vậy, nhìn lại “đường đi” của tờ đơn tố cáo mà chị B. - nhân viên của Hội Chữ thập đỏ gửi đến các cơ quan hữu quan và sự chậm trễ vào cuộc, xử lý, phản hồi của quận ủy Q.1 là… thiếu “trách nhiệm thông minh”. Trong nhiều trường hợp, tính quy trình là để áp dụng trong quản trị hệ thống, còn với nhu cầu của cử tri, đòi hỏi bức thiết của nhân dân thì khi cần, buộc phải “đốt cháy giai đoạn”. 

Chẳng có một thứ “công nghệ” nào ngoảnh mặt trước nỗi đau, uất ức của con người, là vậy. 

Trong công trình “Thành phố thông minh và mối quan hệ cộng sinh giữa quản trị thông minh và sự tham gia của công dân”, đồng tác giả Tori Okner và Russell Preston (Tập đoàn Principle, Boston, Hoa Kỳ) đúc kết: “Nơi nào mà các thành phố ngày càng trở nên thông minh hơn và bền vững hơn, nó thường đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các cử tri của họ”. 

Trên con đường tiệm cận mục tiêu phát triển “thông minh” và “bền vững”, Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh đang cần nhiều hơn một sự quyết đoán, mạnh mẽ, xác thực, khách quan về đánh giá, sàng lọc chất lượng nguồn nhân lực - cụ thể là đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, địa bàn. 

Công nghệ có thể lỗi thời, nhưng trách nhiệm của con người - cán bộ thì không thể lỗi nhịp với đòi hỏi của nhân dân. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI