Trả giá sai lầm ở dự án đê bao sông Sài Gòn

17/09/2018 - 06:25

PNO - Có một vấn đề khó hiểu là theo thiết kế, đê có cao trình +2,2m nhưng những năm gần đây, vào những đợt triều dâng cao 1,71m, nhiều đoạn đê vẫn bị nước tràn qua.

Chưa hết mùa mưa 2018 nhưng nhiều đoạn đê bao sông Sài Gòn đã xuống cấp, lầy lội làm tuyến giao thông dọc con sông lớn nhất TP.HCM bị đứt đoạn. Tình trạng này đã tái diễn nhiều năm khiến người dân vô cùng ngao ngán. Từ tháng Chín trở đi, khi mực nước sông Sài Gòn dâng cao theo triều cường, người dân bên trong đê lại càng thêm thấp thỏm.

Tra gia sai lam o du an de bao song Sai Gon
Nhiều cống ngăn triều ven sông Sài Gòn bị hư hỏng, nước rất dễ tràn qua

Đường đê lún sạt liên miên

Chỉ cho chúng tôi xem một đoạn đê bị sạt lở rộng, có chỗ tạo thành hàm ếch khoét sâu vào chân đê, một người dân sống trong căn nhà nhỏ sát bờ sông, đoạn gần ngã ba đường Đê Bao - Nhị Bình (xã Nhị Bình, H.Hóc Môn) lo lắng: “Chỗ đó sạt thêm chút nữa là sụp xuống luôn. Nếu không gia cố kịp, đoạn đê này vỡ thì căn nhà của tôi cũng nguy. Đường đê gì mà cứ bị sạt lở hoài”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, tình trạng đường đê bị hư hỏng, xuống cấp, sạt lở xảy ra nhiều nhất ở những đoạn chạy qua H.Hóc Môn và Q.12. Trong đó, đoạn đê chạy qua H.Hóc Môn do sạt lở sâu, nhiều chỗ bị thu hẹp nên các phương tiện không thể lưu thông được. Đoạn đê chạy qua Q.12 rộng và kiên cố hơn nhưng cũng có hàng chục vị trí bị đọng nước, lầy lội, nhất là những đoạn có điểm kinh doanh vật liệu xây dựng.

Hệ thống cống ngăn triều dọc tuyến đê bao sông Sài Gòn hiện cũng hư hỏng khá nhiều, có cống cửa van không thể đóng, mở được. Riêng đoạn đê chạy qua phường An Phú Đông và Thạnh Xuân, Q.12 từng xảy ra tình trạng nước sông tràn qua hệ thống cống ngăn triều gây ngập úng, hư hại hoa màu của người dân.

Nhiều người dân sống ven sông Sài Gòn cho biết, hằng năm, bắt đầu từ tháng Chín, nước sông sẽ dâng cao do triều và khoảng từ cuối năm này đến đầu năm sau là thời điểm nước sông dâng cao nhất. Do đó, nếu những vị trí hư hỏng trên tuyến đê bao sông Sài Gòn không được sửa chữa kịp thời, những đợt triều cường sắp tới nhiều khả năng sẽ khiến nước tràn từ sông vào, gây ngập úng. 

Tra gia sai lam o du an de bao song Sai Gon
Nhiều đoạn đê bao dọc sông thường xuyên bị đọng nước, lầy lội

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND H.Hóc Môn và UBND Q.12 cho biết, trong những năm qua, chính quyền hai địa phương này đã có rất nhiều văn bản đề nghị Trung tâm Chống ngập TP.HCM xử lý tình trạng hư hỏng ở tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn nhưng việc khắc phục chỉ mang tính tạm thời nên tình trạng hư hỏng đê cứ tái diễn liên tục. 

Trả giá cho những sai lầm

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, tình trạng hư hỏng tuyến đê bao sông Sài Gòn xảy ra nhiều từ năm 2015 đến nay. Đây là thời điểm các nhà thầu thi công dừng bảo trì do công trình hết hạn bảo hành. Dù vậy, có một vấn đề khó hiểu là theo thiết kế, đê có cao trình +2,2m nhưng những năm gần đây, vào những đợt triều dâng cao 1,71m, nhiều đoạn đê vẫn bị nước tràn qua.

Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM mới đây, Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho rằng, trong quá trình thiết kế dự án (từ năm 2000), đơn vị tư vấn thiết kế đã sử dụng các mốc cao độ được triển khai từ hệ mốc cũ (từ những năm 1970) và chưa tính đến việc chênh lệch cao độ thủy văn, cao độ địa hình nên dẫn đến những sai số. “Mặt khác, chênh lệch mực nước giữa cao độ thủy văn và cao độ địa hình qua các năm theo tính toán là 23cm. Do vậy, khi triều cường dâng cao +1,71m, một số tuyến đê bao và các cống thấp cục bộ nên bị tràn nước” - báo cáo trên nêu.

Về tình trạng hư hỏng xảy ra liên tục ở tuyến đê bao, Trung tâm Chống ngập TP.HCM giải thích, khi lập dự án, tình hình đô thị hóa ở khu vực dự án đi qua chưa cao nên việc đắp đê bao chống ngập là nhu cầu cấp bách, còn mục tiêu giao thông chỉ mang tính “kết hợp giao thông nội đồng”. Do vậy, quá trình tính toán thiết kế chỉ xét đến giao thông nội đồng, không tính đến giao thông đô thị và không xét đến việc gia cố nền móng tuyến đê bao trên nền đất yếu, dẫn đến lún sụt.

Trung tâm Chống ngập TP.HCM còn nêu lý do: “Hiện nay, dọc tuyến đê, có nhiều bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng (20 bến bãi) được cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Những bãi kinh doanh vật liệu xây dựng này thường xuyên dùng xe quá trọng tải vận chuyển vật tư trên tuyến đê bao cũng là nguyên nhân gây lún sụt, hư hỏng”. 

Đầu tư gần 500 tỷ đồng, đê vẫn thường xuyên hỏng

Tuyến đê bao thường xuyên hư hỏng thuộc dự án Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 490 tỷ đồng, có mục tiêu ngăn lũ và triều cường, kết hợp xây dựng giao thông để phát triển kinh tế vườn, du lịch ven sông. Công trình được khởi công từ năm 2007 và đưa vào sử dụng từ giai đoạn 2010-2012 với hơn 61km bờ đê, riêng tuyến đê lớn dọc bờ sông Sài Gòn có chiều dài hơn 17km.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI