TP.HCM ngập lụt lịch sử: Bàn về nguyên nhân

27/09/2016 - 12:38

PNO - ''Người dân thành phố đã quá thấm về chuyện hễ mưa là ngập, nhưng nhà đầu tư và một số quan chức có trách nhiệm quản lý vẫn chưa thấm.''

Chuyện bình thường

Chiều 26/9, cơn mưa lớn đổ xuống trung tâm TP.HCM khiến nhiều tuyến đường ở các quận 1, 3, 5, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận... ngập nặng. Tình trạng ngập nước khiến giao thông vào giờ cao điểm thêm khó khăn, ùn tắc kéo dài.

TP.HCM ngap lut lich su: Ban ve nguyen nhan
TP.HCM đón trận mưa lịch sử. Ảnh: Zing

Những tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, D2, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Lương Đình Của, Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương (quận 2), Tạ Quang Bửu, Phạm Hùng (quận 8); Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng (quận Tân Bình)... ngập sâu trong nước.

Toà nhà Bitexco bị mưa hắt, nước tràn xối xả từ tầng 4 xuống một số khu vực. Còn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, D2 (Bình Thạnh) nước ngập đến nửa mét, hàng trăm xe chết máy. Bệnh viện ngập, nhân viên bệnh viện Trưng Vương còn tổ chức bắt lươn, bắt cá ngay trong khu nhà của bệnh viện.

Các tuyến đường ở khu vực Q.2, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân... cũng chìm trong biển nước. Tại BV Ung bướu TP.HCM mưa to làm ngập luôn sân bệnh viện đến đầu gối.

Ghi nhận tại Sân bay Tân Sơn Nhất, do lượng mưa nhiều hơn 104 mm nên tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ tại một số sân đậu số 11, 12, 24 và 27. Cơn mưa lớn trút dồn dập xuống TP.HCM khiến 11 chuyến bay tới Tân Sơn Nhất của 3 hãng hàng không trong nước và 2 chuyến quốc tế phải chuyển hướng hạ cánh.

Trao đổi với báo chí, Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết thời điểm này khu vực Nam bộ vào cao điểm mùa mưa nên lượng mưa khá lớn. Đây là chuyện bình thường hằng năm. Mùa mưa năm nay dự kiến kéo dài đến đầu tháng 11 sẽ kết thúc.

Theo các chuyên gia giao thông, tình trạng ngập sẽ còn kéo dài trong suốt mùa mưa năm nay, dù cho thành phố có triển khai nhiều công trình chống ngập. Mỗi chương trình chống ngập của TP.HCM lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Do đô thị hóa

Nói về nguyên nhân gây ngập lụt tại TP.HCM trong suốt một thời gian dài, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân chính của việc ngập lụt tại TPHCM là do kênh rạch bị lấp. Chỉ tính trong 20 năm, thành phố đã mất 60% kênh rạch. Với những trận mưa cường độ vượt chu kỳ tràn cống thì nước chảy về đâu khi không có kênh rạch ao hồ?

Ngoài ra, vị chuyên gia nhận định, nguyên nhân của việc ngập nước còn liên quan đến yếu tố kỹ thuật của hệ thống cống thoát nước. Độ to nhỏ, độ dốc của các đường ống không theo kịp sự phát triển của đô thị.

Nếu không đánh giá được chính xác những yếu tố này, ngập sẽ còn là tình trạng chung ở nhiều đô thị, chứ không phải riêng TP.HCM. Người dân thành phố đã quá thấm về chuyện hễ mưa là ngập, nhưng nhà đầu tư và một số quan chức có trách nhiệm quản lý vẫn chưa thấm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo ông Hoàng Minh Trí, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, TPHCM có địa hình dốc, cao ở hướng Bắc và thoải dần về hướng Nam. Với đặc điểm địa hình như vậy, từ lâu hướng Nam đã là hướng thoát nước chính của cả thành phố.

Tuy nhiên, quyết định xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng cùng hàng loạt các dự án phát triển ồ ạt tại phía Nam thành phố chính là mối lo ngại sẽ chặn mất lối thoát nước của thành phố.

Ông Trí phân tích, khi quyết định phát triển đô thị về hướng Nam, yêu cầu bảo vệ tối đa hệ thống sông, kênh, rạch và mảng xanh bảo vệ dọc hai bên kênh, rạch của khu Nam nhằm đảm bảo thoát nước cho cả thành phố đã được đặt ra.

Phát triển đô thị ở đây phải thực hiện theo hướng nén để tiết kiệm đất. Thế nhưng, khi thực hiện, ông cũng thấy bất ngờ vì yêu cầu trên gần như không được thực hiện. Nhiều kênh, rạch đã bị san lấp; nhiều mảng xanh dọc kênh, rạch không còn. Nhà cửa mọc lên san sát. Những khu vực chưa có nhà xây thì cũng đã có… chủ đầu tư, chỉ chờ thời điểm thích hợp để xây nhà.

Đó chính là lý do chính làm cho tình trạng ngập ở TPHCM không được cải thiện như kỳ vọng, bất chấp nhiều nỗ lực cả về kinh phí lẫn nhân lực đã được đầu tư vào đây. Các dự án phát triển đô thị ở khu vực này, về nguyên tắc đều lắp đặt hệ thống cống thoát nước.

Tuy nhiên, cả vùng đầm lầy của khu Nam ngày xưa thu nước cho cả thành phố, giờ rút lại trong vài hệ thống cống, chắc chắn không thể hiệu quả như trước. Chưa kể, việc lắp đặt cống liệu có đúng, có đủ? Bởi lẽ, là khu vực thu nước cuối cùng trước khi đổ ra biển, hệ thống cống phải đủ lớn, phải được đặt sâu thì nước ở khu nội thành mới chảy ra được.

Ngập do không có cống?

Trước đó, hồi tháng 5/2015, đề cập đến giải pháp giảm ngập cho Sài Gòn, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập ngày càng trầm trọng hơn là do nhiều con đường làm xong không chú ý đến hệ thống cống thoát nước.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa – nguyên viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM đồng tình với nhận định của lãnh đạo TP.HCM khi cho rằng "đường ngập là do không có cống". Thừa nhận, đó là một nguyên nhân và thực tế trên là đúng nhưng đó mới chỉ là câu nói dễ nói nhất để lý giải nguyên nhân trong tất cả các nguyên nhân.

Chỉ ra nhiều lý do, PGS Nguyễn Trọng Hòa cho hay, ở đây là bài toán tiêu chuẩn hóa hạ tầng đô thị, hay vấn đề quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị đang thực hiện như thế nào?.

"Nếu theo đúng quy định và tiêu chuẩn chuẩn đô thị thì đầu tư trên mặt đất một phải đầu tư dưới mặt đất gấp 3 lần mới đảm bảo được. Tức là cái trên mặt đất có giá 1 thì đầu tư dưới mặt đất phải đắt gấp 3 lần tiền.

Về phía, các nhà đầu tư khi đầu tư luôn tính toán làm sao có lợi nhất cho mình, do đó, mới có tình trạng chỉ lo làm phần trên mặt đất mà không lo làm phía dưới. Chính vì chạy theo lợi nhuận nên mới có câu chuyện doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ lo xây cái nhà, làm xong cái đường chạy cho dự án còn cống thì không cần làm. Ngập dân phải chịu", ông Hòa thẳng thắn.

Dương Châu


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI