TP.HCM: 3 năm, đình chỉ, tạm đình chỉ hơn 30% vụ án xâm hại trẻ em đã khởi tố

28/04/2019 - 06:39

PNO - Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, số vụ phát hiện tăng cho thấy công tác phòng ngừa chưa hiệu quả. Đó là nhận định của các đại biểu trong chương trình "Đối thoại cùng chính quyền thành phố” ngày 27/4.

Theo thống kê, các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta tăng khoảng 20%/năm, cứ 8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại tình dục. Con số này thực tế có thể nhiều hơn khi có trường hợp người bị hại chọn cách im lặng hoặc thỏa hiệp thay vì lên tiếng. Trong khi công tác phát hiện và điều tra các vụ việc liên quan xâm hại trẻ em đang gặp khó khăn, 40% vụ việc bị tòa án trả hồ sơ vì không đủ chứng cứ.

Theo bà Trần Hải Yến – Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM, mới đây, HĐND TP.HCM đã tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ trẻ em, thực thi luật trẻ em và giải quyết các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn TP.HCM. Trước mắt đoàn đã ghi nhận được tình tình, nắm được nguyên nhân các vụ án chậm được khởi tố hay đưa ra xét xử… để tiếp tục, giám sát, thực thi việc bảo vệ trẻ.

Trên thực tế, Sở LĐTB&XH TP.HCM luôn thực hiện đủ 6 bước trong quy trình can thiệp, bảo vệ trẻ bị bạo lực, xâm hại; Hội LHPN và Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM thì có riêng quy trình giám sát quá trình can thiệp này để kịp thời lên tiếng, hỗ trợ nạn nhân. 

TP.HCM: 3 nam, dinh chi, tam dinh chi hon 30% vu an xam hai tre em da khoi to
Các đại biểu tại buổi đối thoại

Theo bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM, bên cạnh các giải pháp cho công tác giám sát quá trình can thiệp, bảo vệ trẻ em, các cấp Hội còn có những đề án tuyên truyền, giáo dục kỹ năng cho ông bố, bà mẹ và trẻ em nhiều độ tuổi khác nhau với nhiều nội dung, chuyên đề theo từng nhóm đối tượng.

Thế nhưng, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho rằng, thi thoảng vẫn có vụ việc xâm hại trẻ em được phát giác mà nạn nhân mù mờ, không biết tự bảo vệ mình, các ông bố, bà mẹ, người thân xung quanh trẻ cũng không biết cách xử lý tình huống, chậm tố giác, vô tình làm mất chứng cứ (như tắm rửa bé, hủy bỏ, mang giặt những quần sáo, khăn mặt, đồ chơi, vật dụng…). Trong khi đó, cán bộ tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm ở một số nơi lại lơ là, không hướng dẫn cụ thể khiến gia đình nạn nhân càng thêm lúng túng và hoảng loạn.

Ông Nguyễn Nhật Nam, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM cho biết: "Theo thống kê từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/3/2019 đã khởi tố 282 vụ án liên quan đến quấy rối tình dục (QRTD) nói chung và xâm hại trẻ em nói riêng. Các cơ quan chức năng đã giải quyết 270 vụ; trong số đó đình chỉ, tạm đình chỉ 101 vụ (chiếm tỉ lệ hơn 30 % số vụ án đã khởi tố)".

Ông Nam cho rằng khó khăn hiện nay là, quy định tố tụng hình sự và cả Bộ Luật Hình sự (BLHS) chưa có quy định, hướng dẫn về xử lý các vụ QRTD cụ thể, chi tiết, làm khó cho cơ quan tố tụng.

“Đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung BLHS theo hướng quy định hành vi là một tội độc lập; cho phép cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đặc thù riêng để tiến hành thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nguy hiểm này” - ông Nam đề xuất.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI