'Tình yêu' hoang dã từ sân khấu sao Hàn đến sân Hàng Đẫy

12/09/2019 - 19:08

PNO - Khi bạn đang yêu, đang thăng hoa, đang cuồng nhiệt hay đang chán chường cùng cực, bạn có quyền hành xử điên rồ để giải tỏa cảm xúc. Nhưng, 'giới hạn của tự do chính là không làm ảnh hưởng đến tự do của người khác'.

Mới đây, tại TP.HCM, chương trình có Ji Chang Wook đã không thể diễn ra vì “đe doạ an ninh" từ chính đám đông người trẻ đến đón thần tượng. Hàng ngàn người trẻ tràn xuống đường, bất chấp những tín hiệu ổn định của ban tổ chức, mặc kệ lực lượng an ninh. Họ trở thành một “mối đe doạ" khiến chương trình phải hủy để “đảm bảo an ninh và sự an toàn cho nghệ sĩ".

'Tinh yeu' hoang da tu san khau sao Han den san Hang Day
Hàng ngàn người trẻ đổ ra đường đón thần tượng Ji Chang Wook

Và đến trận đấu đêm 11/9 ở sân vận động Hàng Đẫy thì an ninh đã không còn “bị đe dọa" nữa mà đã náo loạn thật sự khi một cổ động viên bị thương nặng, một cán bộ cảnh sát cơ động nhập viện vì bị người hâm mộ tấn công.

Hai hiện tượng này hẳn có liên quan. Những người trẻ ngồi lì giữa đường chờ thần tượng, mặc kệ tắc đường, mặc kệ sự phiền hà cho người khác, thờ ơ trước nỗ lực ổn định trật tự của ban tổ chức. Sự vô cảm này dẫn đến sự quá khích có dấu hiệu hình sự ở Hàng Đẫy chỉ cách nhau về cấp độ. Khi anh vô cảm với nỗ lực (sự vất vả) của người khác thì anh cũng dễ bất chấp an toàn của họ để thỏa mãn một ham muốn nào đó của bản thân.

'Tinh yeu' hoang da tu san khau sao Han den san Hang Day
Cảnh náo loạn ở sân vận động Hàng Đẫy tối 11/9

Xã hội vẫn còn tranh cãi về hiện tượng cuồng sao của giới trẻ, cũng giống như những phân tích không có hồi kết về những quá khích trong tâm lý của một fan cuồng bóng đá. Ranh giới giữa đồng cảm và chê trách cũng mong manh. Thế nhưng, câu chuyện ở trung tâm Q.1 TP.HCM hôm đón Ji Chang Wook đã không còn là chuyện thần tượng. Câu chuyện ở Hàng Đẫy không còn là chuyện về tinh thần thể thao.

Nó là câu chuyện về ý thức cộng đồng. Nó là câu chuyện về ứng xử của một người trẻ trước nguy cơ gây kẹt xe, gây mất an ninh, đe dọa an toàn nơi công cộng - của bản thân. Nó thậm chí còn là khả năng trắc ẩn của một con người trước nguy cơ làm phương hại người khác. Và trong hai trường hợp này, họ đã lờ đi tất cả. Đám đông chỉ bắt đầu vãn đi khi ban tổ chức tuyên bố chương trình có Ji Chang Wook sẽ không diễn ra, sân khấu sẽ được dọn dẹp. Và náo loạn ở Hàng Đẫy đã không dừng lại cho đến khi có thương tích nặng nề.

Tất cả có thể lý giải bằng sự mù quáng của… tình yêu, của đam mê, của sự thần tượng, của niềm vui - nỗi đau trước thắng bại của bóng đá. Khi bạn đang yêu, đang thăng hoa, đang cuồng nhiệt hay đang chán chường đến cùng cực, bạn có quyền hành xử điên rồ để giải toả cảm xúc. Nhưng, “giới hạn của tự do chính là không làm ảnh hưởng đến tự do của người khác" - đó là nguyên tắc hành xử của con người trưởng thành trong cộng đồng. Nó là thước đo mà dù có phóng khoáng đến đâu, thì con người văn minh cũng không thể chối bỏ.

Điều này, khiến cho sự quá khích trước thần tượng, ù lì trước lực lượng an ninh của nhóm fan trẻ và những quả pháo sáng trên sân Hàng Đẫy trở thành biểu tượng xấu xí của sự lạc hậu, hoang dã, man rợ. 

Trong suốt những ngày dài xuống đường, đoàn người biểu tình ở Hồng Kông cũng gây nhiều tranh cãi về chính trị cho dư luận thế giới. Nhưng, cũng chính họ, trong sự kiện đó, đã khiến thế giới phải thán phục khi cả đám đông hàng ngàn con người đồng loạt dạt ra, nhường chỗ cho một chiếc xe cứu thương đi qua.

Người Việt có giai đoạn cũng chia sẻ rầm rộ một video quay lại cảnh hàng trăm chiếc ô tô đang chạy tốc độ cao trên đường cao tốc (ở một nước nào đó không rõ) bỗng đồng loạt giảm tốc độ, dạt sang bên phải, lần lượt xếp ngay ngắn sang làn đường dự bị để nhường đường cho một chiếc xe cứu thương đi qua.

Ở cả đoàn ô tô trên đường cao tốc ở nước ngoài lẫn đoàn người biểu tình Hồng Kông, hành động “nhường đường" đều diễn ra chớp nhoáng như một phản xạ có điều kiện, đồng loạt như một cỗ máy. Mỗi con người chợt trở nên “gọn gàng", “khiêm nhường" và hết mực tôn trọng không gian, sự thuận tiện của người khác (chiếc xe cứu thương).

Hình ảnh phản xạ như cỗ máy của những tập thể nọ cho thấy ý thức cộng đồng (hay sự văn minh) đã được cài đặt rất cẩn thận vào từng con người họ. Một sự vội vã, bận bịu, hay sự thăng hoa, cuồng nhiệt - cũng khó lòng làm nó mất đi.

Và nhìn họ, ta phải thừa nhận rằng những cộng đồng người Việt - ngay cả những cộng đồng trẻ cũng còn rất lâu mới có được những “cài đặt" hoàn hảo như thế. Ta tranh cãi về sự thần tượng nhiều hơn là ý thức công cộng. Ta luận bàn về tình yêu bóng đá nhiều hơn là văn minh trên khán đài. 

Vậy nhưng, giáo dục người trẻ - xin đừng can thiệp vào tình yêu, đừng dạy dỗ họ về sự thần tượng, đừng giáo huấn họ về cách yêu thể thao - mà hãy giúp họ bồi đắp trách nhiệm với người khác, với cộng đồng, cao hơn nữa là sự trắc ẩn với những nỗ lực, vất vả và cả sự bất tiện của người khác. Từ đó, ta sẽ có những tình yêu đẹp đẽ, những niềm thần tượng đúng mực, những hành xử văn minh với cả chiến thắng và thất bại.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI