Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: 'Ngành du lịch không thể đổ thừa cho ngành khác'

21/11/2018 - 06:55

PNO - Không riêng TP.HCM mà ở nhiều nơi, ngành du lịch còn đang sử dụng sản phẩm của ngành văn hóa mà chưa tự tạo cho mình những sản phẩm riêng. Dường như, văn hóa có sẵn ở đâu thì đưa khách du lịch đến đó.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM, đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Tien si Nguyen Thi Hau: 'Nganh du lich khong the do thua cho nganh khac'

Phóng viên: Muốn làm du lịch di sản văn hóa phải có nguồn lực di sản. Nhưng có vẻ như hiện nay, nguồn lực di sản, nhất là di sản đô thị chưa được nhìn nhận đầy đủ ở TP.HCM phải không, thưa bà?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Ngay cả khái niệm “du lịch di sản đô thị” có khi, người làm trong ngành du lịch cũng nhận thức rất muộn hoặc không quan tâm lắm. Thường thì, họ quan tâm tới những di tích được công nhận, những di tích truyền thống (về tín ngưỡng, tôn giáo, một vài công trình cổ…) hơn. Di sản đô thị gắn với cảnh quan, trong khi những di tích tôi vừa nói chỉ là những công trình đơn lẻ, không hẳn là cảnh quan đô thị.

Thực ra, không phải riêng TP.HCM, ở nhiều nơi, di sản đô thị chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ. Khái niệm “di sản đô thị” chỉ mới xuất hiện mấy năm trở lại đây, xuất phát từ các nhóm cộng đồng. Nhiều người trong số họ là những người có kiến thức về vấn đề này. Họ là những người phát hiện ra ở TP.HCM có nhiều di sản được coi là di sản đô thị.   

“Người ta hay ra rả thành phố này có nhiều tiềm năng về di sản để phát triển du lịch. Tôi rất sợ những từ ngữ có vẻ đao to búa lớn như vậy. Những cái đã có mà chưa (hoặc không biết cách) khai thác hết, những thứ tiềm ẩn mãi mãi là tiềm năng trên giấy mà thôi. Tôi từng dự vài cuộc hội thảo khoa học về vấn đề du lịch di sản văn hóa này, nhưng hình như tới nay, vẫn chưa thấy thay đổi gì. Hy vọng, sau cuộc hội thảo ngày 22/11 này, TP.HCM có những tuyến, điểm du lịch hấp dẫn, hoặc TP.HCM được xếp vào danh sách là một thành phố có du lịch di sản”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

* Không ít người nhận xét “TP.HCM chẳng có gì đặc biệt”. Bà có nghĩ như vậy không?

- Nhiều người có nhận xét như thế. Rằng, đây là một vùng đất mới so với Hà Nội, Huế… Đó là một định kiến không hay về thành phố này. Tôi nghĩ, muốn biết ở đây có gì hay không, phải nắm được sơ bộ lịch sử vùng đất đó như thế nào. Với vùng đất có lịch sử khoảng 300 năm, đương nhiên nó không thể có những di tích có niên đại hàng ngàn năm như những nơi khác. Nhưng, khái niệm di sản không nằm ở số lượng hay độ tuổi di sản, mà vấn đề ở chỗ, di sản đó phản ánh điều gì của vùng đất mà nó đang tồn tại.

Mấy năm trở lại đây, sách về Sài Gòn nhiều vô cùng. Sách nghiên cứu, tùy bút, tản văn… đủ cả. Tác giả nghiên cứu lão làng có, nhà “Sài Gòn học” có, bạn trẻ có, người nơi khác về đây sống không lâu cũng có. Chẳng hạn như nhà sử học Tim Doling, dù ở đây không lâu nhưng sự hiểu biết của ông về Sài Gòn vô cùng sâu sắc. Tôi thấy, muốn biết hay không, phải xuất phát từ tình cảm của mình với nơi mình đang sống. Những người không có tình cảm lắm, sự tìm hiểu sẽ ít đi, thậm chí thờ ơ.

* Hồn cốt mà bà nói, cụ thể là gì?

- Về lịch sử, thành phố này có hai khu vực. Một, được gọi là Sài Gòn bây giờ, bắt đầu từ thành Gia Định, sau đó bị Pháp chiếm rồi xây dựng thành đô thị Sài Gòn theo kiểu Pháp. Hai, chính là Chợ Lớn, khu vực di sản của người Việt gốc Hoa. Tôi không nói nhiều về khu Chợ Lớn bởi giá trị của nó quá lớn và mức độ tập trung đậm đặc, khi bước vào rất dễ nhận biết nó là một khu vực khác biệt của Sài Gòn. Ở khu vực còn lại, do chiến tranh, nhiều nhất là thời Pháp xâm lược Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, những dấu tích từ thời khởi lập của nó đến nay thực sự không còn bao nhiêu. Song, “bù lại” dưới góc độ di sản, Pháp cũng để lại nhiều công trình có giá trị lớn về mặt lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật…

Hồn cốt do con người làm nên. Không có con người, sẽ chẳng có di tích nào mang nét đặc trưng cả. Tôi nghĩ, hồn cốt của đô thị Sài Gòn nằm ở chỗ, đây là khu vực hấp dẫn cư dân từ nhiều vùng miền đến làm ăn, sinh sống. Ngay cả khu vực trung tâm Sài Gòn này, dù được cấu trúc theo kiểu Pháp và là trung tâm theo kiểu hành chính nhưng có hấp lực với người khác, đó là sự thân thiện. Không có sự thân thiện, cởi mở, thành phố này không còn hồn cốt của nó.

Tien si Nguyen Thi Hau: 'Nganh du lich khong the do thua cho nganh khac'
Dinh Thượng thư - một ví dụ điển hình về văn hóa ứng xử với di sản đô thị Sài Gòn

* Cách làm du lịch lớt phớt mà bà nói, chúng ta phải hỏi trách nhiệm của những người trong ngành du lịch?

- Dưới góc độ quản lý, lúc nào cũng có những khó khăn mang tính đặc thù mà nếu không làm trong ngành, điều chúng ta nói dễ thành võ đoán. Tuy nhiên, là người có nhiều năm gắn bó với di sản và có mối liên hệ khá nhiều với ngành du lịch, không riêng thành phố này mà ở nhiều nơi, tôi thấy ngành du lịch còn đang sử dụng sản phẩm của ngành văn hóa mà chưa tự tạo cho mình những sản phẩm riêng. 

Dường như, văn hóa có sẵn ở đâu thì đưa khách du lịch đến đó. Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể dựa trên những thế mạnh văn hóa nhưng cũng nên kết hợp như thế nào để tạo ra sản phẩm riêng, mang dấu ấn của du lịch. Nên hiểu, di sản chỉ là một phần của tour du lịch. Còn kết hợp ra sao để thành tuyến điểm du lịch hấp dẫn, đó là công việc của những người chuyên trách. 

Hiện nay, ngành du lịch và văn hóa đang có sự chồng chéo: một phía thì quản lý, một phía thì khai thác. Ngành du lịch muốn làm gì thì phải được sự đồng ý của ngành văn hóa. Tôi cho rằng, hai bên phải ngồi lại bàn với nhau, phải làm như thế nào.

* Nếu không nhầm, TP.HCM chưa có bản đồ du lịch di sản. Bà có cho rằng bản đồ đó là cần thiết?

- Đương nhiên cần. Nếu chưa có, hoặc có mà chưa đầy đủ, du lịch không thể đổ thừa cho ngành khác. Vì bản đồ di sản dưới góc độ khảo cổ của chúng tôi lại khác, bản đồ di sản dưới góc độ du lịch lại khác. Mỗi ngành phải tự làm bản đồ riêng của mình, chính là tạo giá trị cho mình. 

* Ngoài những di sản được công nhận, thành phố còn nhiều di sản chưa được xếp hạng. Với những di sản dạng này, chúng ta cần ứng xử ra sao?

- Đa số di sản dạng này thuộc sở hữu tư nhân. Họ có nhu cầu thay đổi và hoàn toàn có quyền thay đổi. Nếu thành phố không có chính sách khuyến khích, không tạo điều kiện để họ phát huy giá trị di sản đó dưới góc độ văn hóa, đặc biệt là kinh tế, rất khó bắt họ phải bảo tồn. Đó là chuyện vô lý. Ngay cả những cơ quan nhà nước, ở trong những công sở, những công trình được coi là di sản còn không giữ được hoặc nhiều lần đề xuất đập đi thì nói gì… Câu chuyện Dinh Thượng Thơ là ví dụ điển hình.

Bên cạnh những di sản được xếp hạng, những di tích chưa xếp hạng vẫn có những giá trị để trở thành tuyến điểm tham quan. Vấn đề là ngành du lịch có nhìn thấy giá trị của nó hay không. Muốn biết điều đó, không có cách nào khác, phải dựa vào đặc điểm lịch sử của thành phố. Tôi không biết tư duy những người làm du lịch ra sao nhưng dưới góc nhìn của một người bình thường, tôi thấy, thành phố không coi trọng lắm những di tích (được xem là) có niên đại muộn hoặc những di tích do người Pháp, người Mỹ để lại. Nếu chất lượng sản phẩm du lịch kém, không tạo ra được đặc trưng riêng, bản thân người làm du lịch không truyền được cho du khách thấy tình yêu đối với thành phố mình đang giới thiệu, cùng với những yếu tố khác, sẽ làm cho khách du lịch một đi không trở lại.

* Xin cảm ơn chia sẻ của bà. 

Du Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI