Thưa cô, em xin khai em chỉ vuốt má bạn

03/12/2018 - 10:40

PNO - Lần nữa, bằng những lời khai trên trang giấy học trò, nét chữ còn run, nhà trường biến các em thành những tiểu hồng vệ binh, tiếp tục sát phạt người khác.

⁃ Dạ, em xin khai, em không nhìn thấy cô cho bạn cái tát cuối cùng, bởi nếu thế thì chẳng khác gì "cái tát ân huệ" kiểu phát súng kề não cuối cùng đao phủ tặng cho tử tù.

⁃ Dạ, em xin khai, em không tát mạnh, chỉ vuốt má bạn thôi.

⁃ Dạ, em xin khai là trước bạn... chỉ có 3 bạn bị phạt kiểu này, à mà không phải, có 1 bạn thôi, để em sửa lại thành 1 ạ.

⁃ Dạ, em điền hết 19 mục theo ý cô rồi. Cô cần em viết gì nữa không?

Thua co, em xin khai em chi vuot ma ban
 

Sáng dậy đọc những bản tin mới toanh về vụ 231 cái tát, tôi hình dung ngay ra cảnh "tra khảo, hỏi cung" 23 học sinh của trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình). Ngôi trường ấy hôm giờ vừa tạm lắng ồn ào quanh cô giáo phạt học sinh bằng hình thức mượn tay học trò tát bạn, rồi tự mình giáng cú tát cuối cùng cho đứa trẻ sưng má, hoảng loạn tới nhập viện. Có tờ báo đã thống kê số cái tát cô tặng cho học sinh mình từ đầu năm tới nay là hơn 900 cái, vì không phải lần đầu cô áp dụng kiểu phạt này.

Cộng đồng lên tiếng, cơ quan điều tra vào cuộc, nghe nói cô giáo stress tới mức nhập viện... Một nhóm ít người vốn đã và đang ủng hộ kiểu giáo dục bạo lực, lên tiếng bao biện rằng, học sinh hư thì phải dạy dỗ, trừng phạt thích đáng. Người khác phân tích cô sai rõ ràng, nhưng cho nghỉ việc, kỷ luật hay cách nào đó mang tính răn đe nhẹ nhàng, chứ truy tố hình sự thì nặng quá. Nhưng hẳn những người bao che cho cái ác ấy sẽ không hình dung nổi việc ban giám hiệu trường Duy Ninh tiến thêm bước nữa hoàn thiện danh mục những việc làm phản giáo dục.

Cô hiệu trưởng, hình như thấy mình chưa đủ sáng chói sau khi năn nỉ xin truyền thông đừng ồn ào, kẻo ảnh hưởng tới hồ sơ xét duyệt lên chuẩn quốc gia cấp của trường, nay tiếp tục "tỏa hào quang" với sáng kiến đẩy các học sinh vào vai trò phải phán quyết tội lỗi, đúng sai của người khác. Nếu ngôi trường này lâu nay dạy các em sự trung thực, việc ấy nhà trường đâu phải can thiệp, cơ quan điều tra sẽ có sẵn nghiệp vụ để phục vụ hồ sơ bản án của họ. Sao trường phải ra tay dàn xếp, làm thay cơ quan công an. Mục đích mượn tay các em nhỏ để làm gì, nếu không phải là lèo lái, khỏa lấp sự thật?

Lần nữa, bằng những lời khai trên trang giấy học trò, nét chữ còn run, nhà trường biến các em thành những tiểu hồng vệ binh, tiếp tục sát phạt người khác. Trong khi đó, cách cần thiết lúc này là giúp các em đi qua những tổn thương khi bị hành hung, khi phải hành hung bạn mình...

Thua co, em xin khai em chi vuot ma ban
 

Tờ điều tra này, cũng giống tờ điều tra năm trước ở trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội). Các em phải cố nặn óc viết lên giấy điều mình có thể không chứng kiến, cũng nhằm bao biện cho cô hiệu trưởng, dù cô này đã "sai tỏng" khi ngồi xe taxi chạy vào sân trường giờ ra chơi và chiếc xe ấy đã tông gãy chân bạn của chúng. Sự trí trá kiểu này khá điển hình ở các trường từ mầm non tới phổ thông, đại học. Nơi uy quyền thuộc về giáo viên, sự thật thuộc về kẻ mạnh. 

Tôi từng nghe đến nhàm chuyện hai đứa con nói từ lúc học mẫu giáo: "Cô nhéo bạn Minh bầm đùi đó mẹ. Mà cô nói nếu về méc, sẽ bị cô nhốt toilet, tắt đèn cho ma hù, sẽ bị giao cho chú công an giam trong tù", "Vì ba bạn Nguyên là nhà báo, nên cô nói cấm bạn đem chuyện cô đánh tụi con ở trường về kể. Chỉ được nói đi học rất vui, các con rất yêu cô"...

Chúng ta đã có bao nhiêu con người không biết nêu chính kiến, không biết đứng thẳng khi ra đời, nhờ cách giáo dục như vậy? Có bao nhiêu tội phạm đã hình thành nhờ kiểu giáo dục bạo lực, khủng bố, rèn con người ta vừa thành hung thần, vừa hèn hạ và trí trá này? Có quá lời khi nói rằng giáo dục mất gốc đã tạo ra những thế hệ cúi đầu hay không?

Vâng, thưa cô, bài học này em đã thuộc rồi:

- Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.

- Phải biết hết những mánh khóe bao biện, trí trá cho tội lỗi của mình.

- Đừng bao giờ chân thành xin lỗi khi mình có lỗi, cứ đổ vấy cho bằng được. Vâng, thưa cô, em ký tên em hay tên bạn nào ạ?

Phiếu điều tra của Ban giám hiệu trường Duy Ninh gồm 19 câu hỏi kỳ quái như sau:

1. Cô T quy định phạt tát thời gian nào? 
2. Bạn N bị tát vào thời gian nào?
3. Khi tát bạn N cô T có mặt ở lớp không?
4. Em tát vào mặt bạn N bao nhiêu cái?
5. Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ?
6. Bạn N có nói tục không?
7. Khi tát bạn N có khóc không?
8. Sau khi tát má bạn N có đỏ không?
9. Cô T vào đã tát được mấy bạn?
10. Cô T có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?
11. Sau khi tát bạn N có bị chảy máy không?
12. Cô T tát bạn N mấy cái?
13. Sau khi tát bạn N có bị chảy máu không?
14. Sau khi tát bạn N cả lớp có sợ hãi bật khóc không?
15. Trước khi tát bạn N cô T có ra lệnh tát phạt mấy bạn?
16. Khi tát bạn N cô T ra lệnh hay tự ý?
17. Cô T có phải là người cuối cùng tát bạn N không?
18. Cô T đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N?
19. Sau khi tát bạn N có ở lại học không?
Sau đó, trường nộp báo cáo lãnh đạo. Có thể tóm lược như sau: Với điều tra 3 mức (nghe rất quen?): tát nhẹ, tát vừa, tát mạnh thì tổng hợp 23 câu trả lời là: 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh (chưa tới 10% mà?); cô không ra lệnh ai tát nhẹ thì bị tát; bạn N không bị chảy máu; cô có tát bạn N 1 cái.

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI