Thòng lọng siết chặt giấc mơ đến 'xứ cờ hoa' - Bài 2: Đi không được, ở không xong

11/07/2018 - 10:30

PNO - Nghe theo lời tư vấn của các công ty dịch vụ, nhiều người đánh đổi cuộc sống sung túc hiện có ở Việt Nam để mong được sang Mỹ bằng con đường “lao động định cư”.

Nhưng rồi, cánh cửa đi Mỹ vẫn khép chặt và họ phải lầm lũi trở về cuộc sống thực tại trong cảnh trắng tay. 

Đánh đổi địa vị, tiền bạc

Một chiều đầu tháng Sáu, đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM nhận được cuộc gọi của một phụ nữ, nói giọng miền Trung: “Em gọi đến đây chỉ để trút hết tâm sự tuyệt vọng của mình. Tụi em đánh đổi tất cả chỉ vì muốn được sang Mỹ, nhưng giờ tài sản đã gần cạn kiệt mà không thấy có tín hiệu gì hết”. 

Thong long siet chat  giac mo den 'xu co hoa' - Bai 2: Di khong duoc, o khong xong
Hình ảnh trong tấm bảng quảng cáo của SG Visa

Người phụ nữ này tên Thúy An (40 tuổi, quê ở Phú Yên) có chồng là chủ một doanh nghiệp ở TP.HCM. Ba năm trước, vợ chồng chị bàn nhau sẽ đi Mỹ sinh sống nên tìm đến một công ty tư vấn để tìm hiểu. Sau một vài buổi tư vấn, vợ chồng quyết định chọn sang Mỹ bằng con đường lao động định cư.

Bán nhà, sang công ty lại cho người em, vợ chồng chị thuê một căn hộ ở Q.Bình Tân sống tạm, chờ ngày đi Mỹ. Từ đó đến nay, vợ chồng chị đã tốn hàng tỷ đồng, nhưng hồ sơ liên tục bị “đánh rớt” và không biết khi nào sẽ được giải quyết.

“Bán nhà bên này, mua nhà bên Mỹ, nhưng tụi em chưa bao giờ thấy được căn nhà đó ra sao, không biết đến khi nào mới được sang đó sinh sống. Năm làm hồ sơ, con trai lớn của em chỉ mới biết đi, giờ cháu đã gần vào lớp Một” - chị Thúy An lắc đầu.

Ba năm trước, cầm trên tay tờ quảng cáo “đi Mỹ dễ” của một công ty tư vấn, chị Hân (ngụ tại Q.3, TP.HCM) khấp khởi mừng thầm. Tiêu chuẩn để đi Mỹ lao động định cư quá dễ dàng: từ 18-50 tuổi, có sức khỏe tốt, làm việc cho nhà tuyển dụng một năm, không có tiền án...

Đến công ty tư vấn, chị Hân được giới thiệu một số nhà tuyển dụng cần công việc khá nhẹ nhàng như phụ bếp cho nhà hàng, xếp đồ lên các quầy hàng cho siêu thị. Thấy công việc khá nhẹ nhàng, lại nghe hứa hẹn sẽ làm được visa, sang Mỹ làm việc trong tầm 6-12 tháng là có được thẻ xanh, định cư tại Mỹ, thế là chị đặt bút ký hợp đồng ứng tuyển.

Thong long siet chat  giac mo den 'xu co hoa' - Bai 2: Di khong duoc, o khong xong

Chị Hân chia sẻ: “Tôi có nhiều bạn bè hiện đang sống ở Mỹ, họ thường kể về Mỹ với nhiều điều tốt đẹp. Sau khi tôi ly hôn, họ khuyên nên gom hết tài sản có được để tìm đường sang Mỹ. Mục đích lớn nhất của tôi là để con gái được tiếp cận một nền giáo dục tiên tiến và có tương lai tốt hơn”.

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chị Hân tiết lộ, công việc bấy lâu của chị là hiệu trưởng một trường trung học phổ thông. Cũng như chị, nhiều người mà chúng tôi tiếp xúc là bác sĩ, kỹ sư, giám đốc doanh nghiệp, thậm chí là cán bộ nhà nước. Chọn đi theo diện lao động phổ thông, đồng nghĩa với việc chấp nhận từ bỏ địa vị, công việc và cuộc sống hiện tại mà nhiều người mơ ước.

Bác sĩ Lâm, công tác tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, chia sẻ: “Dù qua Mỹ để chặt gà hay bóc hành, chúng tôi cũng không hối tiếc. Phần vì đất nước này đem lại chất lượng sống tốt, phần vì chúng tôi muốn con cháu mình được trưởng thành ở một đất nước văn minh hơn”. 

Vợ chồng anh Ngọc (ngụ tại Q.Tân Bình) vốn có ba sạp hàng ở chợ vải Tân Bình. Ở tuổi 40, cả hai nuôi giấc mộng sang Mỹ sinh sống. Họ tìm đến Công ty TNHH SG VISA (số 36 Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) để hỏi thăm thủ tục. 

Giống như nhiều ứng viên khác, hồ sơ của vợ chồng anh tại Công ty SG VISA chỉ qua bốn bước với chi phí cụ thể: đợt 1 đóng 290.680.000 đồng/hồ sơ (tương đương 13.000 USD); đợt 2 đóng 269.660.000 đồng/hồ sơ (tương đương 13.000 USD); đợt 3 đóng 269.270.000 đồng/hồ sơ (tương đương 13.000 USD). 

Thong long siet chat  giac mo den 'xu co hoa' - Bai 2: Di khong duoc, o khong xong
Phiếu thu của Công ty SG Visa mà không có hóa đơn theo yêu cầu của Bộ Tài chính

Ngoài ra, anh Ngọc còn đóng các chi phí khác cho mỗi hồ sơ như chi phí cho chính phủ, phí dịch thuật là hơn 48 triệu đồng, phí NVC (phí hồ sơ đến Trung tâm Thị thực quốc gia Hoa Kỳ xét duyệt) và phí chuyển hơn 32 triệu đồng… Đây là số tiền không hề nhỏ.

Vỡ mộng “cờ hoa”

Đến giờ, anh Ngọc vẫn không hiểu vì sao lộ trình ứng tuyển hồ sơ của mình phải ký kết đến ba hợp đồng với ba công ty khác nhau theo yêu cầu của Công ty SG VISA. Rồi khi đã mất một khoản tiền rất lớn, hồ sơ của vợ chồng anh Ngọc không nhận được hồi âm nào.

Tương tự, vợ chồng anh Huân (ngụ tại Q.10, TP.HCM) đã đóng tiền cho Công ty SG VISA đến giai đoạn 3, tức hồ sơ đang được Trung tâm Thị thực quốc gia Hoa Kỳ xét duyệt nhưng công ty này vẫn im hơi lặng tiếng. Quá sốt ruột, anh Huân tự lên trang web của NVC tìm hiểu.

Do thấy có nhiều điều khó hiểu về hồ sơ của vợ chồng mình, anh Huân đã gửi thư cho Công ty SG VISA, bức xúc: “Được biết, hồ sơ của chúng tôi đã bị trả lại vào ngày 17/11/2017. Trong việc trả lại hồ sơ này, chúng tôi hoàn toàn không được phía Công ty SG VISA thông báo về lý do cũng như tiến trình tiếp theo. Chúng tôi đề nghị Công ty SG VISA cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng và tiến trình tiếp theo của hồ sơ cho chúng tôi được biết và sắp xếp kế hoạch của gia đình”.

Ngay sau đó, đại diện Công ty SG VISA hồi đáp: “Thời gian xét duyệt phụ thuộc vào giới chức chính phủ Hoa Kỳ”. Vợ chồng anh Huân lại tiếp tục chờ đợi trong vô vọng. Do không được giải đáp thỏa đáng các thắc mắc nên dù được Công ty SG VISA hứa hẹn “trước sau cũng được qua Mỹ” và tiếp tục đề nghị đóng tiền cho các bước tiếp theo, vợ chồng anh Huân đã từ chối. 

Thong long siet chat  giac mo den 'xu co hoa' - Bai 2: Di khong duoc, o khong xong

Chị Mỹ Duyên (ngụ tại Q.11, TP.HCM) đã nộp một khoản tiền rất lớn cho tất cả các bước mà Công ty SG VISA đưa ra, nhưng hồ sơ của chị đã bị Sở Di trú Hoa Kỳ từ chối. Theo thỏa thuận hợp đồng, nếu hồ sơ nào đã đến giai đoạn này mà bị từ chối, ứng viên có quyền khiếu kiện Sở Di Trú trong thời hạn 1 tháng, hoặc chờ đợi SG VISA tìm kiếm nhà tuyển dụng khác.

Thế nhưng, chị Mỹ Duyên lại chỉ biết hồ sơ của mình bị từ chối khi chị nhờ bạn bè đang định cư tại Mỹ tìm hiểu giúp và ngày chị biết mình bị từ chối đã quá hạn khiếu kiện. Trong khi đó, Công ty SG VISA không hề có một thông báo nào với chị.

Đã đau đớn bởi giấc mơ Mỹ tan tành, chị Mỹ Duyên càng đau đớn hơn khi đối diện với cuộc sống hiện tại. Chị Duyên tức tưởi: “Cứ nghĩ là đi được nên gặp ai tôi cũng khoe. Cũng vì chuẩn bị đi nên tôi đã bán hết nhà cửa của mình, hiện tại đang ở trọ để chờ ngày cùng con trai xuất cảnh”.

Để chuẩn bị đi Mỹ, vợ chồng anh Ngọc cũng đã bán rẻ ba sạp hàng ngoài chợ, căn nhà cùng mảnh đất lớn cũng phải phân lô, “xé lẻ” bán dần. “Không thể đợi đến ngày đi mới bán vì lúc đó biết có bán được không, nên bọn tôi phải chia ra bán dần, bán rẻ. Giờ vợ chồng tôi đang ở nhờ nhà người quen vì đã bán sạch rồi. Chúng tôi cũng chẳng biết phải làm gì vì không còn sạp hàng nào ngoài chợ” - anh Ngọc buồn bã.

Chị Mỹ Duyên, vợ chồng anh Ngọc dù sao vẫn còn có thể ở tạm, gầy dựng lại cuộc sống ở Việt Nam. Không ít người không biết mình phải sống thế nào. “Để đóng tiền cho các bước theo yêu cầu của Công ty SG VISA, tôi đã bán căn nhà mình đang ở, chuyển ra ở trọ chờ ngày đi. Giờ thì không còn gì cả. Tôi đến yêu cầu công ty trả lại khoản tiền đã đóng mà không đi được nhưng Công ty SG VISA hứa sẽ tìm nhà tuyển dụng mới cho tôi. Biết chờ đến bao giờ, vì năm nay tôi đã 47 tuổi” - chị Lan (ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM) đau khổ.

Theo chị Lan, nhiều lần tìm đến Công ty SG VISA để đòi lại một khoản tiền như công ty này hứa hẹn, chị chứng kiến nhiều người cũng rơi vào bi kịch như mình. Trong khi đó, công ty này vẫn cứ tiếp tục nhận hàng chục hồ sơ xin ứng tuyển mỗi ngày.

* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI