Xử lý rác thải thực phẩm: bài học từ Hàn Quốc

22/04/2019 - 14:00

PNO - Hàn Quốc từng nổi tiếng là một trong những quốc gia phung phí thức ăn nhất thế giới và chính phủ Hàn đã phải mạnh tay áp dụng những biện pháp buộc người dân thay đổi.

Trong báo cáo mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chỉ ra: cắt giảm 20 triệu tấn rác thải thực phẩm là một trong 12 cách giúp tạo chuyển biến tích cực đối với khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2030.

Mỗi năm, thế giới phung phí 1,3 tỷ tấn thức ăn, trong khi có đến 1 tỷ người đang sống trong cảnh thiếu lương thực. Số người này cần lượng thức ăn chưa tới 1/4 số thức ăn thừa thãi đổ đi ở Mỹ và châu Âu.

Báo cáo của WEF cũng chỉ ra, Hàn Quốc đang là quốc gia đi đầu trong tái chế thực phẩm. Trước đây Hàn Quốc chỉ tái chế được 2% rác thải thức ăn, nhưng giờ đã tái chế được đến 95%.

Xu ly rac thai thuc pham: bai hoc tu Han Quoc
Thùng rác ở Seoul với hệ thống nhận dạng cá nhân, tính tiền theo lượng rác đổ vào

Hàn Quốc từng nổi tiếng là một trong những quốc gia phung phí thức ăn nhất thế giới và chính phủ Hàn đã phải mạnh tay áp dụng những biện pháp buộc người dân thay đổi. Đặc điểm khiến rác thải thực phẩm trở thành bài toán đầy thách thức cho bộ phận xử lý rác là hầu hết thực phẩm ở Hàn Quốc là đồ lên men, có mùi nồng. 

Từ năm 2005, nước này bắt đầu cấm đổ thức ăn thừa ở những khu vực tập trung rác thải, dần xóa được tư duy cứ thức ăn thừa là đồ bỏ đi. Năm 2013, chính phủ Hàn giới thiệu hệ thống xử lý rác thực phẩm bắt buộc, yêu cầu người dân phải dùng những chiếc túi tự phân hủy sinh học. Trung bình, một gia đình Hàn 4 người sẽ tốn khoảng 6 USD (chỉ bằng 60% giá trị thực sự) cho những chiếc túi trên - một chi phí vừa phải để khuyến khích mọi người chung tay tiết kiệm thực phẩm, tái sử dụng thức ăn thừa. Thức ăn lẽ ra bị đổ đi sẽ được cho vào những chiếc túi trên để mang đi tái chế thành phân bón hoặc chuyển thành thức ăn chăn nuôi. Những loại rác còn độ ẩm cao sẽ được dùng trong công nghệ chế tạo khí đốt hoặc dầu.

Hành trình tái chế rác ở Hàn Quốc có sự đóng góp quan trọng của công nghệ. Ở thủ đô Seoul, có đến 6.000 thùng rác tự động chỉ nhận rác khi người đổ rác có thẻ nhận dạng cá nhân (ID card). Rác sẽ được cân và đánh giá. Tiền đổ rác sẽ được tính theo mức “cá nhân hóa” - đổ càng nhiều thì tiền càng cao. Chỉ trong 6 năm, hệ thống thùng rác tự động đã khiến nhiều người phải dè chừng và kết quả là giảm được đến 47.000 tấn rác. Người dân được hướng dẫn, trước khi đổ rác, phải chắt hết nước có trong thức ăn, để giảm trọng lượng rác. Với cách thực hiện từng bước như thế, cũng trong 6 năm, Seoul đã giảm được 8,4 triệu USD chi phí thu gom rác.

Song song với nỗ lực giảm rác thải thực phẩm, Seoul còn khuyến khích mô hình nông trại ở đô thị, tìm kiếm những khoảng xanh trong thành phố và tăng cường nguồn thức ăn xanh - sạch cho người dân. Chính phủ hỗ trợ 80-100% chi phí khởi nghiệp cho những công ty kinh doanh mảng này. Trong 7 năm qua, số nông trại ở đô thị Seoul đã tăng 6 lần. Hiện có tổng cộng 170ha đất trồng bao phủ thủ đô Seoul.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI