Trung Quốc: Góc khuất những 'xưởng' bào chế thuốc tại gia

14/11/2018 - 06:15

PNO - Thiếu hụt tài chính, không thể tiếp cận liệu trình điều trị chuyên nghiệp, nhiều bệnh nhân Trung Quốc và thân nhân phải chấp nhận đánh cược sinh mạng, đưa chân vào đường cùng.

Trung Quoc: Goc khuat nhung 'xuong' bao che thuoc tai gia
Hình ảnh anh Zhang Zhejun tự chụp khi đang bào chế thuốc cho mẹ. Sau một thời gian uống thuốc, mẹ anh qua đời vì xuất huyết ruột, viêm cuống phổi.

Bài phản ánh của phóng viên Sui-Lee Wee, viết từ văn phòng New York Times tại Bắc Kinh, đã phản ánh thực trạng bào chế thuốc tại gia với đầy rủi ro ở quốc gia gần chạm mốc 1,4 tỷ dân.

Tuyệt vọng tự cứu

Anh Zhang Zhejun (sống ở tỉnh Hà Bắc) cẩn trọng đong đếm khối lượng từng loại nguyên liệu bằng cân tiểu ly, rồi chậm rãi đưa hỗn hợp bột vào từng vỏ thuốc viên con nhộng rỗng, đậy lại. Vậy là hoàn thành viên thuốc đặc trị anh tự bào chế cho mẹ - một bệnh nhân ung thư phổi. Zhang Zhejun không hề có chút kiến thức y khoa nào. Anh chỉ biết mình phải cân đo chính xác khối lượng nguyên liệu đến từng miligam. Chính anh cũng không rõ nguồn gốc chính xác nguồn nguyên liệu, bởi đó là những sản phẩm anh mua trên một trang bán hàng trực tuyến - trang được giới thiệu trên các nhóm kín trực tuyến, chia sẻ “bí kíp” tự cứu lấy bệnh nhân ung thư.

Zhang Zhejun biết những rủi ro có thể gặp phải khi tự bào chế thuốc, nhưng anh vẫn liều lĩnh đánh cược với hy vọng có thể cứu mẹ. Zhang Zhejun không đủ tiền để mẹ được khám, điều trị bằng những loại thuốc được cấp phép. Thẻ bảo hiểm mẹ anh đăng ký chẳng có tác dụng gì trong trường hợp này. Anh Zhang thừa nhận: “Chúng tôi không thể kén chọn. Chỉ mong người bán có tâm”.

Sau lần đầu dùng thuốc, người mẹ tiêu chảy rất nhiều, nhưng có cảm giác cơn đau cũng có lúc thuyên giảm. Thế là Zhang phấn khởi, tiếp tục cho mẹ uống những viên thuốc do mình làm ra. Hai năm sau, mẹ anh qua đời vì xuất huyết ruột, viêm cuống phổi. Đến giờ, anh Zhang cũng không biết có phải mẹ mất vì loại thuốc anh làm cho mẹ uống hay không.

Câu chuyện của anh Zhang Zhejun không phải là trường hợp cá biệt. Hiện tượng này xuất hiện ngày càng nhiều, khiến chính quyền Trung Quốc loay hoay tìm cách ngăn chặn. Hè vừa qua, bộ phim Tôi không phải thần dược gây sốt các phòng vé khắp Trung Quốc khi nhà sản xuất chọn cách tiếp cận hài hước, phản ánh câu chuyện nhức nhối của ngành y cùng tình thế khốn đốn mà bệnh nhân cũng như người nhà của họ phải đối mặt.

Trách nhiệm từ những người đứng đầu

Bác sĩ Shen Lin - Trưởng khoa Ung thư dạ dày Bệnh viện Ung thư Đại học Bắc Kinh kể, rất nhiều bệnh nhân không đủ tiền chi trả thuốc men, điều trị bệnh, đã tìm đến cô, xin ý kiến về việc sử dụng những loại thuốc tự tổng hợp. Tất nhiên, cô đều khuyên họ không dùng. Shen Lin nói, đạo đức nghề nghiệp không cho phép cô khuyến khích bệnh nhân dùng thuốc không được cấp phép. Tuy nhiên, chính cô cũng không biết phải làm sao để giúp các bệnh nhân, bởi nếu tiếp tục sử dụng thuốc hợp lệ thì họ sẽ sớm cháy túi, phá sản.

Bác sĩ Wu Yilong - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Đông - chua chát nhận định: “Ngày nay, hầu như bệnh nhân và người nhà đều có thể... trở thành bác sĩ hay một nhà hóa học. Khoảng 1/3 bệnh nhân tôi từng tiếp xúc kể rằng, họ từng uống thuốc do chính họ hoặc người thân bào chế.

Thật nguy hiểm, vì họ không hiểu rằng, những hoạt chất trôi nổi trên thị trường như 2992, 4002 hay 9291 cần phải được kiểm tra bằng một quy trình nghiêm ngặt mới có thể kết luận về độ an toàn. Rất nhiều bệnh nhân tôi đang hỗ trợ điều trị qua đời vì uống những loại thuốc tự làm như thế”.

Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra cam kết sẽ kết hợp nhiều biện pháp như: bãi bỏ thuế quan cho thuốc ung thư nhập khẩu, cắt giảm nhiều loại thuế liên quan đến các loại thuốc cho bệnh nhân ung thư, đưa một số loại thuốc vào danh mục chi trả bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hiệu quả trên thực tế của các biện pháp này vẫn chưa đáng kể. 

Thiên Như (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI