Những lá thư thay đổi thế giới - Bài 1: Phụ nữ à, hãy mặc kệ những lời nói soi mói

17/03/2019 - 07:00

PNO - Ý nghĩa của một bức thư không dừng lại ở việc nó chuyển tải thông điệp đến người nhận mà nó còn là niềm cảm hứng cho không ít người đâu đó tìm thấy mình trong những lời gửi gắm chạm đến trái tim.

Albert Einstein và lòng thấu cảm sâu sắc

Nhắc đến Albert Einstein hay Marie Curie, chúng ta thường nghĩ ngay đến những thành tựu khoa học ghi dấu ấn của hai bộ óc thiên tài. Ít ai biết, câu chuyện đời thường thú vị giữa hai nhà khoa học là niềm cảm hứng cho sự lan tỏa giá trị nhân văn. Họ không chỉ chú tâm đến những nguyên lý, phản ứng trong vật lý hay hóa học, họ còn có trái tim biết rung động, biết sẻ chia và nâng đỡ.

Nhung la thu thay doi the gioi - Bai 1: Phu nu a, hay mac ke nhung loi noi soi moi
Albert Einstein từng gửi Marie Curie bức thư bày tỏ thấu cảm sâu sắc của ông dành cho người phụ nữ ông rất quý trọng.

Nhà thiên văn học người Mỹ David Grinspoon rất mến mộ nhà khoa học Albert Einstein. Ông dành rất nhiều thời gian tập hợp, nghiên cứu hàng ngàn tài liệu mà Einstein để lại. Trong kho tư liệu quý giá ấy, David tìm thấy lá thư mà Einstein gửi cho Marie Curie.

Lá thư đã được Đại học Princeton đăng tải công khai. Điểm thú vị là lá thư này chẳng đề cập đến nghiên cứu nào. Thay vào đó, lá thư là những dòng tâm sự sâu sắc mà Albert Einstein gửi đến Marie Curie, là lời động viên đúng vào lúc Marie Curie ở “tâm bão” sóng gió đời tư.

Năm 1903, Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel. Bà cùng chồng là nhà khoa học Pierre chia sẻ giải thưởng Nobel Vật lý. Ba năm sau, Marie mất chồng trong một vụ tai nạn đường bộ. Năm 1910, bà yêu giáo sư vật lý trẻ tuổi Paul Langevin đã ly thân với vợ.

Năm 1911, Marie Curie nhận Nobel Hóa học và là người phụ nữ đầu tiên có đến hai giải Nobel. Cũng trong năm ấy, người vợ đã ly thân của Paul Langevin lẻn vào căn hộ Paul và Marie sống đánh cắp những lá thư tình của họ và tung hê với báo chí. Truyền thông đã tấn công dồn dập Marie, buộc bà và hai con gái phải “lánh nạn” tại nhà một người bạn.

Nhung la thu thay doi the gioi - Bai 1: Phu nu a, hay mac ke nhung loi noi soi moi
Lá thư nhà khoa học Albert Einstein gửi bà Marie Curie.

Albert Einstein sau khi biết chuyện đã gửi lá thư động viên người bạn, người đồng nghiệp ông vô cùng quý trọng. Bức thư viết:

“Gửi bà Curie đáng kính,

Xin đừng cười chê vì tôi đường đột viết bức thư mà chẳng có một chủ đích nào như thế này. Nhưng có điều, tôi rất bực mình với thái độ soi mói của dư luận và vì thế tôi phải viết ra, như một cách giải tỏa cảm xúc của tôi.

Tôi nghĩ bà luôn vững vàng chẳng để tâm đến đám đông ấy, dù họ có cố gắng nịnh bợ hay cố tình bơm thổi tin giật gân xung quanh bà. Thật lòng, tôi phải thừa nhận rằng tôi vô cùng ngưỡng mộ trí tuệ, nghị lực và thái độ chân thành của bà, và tôi nhận ra mình rất may mắn khi được gặp gỡ, làm quen với bà tại hội nghị ở Brussels vừa qua.

Bất cứ ai không nằm trong đám đông ấy chắc hẳn sẽ hiểu hạnh phúc thế nào khi gặp gỡ được những con người vĩ đại như bà và cả Langevin. Nếu đám người ấy còn cố tình chen vào cuộc sống của bà, thì hãy bỏ qua những bài viết vô nghĩa ấy mà hãy dành thứ rác rưởi cho những con người ấy tận hưởng với nhau.

Với sự trân trọng và lòng thành gửi đến bà, Langevin, và Perrin.

A.Einstein”

“Phải chi chị hiểu trước khi phán xét”

Nâng đỡ cảm xúc, đó là những gì mà phụ nữ mọi thế hệ đều cần đến một khi xã hội còn nhiều định kiến, còn nhiều người muốn xen vào cuộc đời của người khác. Có những trường hợp, phụ nữ là tâm điểm của sự vùi dập, bị soi mói một cách thô bạo.

Nhung la thu thay doi the gioi - Bai 1: Phu nu a, hay mac ke nhung loi noi soi moi
Hình ảnh con gái nuôi được chị Kelly Dirkes chia sẻ trên trang cá nhân.

Chị Kelly Dirkes từng có trải nghiệm như thế tại một cửa hàng bán lẻ Target khi đang địu con gái nuôi bị Down, cho con tựa vào bầu ngực của mình. Bất ngờ một phụ nữ chạy đến cảnh báo Kelly rằng làm như thế con cô sẽ hư mất, rằng đứa trẻ sẽ không bao giờ học được cách độc lập.

Kelly đã “đáp trả” bằng thông điệp gây xúc động trên trang Facebook cá nhân. Chia sẻ của chị đã nhận hơn 32.000 lượt chia sẻ lại:

“Thân gửi người phụ nữ tôi gặp ở cửa hàng Target,

Chị biết không, khi tôi nghe câu “Bạn sẽ làm hư con bé mất”, tôi biết rằng chị có một niềm tin rằng con tôi sẽ chẳng thể nào học cách độc lập trong cuộc sống. Tôi mỉm cười với chị và hôn lên trán con, và tiếp tục việc mua sắm.

Phải chi chị hiểu những gì trong suy nghĩ tôi.

Phải chi chị biết con bé đã trải qua 10 tháng trời vật vã với cuộc sống đơn độc, không hơi ấm và không một cử chỉ xoa dịu nào ngoài việc tự vỗ về bằng cách bú những ngón tay mình.  

Phải chi chị nhìn thấy vẻ mặt đáng thương của con bé thời khắc cô bảo mẫu ở trại trẻ mồ côi trao con bé cho tôi. Bé con lọt thỏm trong vòng tay ấm áp, lần đầu cảm nhận được hơi ấm của một người rồi sẽ trở thành người thân.

Phải chi chị nhìn thấy con bé từng nằm ngoan như thế nào trong chiếc cũi, chẳng quấy khóc vì hiểu được, có quấy khóc cũng chẳng có ai ẵm bồng.

Phải chi chị biết những cơn lo lắng của đứa trẻ này khi nó không thể điều hòa cảm xúc của mình.

Phải chi chị hiểu những đứa trẻ như thế vốn phải độc lập trong hoàn cảnh đầy tổn thương và cần hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và cả hàng năm để giúp các con chữa lành vùng tổn thương ấy, nơi các con cảm thấy mình không an toàn.

Phải chi chị biết được…

“Làm hư đứa trẻ này” có lẽ là công việc quan trọng nhất mà tội có, là một đặc ân. Tôi sẽ địu con như thế, xoa dịu cho con nhiều như thế, cho đến khi nào con bé cảm thấy bình yên. Nơi này là nơi con thuộc về, là nơi con được yêu thương.

Phải chi chị hiểu trước khi phán xét”.

Di Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI