Donald Trump và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

14/11/2018 - 06:13

PNO - Trong các chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng công bố cuối năm 2017, Nhà Trắng khẳng định, “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”.

Donald Trump va chien luoc An Do Duong - Thai Binh Duong
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thay mặt Tổng thống Donald Trump thực hiện chuyến công du đặc biệt đến châu Á

Từ đầu tuần này, Phó tổng thống Mỹ - Mike Pence đã công du đến hàng loạt quốc gia châu Á. Dù Tổng thống Donald Trump không hiện diện, ông Mike Pence đã sẵn sàng giới thiệu chiến lược độc đáo, thể hiện rõ thái độ của Mỹ mà lãnh đạo nhiều quốc gia châu Á bấy lâu chờ đợi.

Trước chuyến thăm Nhật Bản, Singapore (nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN từ ngày 13-15/11) và Papua New Guinea, Phó tổng thống Mike Pence không quên nhấn mạnh rằng, Mỹ mong muốn gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương.

Ông cho biết, việc ông Trump không có mặt hoàn toàn không phải là sự lạnh nhạt. Ông viết trên Washington Post trước khi bay sang Nhật Bản: “Chúng ta đang tìm kiếm thái độ tôn trọng, sự đoàn kết và nỗ lực thúc đẩy dòng chảy thương mại tự do tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ Mỹ đến Ấn Độ và từ Nhật Bản đến Australia. Đây sẽ là nơi những quốc gia hiểu rõ về thế mạnh của mình quyết định mình cần phải làm gì”.

Trung Quốc không thích điều này, bởi lẽ bài viết của Phó tổng thống Mike Pence cũng nêu: “Chủ nghĩa độc đoán cùng thái độ gây hấn không có chỗ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Đây chính là thông điệp mà chính quyền Tổng thống Trump muốn gửi đến Trung Quốc - quốc gia có những tuyên bố vô lý về việc có phần lớn chủ quyền ở Biển Đông - một trong những kênh giao thương hàng hải tấp nập nhất thế giới.

Năm 2007, nhà chiến lược người Ấn Độ - Gurpreet S. Khurana đưa ra thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để mô tả cấu trúc địa chính trị mới, bao trùm khu vực. Sau đó, nhiều nước như Australia, Indonesia, Mỹ, Nhật Bản đã bắt đầu chú ý đến thuật ngữ này. Đến khi chính quyền Tổng thống Trump đề ra chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” (FOIP) thì thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” càng thu hút sự chú ý của các chính trị gia trên toàn cầu.

Trong các chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng công bố cuối năm 2017, Nhà Trắng khẳng định, “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”. Đây được xem là thông điệp thách thức Trung Quốc, vì khái niệm trên ngầm thừa nhận vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ, thể hiện lập trường cứng rắn mà Ấn Độ muốn tìm sự cân bằng về vị thế với Trung Quốc.

Indonesia là quốc gia duy nhất thuộc khu vực Đông Nam Á có hẳn chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình, được cựu Ngoại trưởng Marty Natalegawa công bố năm 2013; sau đó là Nhật Bản rồi mới đến Mỹ. Chính quyền Indonesia cũng từng nhiều lần thể hiện quan điểm cứng rắn với những động thái gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông.

FOIP thể hiện đậm nét quan điểm của chính quyền Mỹ, thay cho chiến lược “Tái cân bằng về châu Á” hay “Xoay trục sang châu Á” thời Tổng thống Obama - những chiến lược khiến ông Obama nhận rất nhiều chỉ trích vì đã không ngăn chặn hiệu quả việc Trung Quốc thách thức luật pháp và trật tự quốc tế, dẫn đến việc Mỹ mất hẳn ưu thế tại khu vực.

Các nhà quan sát Trung Quốc lập luận, FOIP là cách mà chính quyền Mỹ muốn tận dụng sự tập trung của các quốc gia khác, để tạo độ giãn cần thiết trong bối cảnh Tổng thống Trump cần chú tâm vào các vấn đề trong nước cũng như ở những điểm nóng chính trị khác. Trách nhiệm sẽ đi cùng quyền lợi. Đây là cơ hội để các quốc gia cùng nỗ lực tạo môi trường “lành mạnh” thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI