Các nước phạt lái xe say xỉn ra sao?

06/05/2019 - 06:00

PNO - Lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo luôn là mối nguy hiểm đối với bản thân người điều khiển phương tiện giao thông và người xung quanh. Vì thế, mọi quốc gia đều xem đây là nguy cơ cần kiểm soát.

Một cách dễ hiểu, mỗi quốc gia đều yêu cầu người dân và du khách giữ cho nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Concentration - BAC) trong giới hạn cho phép. Khung giới hạn thay đổi đáng kể theo mỗi quốc gia, thậm chí là giữa các tiểu bang hoặc tỉnh, thành, tùy thuộc về cấu trúc hoặc mô hình pháp lý của đất nước.

Chẳng hạn, các thành phố Vera Cruz và Chihuahua của Mexico có giới hạn BAC hợp pháp tương ứng là 0,4% và 0,5%. Giới hạn của Úc nằm ở mức 0 - 0,05%, một số bang ở Mỹ và Singapore chấp nhận mức giới hạn lên tới 0,08% hay 0,8 miligam rượu trên mỗi ml máu. Lưu ý, khi bạn mới uống 1 lon bia hoặc một chén rượu đầu tiên, nồng độ cồn trong máu đã được đẩy lên mức 0,01% BAC đến 0,05% BAC.

Việc vượt quá giới hạn BAC cho phép khi tham gia giao thông có thể dẫn đến các hình phạt cực kỳ nghiêm khắc ở một số thành phố hoặc quốc gia.

Trung Quốc: Lái xe say xỉn gây chết người phải lĩnh án chung thân, hoặc tử hình

Lái xe trên đường phố Trung Quốc với mức BAC cao hơn 0,02% có thể dẫn đến án phạt hành chính. Nếu nồng độ cao hơn 0,08%, người lái xe có thể bị phạt tù đến 3 năm hoặc tạm đình chỉ giấy phép lái xe 5 năm.

Tuy nhiên, tòa án của Trung Quốc sẽ xét xử riêng các trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn giao thông làm tổn thương người khác hoặc gây chết người như tội phạm hình sự, với mức án cao nhất lên đến tù chung thân hoặc tử hình.

Cac nuoc phat lai xe say xin ra sao?

Singapore: Phạt tới 5.000USD

Giới hạn nồng độ cồn theo quy định là 35 microgam trong 100 ml hơi thở; hoặc 80 miligam rượu trong 100 ml máu.

Theo mục 69 của RTA, các nhân viên cảnh sát có thể yêu cầu lấy mẫu hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông, nếu bị từ chối, cảnh sát có thể bắt giữ tài xế mà không cần lệnh.

Bạn có thể bị phạt tới 5.000 USD, phạt tù tới 6 tháng hoặc cả hai. Những người phạm tội nhiều lần phải đối mặt với mức phạt lên tới 10.000 USD và 12 tháng tù giam. Người phạm tội cũng có thể bị tạm giữ hoặc cấm thi lấy bằng lái xe trong tối thiểu 12 tháng.

Mỹ: Thu hồi ngay giấy phép lái xe, tạm giữ hoặc tịch thu xe

Các đạo luật về lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo ở Mỹ có thể rất khắc nghiệt, tùy thuộc từng tiểu bang và khu vực. Nồng độ cồn giới hạn khi điều khiển xe cơ giới là 0,08% ở hầu hết các tiểu bang.

Các hình phạt phổ biến liên quan đến lái xe khi say rượu có thể bao gồm: Đình chỉ/ thu hồi giấy phép lái xe; phạt tù; tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện; tịch thu biển số; giới hạn khóa liên động đánh lửa (IID – Thiết bị ngăn cản việc khởi động xe nếu hơi thở tài xế có cồn); đánh giá lạm dụng rượu bia hoặc chất gây nghiện; chương trình cai nghiện bắt buộc; quản thúc tại cộng đồng.

Theo Luật Liên bang, việc đình chỉ giấy phép lái xe được thực hiện theo quy trình hình sự độc lập, và cảnh sát có thể thu hồi giấy phép ngay sau khi bắt giữ thủ phạm. 

Nam Phi: Uống quá 2 ly bia, phạt tù 10 năm

Giới hạn BAC khi tham gia lưu thông ở Nam Phi là 0,05%, nghĩa là bạn không thể uống nhiều hơn hai ly bia trong vòng một giờ trước khi lái xe; mức giới hạn này đối với cánh tài xế là 0,02%.

Việc không tuân thủ quy tắc này có thể khiến bạn bị phạt tù 10 năm, phạt tiền lên tới 120.000 R (8.700 USD) hoặc cả hai, nếu hành động lái xe gây ra tai nạn hoặc thiệt hại tài sản.

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất: Cấm lái xe trọn đời

Lái xe ảnh hưởng của rượu có thể dẫn đến lệnh cấm lái xe trọn đời đối với công dân UAE, trong khi người nước ngoài có thể bị kết án phạt roi ở quảng trường công cộng hoặc phải trả số tiền tương đương 5.300 USD.

Cac nuoc phat lai xe say xin ra sao?

Nga: Phạt 475 USD, tước bằng lái 2 năm 

Đến năm 2018, luật pháp giới hạn nồng độ rượu trong máu khi tham gia giao thông là 0,3 gram trên mỗi lít máu. Những tài xế bị phát hiện lái xe khi say xỉn sẽ bị phạt 30.000 rúp (475 USD) và bị thu hồi giấy phép lái xe trong thời hạn lên đến hai năm.

Cac nuoc phat lai xe say xin ra sao?

Malaysia: Phạt 2.400USD, đi tù 1 năm

Ở Malaysia, giới hạn BAC là 0,08%. Người lái xe có thể bị cảnh sát giữ lại để kiểm tra nồng độ cồn vào bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, ngay cả khi bạn không phải là người trực tiếp lái xe, nhưng chiếc xe do bạn sở hữu và nồng độ cồn trong máu của bạn vượt ngưỡng cho phép, hãy chuẩn bị đối mặt với án phạt lên đến 10.000 ringgit (khoảng 2.400 USD) cùng án phạt tù 12 tháng.

Cac nuoc phat lai xe say xin ra sao?

 

Nhiều vụ tai nạn chết người do tài xế say xỉn

Từ đâu năm đến nay, đã xảy ra nhiều vụ lái xe say xỉn gây tai nạn chết người.

- Chiều 13/2, tài xế Nguyễn Tiến Duy (29 tuổi, trú tại huyện Kim Tân, Lào Cai) lái chiếc Fortuner khi đến địa phận huyện Văn Bàn trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã lấn sang làn đối diện rồi đấu đầu với xe chở khách 16 chỗ do tài xế Trần Huy Sỹ  điều khiển.

Vụ tai nạn khiến 12 người nhập viện, trong đó ba người tử vong và ba người khác bị thương nặng. Kiểm tra nồng độ cồn trong máu của tài xế Nguyễn Tiến Duy cho thấy kết quả đạt mức 38 mg/dl máu. Còn tài xế xe khách 16 chỗ cũng có nồng độ cồn trong máu đạt mức 39 mg/dl máu.

- Vào trưa 11/4 tại Bình Định, tài xế Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi) lao thẳng vào đám đông gồm 10 người trong Đội dịch vụ tang lễ Văn Thứ đang ngồi chờ khiêng hòm đám tang trên đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn với tài xế Huyện sau khi gây tai nạn là 0,315 mg/lít khí thở.

- Mới đây nhất, đêm 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) sau khi uống nhiều cốc bia đã lái xe ôtô 7 chỗ tông ngã chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng. Tài xế Tuyên sau đó tiếp tục đâm vào một xe máy và chiếc Mercedes. Vụ tai nạn khiến chị Hà tử vong tại chỗ, người đi xe máy bị thương. Nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Tuyên ở mức 1,041 mg/lít khí thở, cao gấp gần ba lần mức phạt cao nhất (0,4mg/lít) theo Nghị định 46.

Cac nuoc phat lai xe say xin ra sao?

So với nhiều nước, Việt Nam còn "nương tay" với lái xe say xỉn

Tại Việt Nam, theo Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016/NĐ-CP ban hành ngày 26/5/2016 "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt", việc xử phạt người điều khiển xe gắn máy sẽ căn cứ vào nồng độ cồn trong máu để xác định mức độ xử phạt:

– Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng

+ Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng

– Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở:

+ Phạt tiền từ 3 000 000 đồng đến 4 000 000 đồng

+ Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng


Tấn Vĩ (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI