Thay đổi chuỗi giá trị nông sản, bắt đầu từ người nông dân

06/08/2018 - 06:54

PNO - "Chúng ta cần lộ trình để thay đổi toàn diện chuỗi giá trị nông sản, bắt đầu từ người nông dân. Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, là hạt nhân để liên kết các bên..."- ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch CLB Nông nghiệp công nghệ...

“Chúng ta cần một lộ trình để thay đổi toàn diện chuỗi giá trị nông sản, xây nền tảng cơ bản chuỗi giá trị nông sản, bắt đầu từ người nông dân”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA).

Ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, là hạt nhân để liên kết các bên liên quan nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững có hiệu quả cao là hướng tiếp cận đúng, nhưng mấu chốt của chuỗi là sự hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ nông dân.

Phóng viên: Là người làm lâu năm trong ngành, ông đánh giá thế nào về vị trí của người nông dân hiện nay?

Ông Nguyễn Trường Sơn: Để nói về vị trí của người nông dân, tôi xin nêu lên những con số rất cụ thể. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sáu tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017, đứng thứ 13 trên thế giới; đã có ở 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong những năm gần đây, giá trị xuất khẩu của rau, củ, quả tăng trưởng cao và bền vững: 2014 xuất khẩu 1,489 tỷ USD; 2015 xuất khẩu 2,3898 tỷ USD; 2016 xuất khẩu 2,461 tỷ USD; 2017 xuất khẩu 3,502 tỷ USD.

Cả nước hiện có khoảng 8,6 triệu hộ nông dân; 4.447 doanh nghiệp; 6.946 hợp tác xã, trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 27.284.906ha, chiếm 82,37% tổng diện tích tự nhiên... Những con số “biết nói” trên đây đã cho chúng ta thấy, nông dân có vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thay doi chuoi gia tri nong san, bat dau tu nguoi nong dan
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA)

* Nhưng thực tế, thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp?

- Đáng tiếc là năng suất lao động còn thấp, vì các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có tính nhỏ lẻ, canh tác manh mún theo thói quen kinh nghiệm là chủ yếu. Theo Ngân hàng thế giới, năm 2016 năng suất lao động nông nghiệp trung bình ở Việt Nam đạt 813 USD/người. Chỉ bằng 

35-50% của các nước trong khu vực. Hơn 40% lực lượng lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có mức thu nhập bình quân 5.080.000 đồng/người/tháng. Một số hộ có sản phẩm nông sản sạch chất lượng tốt bị đánh đồng với sản phẩm bẩn nên không thể có được mức giá phù hợp với chi phí sản xuất. 

* Ông có đề xuất nào để nâng cao năng suất lao động của nông dân cho tương xứng với vị trí của họ trong chuỗi giá trị?

- Chúng ta cần một lộ trình để thay đổi toàn diện chuỗi giá trị nông sản, bắt đầu từ người nông dân. Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, là hạt nhân để liên kết các bên đem lại hiệu quả thiết thực cao hơn so với cách làm trước đây.

Hiệu quả thiết thực ở đây là làm cho chất lượng sản phẩm tốt hơn, đồng đều hơn, có thể bán được giá trị cao hơn; đảm bảo quy mô đáp ứng các yêu cầu của những thị trường trong nước và quốc tế; cùng nhau xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, giữ chân người tiêu dùng bền vững. Đồng thời, tối ưu hóa trong sản xuất chế biến tiêu thụ, giảm thiểu chi phí, chia sẻ thông tin nhạy bén, nâng cao sức cạnh tranh. 

 Xuân Lộc thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI