Than vẫn chảy lậu từ 'thủ phủ vàng đen' - Bài 1: Gặp những ông bà 'trùm' than lậu

11/03/2019 - 06:24

PNO - Những bãi than, bãi xít đang ngày đêm lấn vịnh Bái Tử Long (TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh), hủy hoại môi trường vịnh. Xe tải nườm nượp vào ra những ụ than náu mình trong vườn chuối có bảng “cấm vào”...

Đó là cảnh tượng mà chúng tôi chứng kiến và ghi nhận trong những ngày lần theo đường đi của than lậu. Trong vai người đi mua than để đốt lò gạch, chúng tôi được các đầu nậu than khẳng định, muốn mua 30-40 tấn than/ngày, họ cũng sẵn sàng đáp ứng.

Máy móc hoạt động khuất lấp bí mật ở phường Cẩm Phú

Trong những ngày nhập vai chủ lò gạch, dò hỏi, tìm nguồn mua than về đóng gạch, đốt lò, chúng tôi được nghe nhắc nhiều đến cái tên Phương Th. Bà M. - ở khối 7, P.Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh - tiết lộ: “Bãi than ở đây nhiều lắm. Dưới kia, còn có cái cảng than chuyên mua than ở các nơi. Bãi than của bà Th. là lớn nhất, chuyên xuất khẩu”.

Đấy là ở Quảng Ninh, còn ở Thái Nguyên, chúng tôi được một ông “trùm” khác nói chắc như đinh đóng cột: “Hàng (than) của tôi nhiều vô biên”.

Than van chay lau tu 'thu phu vang den' - Bai 1: Gap nhung ong ba 'trum' than lau
Xe tải chở than đá ngụy trang bằng các bao tải ngô và các thùng nhựa đựng rau quả ở Thái Nguyên - Ảnh: VOV

500-700 tấn/tháng không nhằm nhò

Cẩm Phả có địa hình khá đặc biệt, cả thành phố là một dải hẹp, chạy dài, mặt hướng ra vịnh, lưng tựa vào núi. Đây là thành phố công nghiệp than, dãy núi cũng chính là những mỏ than, bụi than phủ đầy các mái nhà, góc phố.

Nhà bà M. nằm ngay mặt đường dẫn vào cảng than 10/10, lúc đường khô thì bụi mịt mù, lúc mưa hoặc sau khi tưới đường, lại lẹp nhẹp toàn bùn đất đen sì. Nhà bà bán tạp hóa, nước giải khát, nguồn khách chủ yếu là cánh lái xe.

Bà M. chỉ tay về phía núi: “Ở đây, người ta chở bằng đường thủy nhiều, than lấy trong các công ty, từ trên kia. Họ lấy ở mỏ nào thì tùy vào mối quan hệ của từng người. Than từ Km6 cũng về đây”.

Khu tập kết than rất lớn nằm giáp ranh Quảng Ninh và Hải Dương, trong đó nhiều bãi đã được xác định là hoạt động không phép.

Chúng tôi liên lạc qua điện thoại với bà “trùm” Phương Th., hỏi mua mỗi tháng 500-700 tấn than để đốt lò gạch. Đầu bên kia, giọng bà “trùm” có vẻ ngần ngừ: “Bé thế, 500 tấn thì chạy gì?”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Than của mình lấy ở mỏ nào ra?”. Bà Phương Th. trả lời cụt lủn: “Đèo N.”.

Hôm sau, khi gặp trực tiếp để bàn “thương vụ”, cánh đàn em của bà Th. đã “kiểm tra” chúng tôi bằng những câu liên quan đến kiến thức về than. Có người còn úp mở: “Bọn em tưởng các anh trên bộ” hoặc “các anh trong Nghệ An mà đi xe biển số 30 à?”.

Than van chay lau tu 'thu phu vang den' - Bai 1: Gap nhung ong ba 'trum' than lau
Bà “trùm” than Phương Th. đã lật “kèo” sau cú điện thoại. Không rõ bằng kênh thông tin nào mà bà đã biết chúng tôi (nhà báo) có mặt ở Cẩm Phả

Bà “trùm” Phương Th. tuổi trạc 40, mặt xương xương, lúc nào cũng nhăn nhó. Trái với sự thăm dò của những “cậu em”, bà xởi lởi, giải thích với chúng tôi rất cặn kẽ: “Giờ các cậu phải về xem nhà máy đốt nhiệt gì, nhiệt 6.000 hay 3.000, 4.000, cám 4a hay 4b, ví dụ thế. Chị dặn này, cái 4a, 4b là đắt nhất, xong đến cám 5, cám 6, cám 7. Còn giá thì đơn giản thôi”.

Chúng tôi hỏi: “Hôm qua, tụi tôi nói lấy 500-700 tấn, chị bảo ít quá phải không?”. Bà Th. nói gọn lỏn: “Ít”. Chúng tôi hỏi, nếu mua trong các mỏ thì giá có đắt hơn không, có khó mua không, bà Th. nói: “Mua được chứ, không cần phải có hóa đơn đâu. Nhưng xe các cậu phải chạy ra. Trong mỏ rẻ hơn, nhưng khâu vận chuyển thì còn phải xem bọn em có đủ tầm để (chở than) chạy ra được hay không”.

Than van chay lau tu 'thu phu vang den' - Bai 1: Gap nhung ong ba 'trum' than lau
 

Bà “trùm” đang có vẻ tin tưởng, bắt đầu tiết lộ với chúng tôi các mánh mua than, chở than thì có cuộc điện thoại gọi đến. Loa ngoài bật, chúng tôi loáng thoáng nghe đầu bên kia giọng một người đàn ông. Giữa ầm ĩ xe cộ, chúng tôi không thể nghe rõ ông ta nói gì, chỉ biết là ngay lập tức, bà Phương Th. tắt điện thoại.

Thái độ và sắc mặt không hề thay đổi, giọng vẫn nhẹ nhàng, nhưng bà liền chuyển hướng: “Các cậu tự chở, hoặc không có thì chị mua hộ cho, chỉ cho nhà này nhà kia. Vận chuyển thì chị thuê hộ cho thôi, có đội xe người ta chuyên chạy, ai lấy thì chị thuê cho người ta. Hai là nhà chị toàn bán ở đây, ngày xưa bán đi Trung Quốc nhưng năm nay thôi rồi, giờ nói chung khó khăn lắm, không có hàng”.

Than van chay lau tu 'thu phu vang den' - Bai 1: Gap nhung ong ba 'trum' than lau

Khu vực tập kết than rộng mênh mông ở Kinh Môn - Hải Dương, nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh. Có rất nhiều điểm ở đây đã được xác định là hoạt động không phép. Nhiều nguồn tin của chúng tôi cho biết, đây là một trong những điểm “nhận” than từ những “trùm” ở Quảng Ninh

Chúng tôi hỏi lại câu hỏi lúc trước, rằng than của nhà chị lấy ở mỏ Đèo N. hay mỏ Thống Nh., bà Th. chối ngay: “Chị nhặt của dân, chứ nhà chị không có mấy, nếu các cậu lấy thì chị mua giúp chỗ Km6 hoặc bãi xung quanh đấy”.

Chúng tôi bước khỏi cổng ngôi biệt thự bề thế của bà “trùm”, còn nghe tiếng bà thì thào trả lời điện thoại sau lưng: “Nó sợ hôm nay nhà báo xuống đây nên nó không chạy”. Không biết bằng kênh thông tin đặc biệt nào mà bà “trùm” Phương Th. và cánh “chạy than” đã biết sự có mặt của nhà báo ở đây.

Hai bãi than, bán 10 năm chưa hết

Không chỉ ở Quảng Ninh, mà trên Thái Nguyên, chúng tôi cũng tiếp cận được với nguồn cung cấp than rất lớn. Theo chỉ dẫn của người dân và cánh lái xe tải, chúng tôi tìm đến điểm tập kết than của ông S. ở gần mỏ than Khánh H. Buổi sáng, những chiếc xe tải chờ “ăn” than trong bãi. Đến trưa, có hai xe rời khỏi bãi, đến điểm cân.

Than van chay lau tu 'thu phu vang den' - Bai 1: Gap nhung ong ba 'trum' than lau
Lực lượng của Vùng CSB 1 kiểm tra hàng hóa trên tàu HD 1544, hơn 500 tấn than cám không có hồ sơ, giấy tờ chứng nhận sở hữu. Ảnh: TL

Chúng tôi theo xe 20C-04490 thì xe này đi “đổ than” ở H.Đại Từ. Còn xe 20L-7438 đi qua cổng mỏ than Khánh H., qua cầu Cao Ngạn, đến một trang trại nằm sâu trong núi, thuộc xã Lâu Thượng, H.Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Người mua than là ông D. Ông cho chúng tôi xem cả phiếu cân tải và nói, than mua từ ông S.

Trước đó, ông D. đã vào mỏ than Khánh H. hỏi mua nhưng người trong công ty đã giới thiệu ông liên hệ với bảo vệ và ông nhận được báo giá 2,3 triệu đồng/tấn. Cuối cùng, nhờ có người mách, ông D. đã mua than của ông S. với giá chỉ 2 triệu đồng/tấn. Chiều, khi chúng tôi quay lại điểm tập kết, bãi than đã vơi đi quá nửa, những chiếc xe tải cũng không còn, những người thuê tiết lộ xe đang đi giao hàng khắp nơi.

Rửa xít lấy than ngay trong khuôn viên Ban quản lý cụm công nghiệp Cẩm Thịnh.

Tiếp tục trong vai người đi tìm nguồn than, chúng tôi được một người dân ở xóm 2, xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên khẳng định chắc nịch: “Các cậu lấy ngày chục tấn thì chúng tôi làm chưa đến một tiếng. Than sẵn kia, máy cuốc cuốc lên rồi nghiền, mỗi ngày được khoảng 30-40 tấn”. Rồi ông dẫn chúng tôi vào xưởng chế biến nằm sát bãi thải của mỏ than Khánh H. Ông bảo, dưới nền xưởng toàn than, than này lấy của công ty từ lâu rồi, ai mua đến đâu thì dùng máy múc lên đến đấy.

Cách trung tâm TP.Thái Nguyên khoảng 10km, ở xã Phúc Hà, chúng tôi được vợ chồng ông “trùm” than tên H. dặn dò: “Mua than làm gạch phải hết sức cẩn thận. Phải tham khảo nhiều nguồn và tìm hiểu kỹ”.

Rồi bà vợ ông H. rào đón: “Ở Bắc Giang, họ làm lò đứng, lò vòng, họ trộn than lẫn với gạch (khi đóng) cho đỡ tốn than đốt mà phấn gạch đẹp. Tôi đang giao cho họ mỗi tháng 900 tấn. Các cậu mới vào nghề, cứ tâm sự thật với tôi, tôi già rồi, tôi biết gì thì tôi bảo cho. Vì ở đây có mấy loại than cơ. Nếu muốn lấy than gấp, tôi khắc tìm được mối cho. Bắc Giang lấy than nhà tôi bao năm, tôi làm không xuể, phải nhờ cả đứa em làm”.

Than van chay lau tu 'thu phu vang den' - Bai 1: Gap nhung ong ba 'trum' than lau
Cả trong những ngày cuối cùng của tháng 2/2019, khi chúng tôi trở lại cụm cảng Km6, “hiện trường” cũng có rất nhiều thay đổi so với cuối năm 2018, nhiều điểm trên cụm cảng này vẫn chưa được trả lại toàn bộ mặt bằng.

Nói đoạn, như sợ chúng tôi không tin vào khả năng cung cấp than của mình, bà khẳng định: “Bãi chứa mà các cậu nhìn thấy chỉ là bãi sản xuất thôi. Các cậu nên nhớ là nhà tôi làm từ năm 2008. Năm vừa rồi, do mưa cộng với mấy nhà máy nghỉ nên nhà tôi chỉ được 4.000 tấn, chứ năm trước, tôi sợ cả nghe điện thoại. Họ tranh nhau lấy, họ còn đợi ở đây mấy ngày, vừa đợi vừa đánh bạc suốt đêm. Lúc nhiều, mỗi năm tôi có khoảng 15.000 tấn. Còn trung bình mỗi tháng chỉ dám nhận 700-800 tấn”.

Chúng tôi khá bất ngờ khi được biết, ngoài “trùm” than, ông H. còn làm trưởng xóm. Ông khoe, trước đây, nhà ông có hai bãi than, một bãi gần mỏ, một bãi ở khu đổ thải nhưng bãi này bị thu hồi khi mỏ mở rộng. “Hàng thì nhà tôi thiếu gì, hết tôi lại lấy, tôi đã bán cho lò gạch bao năm nay”.

Chúng tôi vờ ái ngại, nói “như thế khác gì trộm than”, ông H. tiếp tục tiết lộ: “Hàng ở đây là hàng ngoại giao, nên các cậu yên tâm là tôi có đủ. Tôi làm thẳng với công ty K.H. Công ty có kế hoạch cho, chứ không phải mua bán gì. Hàng của tôi là vô biên, hai bãi than, làm mười năm nay chưa hết. Đã bảo lúc nào cũng có suất ngoại giao cho tôi mà”.

(còn nữa)

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI