Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện trọng điểm

23/08/2019 - 14:12

PNO - Thường trực Chính phủ vừa có cuộc họp về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025.

Tap trung thao go vuong mac cho cac du an dien trong diem
Việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ sẽ tháo gỡ được khó khăn về nguồn khí phát điện ở các dự án nhiệt điện lớn như Nhiệt điện Phú Mỹ

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Nhiều dự án điện tiến độ rất chậm sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện và gây khó khăn trong việc cung ứng điện những năm tiếp theo”. 

Thông báo kết luận cuộc họp đánh giá, giai đoạn vừa qua chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã có những cố gắng thực hiện quy hoạch về điện và đạt được kết quả nhất định. 

Tuy nhiên tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án nhiệt điện có công suất lớn dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2023. 

Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.

Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan có liên quan phải nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào. 

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét cụ thể đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc cho phép các chủ đầu tư nhà máy điện đấu thầu mua khí LNG để bổ sung nguồn khí cho phát điện, đấu thầu thuê hoặc mua điện của các nhà máy điện nổi để có thể bổ sung nguồn cấp từ năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương đổi mới phương pháp giám sát thực hiện các dự án điện, nhất là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách; thường xuyên giao ban kiểm điểm tiến độ các dự án, xử lý ngay các nội dung thuộc thẩm quyền và kịp thời báo cáo cơ quan, cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề ngoài thẩm quyền. 

Bộ Công thương phải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, Tập đoàn Công nghiệp than (TKV) và Tập đoàn Dầu khí (PVN) đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho từng nhà máy điện, chấm dứt tình trạng thiếu than như đã xảy ra trong thời gian qua.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần tập trung xử lý theo đúng thẩm quyền được pháp luật quy định và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền; tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng trì trệ trong khâu chuẩn bị đầu tư các dự án điện của EVN, PVN và TKV. 

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thường trực Chính phủ yêu cầu xem xét việc các dự án nguồn và lưới điện của EVN được vay từ các ngân hàng thương mại vượt hạn mức tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan trong điều kiện phù hợp, theo quy định của pháp luật. 

Đại Dương

Để được hỗ trợ giải đáp thêm thông tin, khách hàng liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP.HCM qua số điện thoại 1900 54 54 54.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI