Sư Thích Thanh Toàn mượn chuyện áp vong để sàm sỡ phụ nữ

24/09/2019 - 20:00

PNO - Theo nhà sư Thích Đ.C. - người từng có nhiều năm tu tập, sống cùng đại đức Thích Thanh Toàn - việc sư Toàn có những hành vi không chuẩn mực đã xảy ra từ hơn 10 năm trước, đến mức ông phải dứt áo ra đi.

Ngày 23/9, Báo Phụ Nữ TP.HCM khởi đăng loạt bài điều ra Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo với bài 1: Sư trụ trì gạ tình phóng viên. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm đến nhà sư Thích Đ.C. - người từng có nhiều năm tu tập, sống cùng đại đức Thích Thanh Toàn.

Chùa Nga Hoàng biến thành nơi “nuôi vong”

Phóng viên: Thưa nhà sư, nghe nói nhà sư từng có một thời gian dài tu tập cùng nhà sư Thích Thanh Toàn ở Thiền viện Tây Thiên. Gia đình chúng tôi đang có người nhà rất tin thầy Toàn, thường xuyên đến chùa Nga Hoàng áp vong. Nhà sư cũng là người tu hành, nên cho phép chúng tôi được hỏi, việc tu tập đó của sư Toàn có đúng với tinh thần nhà Phật không?

Nhà sư Thích Đ.C.: Thầy Toàn “tu” theo kiểu dùng thần quyền để giúp người ta cầu quan, cầu chức, cầu lộc, cầu tài. Con đường của đạo Phật là con đường giác ngộ. Muốn giác ngộ thì phải chuyển hóa tự thân. Nhưng nhiều người khi sa cơ, vào chùa thường cầu tha lực (ảnh hưởng, tác động từ người khác, đối tượng khác). Tha lực không giúp giải thoát, chỉ giúp tạm thời được một chút gì đó mà người ta cầu nguyện.

Chúng sinh tới cầu thì thầy làm, chứ thầy không dụ dỗ ai, nhưng nếu thầy lợi dụng việc chúng sinh cầu thì có nghĩa thầy đã tạo nghiệp. Việc một người tu hành giúp người ta cầu quan, cầu chức, cầu lộc, cầu tài là không đúng mục tiêu của đạo Phật, tức là giúp chúng sinh giác ngộ, giải thoát. Còn nếu giúp chúng sinh đạt được đến quả báo là tài và lộc ấy thì chỉ là giúp thỏa mãn lòng tham của con người, đó là nguồn gốc của phiền não, của đau khổ chứ không giúp chúng sinh thanh tịnh trong tâm.

Su Thich Thanh Toan muon chuyen ap vong de sam so phu nu
Một buổi cúng vong trong khu vực nhà chùa

* Khi nhà sư còn tu tập với sư Toàn ở Thiền viện Tây Thiên, sư Toàn có “tu” như thế không?

- Khi chúng tôi ở thiền viện, thầy Toàn không tu như vậy. Rời khỏi thiền viện thì thầy Toàn mới “phát triển” việc áp vong, cúng vong; việc tu tập của thầy Toàn đã đi theo hướng khác. Khi có chuyện áp vong, rất nhiều người “bị vong nhập” được đưa tới chùa Nga Hoàng nhờ giúp đỡ. Sau này, thầy Toàn mượn việc áp vong làm việc tu học, lấy phương tiện phổ độ chúng sinh để áp vong, dần dần biến thành việc cầu xin, xin quan, xin chức, xin rất nhiều thứ…

Khi tôi ở chùa Nga Hoàng hai năm để giúp thầy Toàn, tôi nghĩ lấy việc áp vong làm phương tiện phổ độ chúng sinh vì chúng sinh đang cần giúp đỡ, thầy giúp xong là thôi. Nhưng sau đó, chùa Nga Hoàng biến thành nơi “nuôi vong”, tôi thấy không thích hợp với việc tu tập của mình nữa nên tôi đi.

Có “trị vong” cũng không bao giờ làm thế

* Thưa nhà sư, có những chuyện rất tế nhị mà chúng tôi không biết phải nghĩ như thế nào, càng không biết phải trình bày với nhà sư ra sao. Tôi chỉ có thể nói, sư Toàn có những hành vi không chuẩn mực, không đúng giới luật của nhà Phật, đặc biệt là với nữ phật tử. Chúng tôi phải làm thế nào để nói cho họ tỉnh ngộ, họ hiểu đó không phải là sư Toàn đang giúp mà đang lợi dụng họ?

- Chuyện tế nhị thì chỉ những người trong cuộc biết, rồi đến lúc nào đó, họ sẽ tỉnh ngộ. Thường con người ta làm sai, phải đến lúc quả báo tới mới hiểu, mới ngộ. Khi người ta cầu không được, không thành thì người ta mới tỉnh ra. Còn vô tình sự việc xảy ra theo đúng vận duyên, lại nghĩ là “cầu được”, thì họ cứ mê man chìm vào đó.

Khi tôi còn lui tới chùa Nga Hoàng giúp thầy Toàn, tôi có giải thích với một số phật tử đến cầu nên thầy Toàn không thích tôi đến nữa. Thầy sợ khi tôi giải thích với các phật tử, họ hiểu ra, họ không lên chùa cầu nữa. Sau khi tôi rời khỏi, chùa Nga Hoàng chỉ có mình thầy Toàn ở, không bao giờ thầy Toàn tiếp một thầy nào khác, vì sợ có thầy đến là lộ việc không đúng của thầy ấy.

Trường hợp những người áp vong, thầy Toàn mượn chuyện áp vong để đụng chạm và nói đó là cách trị vong; người bị nạn tin như vậy nên họ chấp nhận việc đụng chạm. Nhưng các thầy khác, nếu có trị vong thì cũng không bao giờ làm thế.

* Có nhiều ý kiến bao biện rằng, những hành vi không chuẩn mực của sư Toàn là do sư Toàn bị “vong nhập”, bị “vong điều khiển”?

- Nếu vong điều khiển được thì thầy không thể làm thầy được. Khi lòng tham khởi lên, lại gán cho việc trị để làm điều phi pháp.

* Sư Toàn giải thích hành động đó là do ông ta sử dụng năng lượng quá nhiều khi giúp các phật tử giải thoát vong ám họ. Năng lượng xấu tích tụ trong người, nên ông cần phải có khí từ phụ nữ…

- Câu chuyện này, trước đây tôi có nghe kể một lần. Nếu một người cần năng lượng của người đời thì làm sao đủ khả năng trị được vong?

Không phải là tu

* Thưa nhà sư, nếu những hành vi không chuẩn mực diễn ra ngoài khuôn viên chùa, hoặc nếu kẻ làm những điều nhơ bẩn trong khuôn viên chùa là một người phàm tục, chúng tôi không phản ứng gay gắt đến mức đó. Nhưng đường đường là một trụ trì mà lại có những hành vi khó chấp nhận ở ngay cửa Phật, thì quả thực rất khó để chấp nhận.

- Chuyện như vậy từng xảy ra từ hơn 10 năm trước. Tôi biết, nên tôi mới ra đi. Chuyện độ vong thì có thể được. Chúng sinh bị vong nhập, bị oan gia trái chủ, giúp họ giải kết oán nghiệt, khỏe mạnh, ăn uống được là tốt. Nhưng lại xảy ra chuyện sàm sỡ, tôi thấy mất hình ảnh của một người tu sĩ, tôi không chấp nhận được, nên tôi đi.

* Vậy có cách nào để những phật tử đang u mê đó nhận ra không, thưa nhà sư?

- Tôi là người trong cuộc, tôi biết hết những việc thầy Toàn làm. Chúng sinh mê mờ thì đành chịu, vì con người muốn giác ngộ cần phải có người khai trí, còn tự giác ngộ thì khó.

Trước khi xảy ra chuyện đụng chạm phụ nữ, tôi và thầy Toàn vẫn là anh em khá thân thiết. Sau đó, tôi thấy lối “tu” của thầy Toàn không phù hợp với mình nên tôi đi. Trước khi đi, tôi có nhắn cho thầy Toàn một tin: “Là phương tiện nhưng đừng quá để người ta phản ánh, đã có phật tử phản ánh đến tai tôi rồi. Là anh em huynh đệ, tôi cũng khuyên thầy thôi”. Từ khi tôi khuyên là anh em có khoảng cách, mỗi khi gặp nhau không còn hoan hỷ nữa.

Nếu tu theo con đường của đạo Phật thì cách của thầy Toàn không phải là tu, đó chỉ là những người phục vụ tín ngưỡng dân gian. Kèm theo đó là ham muốn của chúng sinh với các thứ tài lộc thế gian. Và thầy dựng chuyện để mọi người tới cầu xin lộc, xin tài. Còn muốn giải thoát thì không có chuyện cúng cầu mà được.

* Cảm ơn nhà sư.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI