Sắp xử sơ thẩm lần hai vụ 'hình sự hóa quan hệ kinh tế' tại TP.Cần Thơ

06/08/2018 - 09:15

PNO - Cơ quan tố tụng đã định giá tài sản thấp hơn rất nhiều lần so với giá thị trường. Chính vì lý do này, chủ tọa phiên tòa đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu giám định lại tài sản.

Ngày 8/8 tới, Tòa án nhân dân TP.Cần Thơ sẽ xử sơ thẩm lần thứ hai, vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Cần Thơ.

Sap xu so tham lan hai vu 'hinh su hoa quan he  kinh te' tai TP.Can Tho
Dự án cụm chế biến nông thủy sản Tây Nam tại TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang sử dụng vốn vay 289 tỷ đồng từ Agribank Cần Thơ (mới giải ngân được 258 tỷ đồng)

Cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục truy tố tội danh “vi phạm quy định cho vay” đối với phía đi vay gồm ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Giám đốc Công ty TNHH-MTV Nông thủy sản Tây Nam), Phạm Tường Thi (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến) và Nguyễn Văn Đạt (nguyên nhân viên Công ty TNHH Tân Tiến) và bên cho vay là ông Lê Thanh Hải (nguyên giám đốc Agribank Cần Thơ), Trần Huy Liệu (nguyên phó giám đốc) và Bùi Tuấn Anh (cán bộ tín dụng).

Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhiều lần đề cập, mấu chốt của vụ án là xác định được “có thiệt hại xảy ra hay không” và cơ sở để xác định điều này là việc định giá tài sản thế chấp, cũng như tài sản hình thành trong tương lai của các hợp đồng tín dụng. Các khoản vay do các bị can đứng tên pháp nhân đều được ký bảo đảm với ngân hàng bằng 9 tài sản thế chấp, trong đó có những nhà đất giá trị.

Trước đó, trong phần tranh luận tại phiên xử diễn ra hồi tháng 4/2018, các luật sư đã trưng ra hàng loạt tài liệu cho thấy, cơ quan tố tụng đã định giá tài sản thấp hơn rất nhiều lần so với giá thị trường. Chính vì lý do này, chủ tọa phiên tòa đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu giám định lại tài sản.

Theo kết luận số 978/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 22/6 vừa qua (thanh tra việc chấp hành pháp luật về chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác của UBND TP.Cần Thơ), việc định giá tài sản trong vụ án này của cơ quan tố tụng là có “vấn đề nghiêm trọng”.

Cụ thể, khu đất số 12 Nguyễn Trãi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ (tài sản của Công ty Tân Tiến) với diện tích 2.574,6m2, nếu căn cứ vào hệ số biến động giá đất do UBND TP.Cần Thơ ban hành thì mức giá khởi điểm của tài sản này phải là 233 tỷ đồng vào năm 2012, tương đương hơn 90 triệu đồng/m2.

Nhưng trong vụ án trên, hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.Cần Thơ xác định khu đất này chỉ có giá trị hơn 107 tỷ đồng (thời điểm tháng 12/2016). Tương tự, phần đất xây siêu thị Citimart Cần Thơ (số 51 Nguyễn Trãi, TP.Cần Thơ) cũng bị định giá thấp hơn 2,5 lần giá thị trường. 

Cáo trạng mới nhất của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Cần Thơ (ngày 9/7) vẫn cho rằng, các khoản vay của Công ty Tây Nam và các công ty, cá nhân khác đã gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam số tiền hơn 303 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ riêng tài sản số 12 và 51 Nguyễn Trãi, nếu tính theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đã có tổng giá trị gần 600 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi ngày 5/8, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM - tiếp tục khẳng định không thể có thiệt hại xảy ra trong vụ án. “Ngay từ đầu, chính Agribank Việt Nam đã có đến hai văn bản giải thích rõ ràng các khoản vay là đúng đối tượng, đúng quy định, có tài sản bảo đảm và ngân hàng xác nhận không bị thiệt hại. Mới đây, trả lời báo chí, họ vẫn bày tỏ mong muốn chuyển vụ việc qua dân sự để xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ vốn và lãi. Và theo tôi, kết luận của Thanh tra Chính phủ tiếp tục khẳng định điều này” - ông Nghiêm nói. 

Đoàn Vệ Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI