Sài Gòn thành 'đảo nhiệt', cây cũng chết khô

14/08/2019 - 09:41

PNO - Nhiều cây dầu cổ thụ ở công viên Văn Lang (quận 5, TP.HCM) rụng lá rồi chết khô sau khi công viên này được cải tạo, lát gạch toàn bộ diện tích.

Đây là một trong vô số dẫn chứng về tình trạng bê tông hóa ở TP.HCM làm nhiệt độ đô thị nóng lên và mảng xanh ngày càng èo uột.

Những “hòn đảo nhiệt độ” ở nội đô

Trưa nắng, công viên Văn Lang gần như không có bóng người. Những tán cổ thụ từng tỏa rợp bóng mát ở đây bây giờ héo hắt, không ngăn nổi ánh mặt trời chiếu thẳng xuống nền gạch, nóng ran.

“Từ ngày công viên được cải tạo khang trang, tệ nạn hút chích ở đây không còn nhưng công viên cũng không còn bóng mát như trước. Bây giờ, ban đêm, người dân mới đến công viên vui chơi, chứ ban ngày nóng quá, không ai chịu nổi” - một người bán nước giải khát gần công viên bày tỏ.

Sai Gon thanh 'dao nhiet', cay cung chet kho
Cây xanh trên đường phố ngã đổ nhiều một phần do quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ - Ảnh: Hoàng Nhiên

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay có 5 cây dầu cổ thụ ở công viên Văn Lang đã chết khô. Những cây xanh còn lại có dấu hiệu chậm phát triển, tán cây teo tóp dần. 

Một kỹ sư phụ trách lĩnh vực quản lý cây xanh thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, sau khi công viên Văn Lang được cải tạo, lát gạch toàn bộ bề mặt thì xuất hiện tình trạng cây xanh héo úa rồi chết khô. Nguyên nhân là do tình trạng bê tông hóa, gây thiếu nước, khiến cây xanh không thể sinh trưởng bình thường.

Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị, tình trạng bê tông hóa ở TP.HCM đang gây ra hiện tượng “hòn đảo nhiệt độ”. Cụ thể, trong những năm gần đây, TP.HCM có nhiều đợt nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ hơn 400C, thậm chí gần 500C. 

Tiến sĩ Dương Thị Thúy Nga - Trưởng bộ môn tin học môi trường, khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết, hiện tượng đảo nhiệt độ đô thị, hay còn gọi là “hòn đảo nhiệt độ” là khu vực này có nhiệt độ cao hơn các khu vực xung quanh. 

“Qua nghiên cứu, phân tích hình ảnh viễn thám trong một thời gian dài, chúng tôi nhận thấy tháng 3/2019, tại TP.HCM, một số khu vực trung tâm nhiều bê tông có nhiệt độ lên đến 500C, cao hơn hẳn nhiệt độ khu vực xung quanh, nên trở thành “đảo nhiệt”. Đảo nhiệt tác động tiêu cực đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, du lịch, y tế cũng như các dịch vụ công cộng” - tiến sĩ Nga giải thích thêm.

Theo tiến sĩ Nga, nguyên nhân của tình trạng đảo nhiệt tại TP.HCM là sự đô thị hóa nhanh, nhất là các quận, huyện nội thành. Ở khu vực trung tâm thành phố, nơi có mức độ đô thị hóa cao, luôn có nhiệt độ cao hơn khu vực ngoại ô. 

Sai Gon thanh 'dao nhiet', cay cung chet kho
Nhiều cây dầu cổ thụ ở công viên Văn Lang chết khô do bê tông hóa. Ảnh chụp trưa ngày 13/8 - Ảnh: Hoàng Nhiên

“Một trong những giải pháp đối với vấn đề đảo nhiệt là xây dựng hệ thống giám sát nhiệt độ bề mặt, tích hợp quản lý dữ liệu, phân tích thông tin nhiệt độ đô thị tại thành phố. Khi có dữ liệu, các cơ quan chức năng và cả người dân có thể theo dõi, giám sát sự thay đổi nhiệt độ bề mặt toàn thành phố, từ đó đưa ra những quyết định kịp thời, phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường mảng xanh, bảo vệ môi trường” - tiến sĩ Nga đề xuất.

Cây xanh vừa thiếu, vừa yếu

Ở nội đô TP.HCM, nền nhiệt ngày càng tăng cao trong khi tỷ lệ cây xanh trên đầu người quá thấp. 

“Theo đề án quy hoạch công viên cây xanh TP.HCM, đến năm 2010, tỷ lệ cây xanh trên đầu người phải đạt từ 6-7m2/người (không kể cây xanh đường phố, cây xanh cách ly khu công nghiệp, cây xanh khuôn viên nhà ở). Nhưng đến nay, tỷ lệ cây xanh trên đầu người chưa tới 1m2. Đó là tỷ lệ chung của toàn thành phố; riêng ở nội thành, tỷ lệ còn thấp hơn” - một kỹ sư tham gia thực hiện đề án quy hoạch cây xanh, cho hay.

Theo Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh, hiện nay cây xanh ở TP.HCM do nhiều đơn vị quản lý, riêng công ty này đang quản lý, chăm sóc hơn 101.900 cây xanh. 

Chậm quy hoạch cây xanh vì chờ quy hoạch chung

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về lý do quy hoạch cây xanh của TP.HCM đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được UBND TP.HCM phê duyệt, một vị nguyên phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phụ trách lĩnh vực cây xanh giải thích: đồ án quy hoạch công viên cây xanh TP.HCM đến năm 2010 đã được UBND TP.HCM phê duyệt để thực hiện công tác nghiên cứu quy hoạch. 

Nhưng đến nay, quy hoạch cây xanh chưa được duyệt là do chờ quy hoạch điều chỉnh chung của thành phố.

Hiện thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên các đồ án quy hoạch chuyên ngành như cây xanh, giao thông thủy… phải tạm gián đoạn để điều chỉnh theo. 

Việc này là hoàn toàn hợp lý, tránh được các sai lầm trước đây là “ngành nào cũng muốn có quy hoạch riêng, nhưng khi gắn kết lại thì không phù hợp với quy hoạch chung của thành phố”.

Những năm gần đây, do diễn biến bất thường của thời tiết như mưa giông, lốc xoáy, tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài gia tăng đã tác động rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức chống chịu của cây xanh. 

Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gãy, đổ cây xanh ngày càng phổ biến. Ngoài ra, mật độ xây dựng đô thị, nhất là những tòa nhà cao tầng ngày càng nhiều đã làm thay đổi hướng gió gây nên hiệu ứng đường hầm dưới lòng đất, cũng làm cho cây xanh dễ ngã đổ.

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp - chuyên gia về lĩnh vực cây xanh đô thị - cho rằng, với quỹ đất hiện nay, việc phát triển mảng xanh ở nội thành rất khó khăn, trong khi tình trạng bê tông hóa, xâm hại cây xanh lại quá nhiều khiến cây xanh ở nội thành vừa thiếu lại vừa yếu. 

“Tỷ lệ cây xanh ngã đổ hằng năm quá cao, nhất là những năm thành phố chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Cụ thể, từ năm 2016 đến 2018, đã có hơn 1.000 cây xanh ngã đổ, đó là chưa tính hàng trăm trường hợp cây gãy nhánh” - tiến sĩ Diệp 
dẫn chứng.

Theo tiến sĩ Diệp, cây ngã đổ nhiều là do quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều vỉa hè luôn bị đào xới làm cho hệ thống rễ của nhiều loài cây bị xâm hại. Hệ rễ của một số loài cây phát triển kém trong điều kiện đất đai ở đô thị hoặc do kỹ thuật trồng chưa đúng. Một số cây xanh đã già cỗi, hệ thống rễ bị hư mục nhưng không phát hiện được bằng mắt thường… 

“Để hạn chế tình trạng cây ngã đổ, TP.HCM cần trồng những loại cây phù hợp hơn. Xu hướng trên thế giới hiện nay là chọn loài cây trồng đô thị không quá cao, do đó, nên chọn những loài có chiều cao không quá 15m, thân thẳng tự nhiên, gỗ không giòn, cành dẻo dai, có sức chống chịu tốt, hệ rễ khỏe, cành nhánh chịu được gió mạnh” - tiến sĩ Diệp chia sẻ. 

Có thể học theo mô hình “mái nhà xanh”

Thạc sĩ Phạm Trần Hải - Phó trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới rất chú trọng giải quyết hiện tượng đảo nhiệt đô thị. 

Đơn cử, Singapore xây dựng thành phố trong vườn, hướng đến thiên nhiên bằng các giải pháp tăng cường công viên và không gian mở, tăng cường cây xanh dọc đường, giảm bề mặt bê tông ở đô thị.

“Từ tháng 10/2009, Singapore thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính cho việc tăng cường mái xanh và tường xanh, hỗ trợ 50% chi phí đầu tư, tối đa 75 đô la Singapore/m2 mái xanh và 750 đô la Singapore/m2 tường xanh. Sau 10 năm thực hiện, Singapore đã trở thành một quốc gia xanh, quốc gia của những vườn cây xanh và hồ nước. 

Tại Hàn Quốc, thành phố Seoul cũng đang thực hiện mô hình "mái nhà xanh", tức trồng cây xanh trên mái các tòa nhà cao tầng để tăng độ phủ xanh, từ đó hình thành nên các vườn rau, hoa quả của các hộ gia đình, trung tâm nghiên cứu” - ông Hải cho biết thêm.

Theo ông Hải, TP.HCM có thể áp dụng mô hình "mái nhà xanh" để góp phần giải quyết tình trạng đảo nhiệt đô thị: “TP.HCM có lượng mưa trung bình hằng năm gần 2.000mm, số ngày mưa trung bình hằng năm hơn 150 ngày, nên việc thực hiện mô hình "mái nhà xanh" sẽ tận dụng được nguồn nước mưa, giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị, góp phần chống ngập và tăng cường nguồn nước ngầm cho thành phố”.

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI