Sài Gòn nắng đuổi, ai nấy thi nhau chạy

20/02/2019 - 06:53

PNO - Sài Gòn vừa dịu dàng đi qua mùa tết đã lập tức nắng nóng kinh khủng. Người người oằn mình vật vã, mệt nhoài trong mức nhiệt 35-36oC kéo dài từ 9g-17g. Giữa tiết trời đổ lửa, hỏa hoạn như chực chờ ập đến.

Lả người dưới nắng nóng

Người người quẫy đạp giữa tứ bề nắng nóng: nắng rọi thẳng xuống đỉnh đầu, hơi nóng hắt lên từ mặt đường, những tòa nhà bê tông phủ thêm mặt kính cũng góp phần tỏa nhiệt. “Ra đường” trở thành việc bất đắc dĩ của người dân.

Đối phó với tiết trời khắc nghiệt này, đủ kiểu chống nắng được người dân áp dụng: khẩu trang kín mít, mũ rộng vành lót thêm trong mũ bảo hiểm, bẻ nhánh cây che đầu, khăn quấn cổ nhiều lớp… Một bóng râm ngoài đường, dù nhỏ, đều được tận dụng hết cỡ.

Sai Gon nang duoi, ai nay thi nhau chay
Làm việc giữa trời nắng nóng, công nhân nào cũng tranh thủ tìm chút bóng râm

Đi đứng đã mệt nhoài, mưu sinh ngoài trời càng vật vã. 16g ngày 18/2, nắng còn rọi thẳng vô mặt, chị Loan thu mình, ngồi vừa vặn trong khoảng râm nhỏ xíu là bóng xe hàng nước của chị. Hơn 5 giờ mà không một vị khách ghé mua. Chị thở dài: “Trời nóng, ai cũng nghĩ hàng giải khát sẽ đắt như tôm tươi, nhưng không phải đâu”. Dù đã cố tình vi phạm, đẩy xe hàng ra ngay mép lề đường Võ Văn Kiệt (thuộc Q.8) để đón đầu khách qua lại nhưng không ngờ, khách lại ít ghé mua. “Nắng đuổi, ai nấy thi nhau chạy” - chị lắc đầu.

Thường, lúc đứng bóng giữa trưa, chị mệt nhoài mang ghế nhựa vào gốc cây cách đó mấy mét ngồi nghỉ. Xe cộ trốn nắng đuổi nhau như bay, vài khách quá khát mới dừng lại mua nước. Chị ngồi nơi gốc cây, mừng rơn khi thấy có chiếc xe dừng lại nên lật đật rời chỗ ngồi, nhưng vừa chạy đến hỏi mua gì thì khách… rồ ga chạy. “Họ thà nhịn khát chứ không thể chịu thêm vài giây nóng nung để chờ” - chị tủi thân.

Sai Gon nang duoi, ai nay thi nhau chay
Đối phó với nắng nóng, công nhân nào cũng che kín mặt

Là “dân công trình”, anh Lê Hải Hồ vẫn chưa quen với nắng nóng kiểu này. 11g30, lưng áo ướt nhẹp, anh lắc đầu rủ đồng nghiệp: “Nghỉ thôi”. Gỡ chiếc khẩu trang đẫm mồ hôi, anh cùng nhiều người ngồi phịch dưới bóng râm một bức tường ngay tại công trình ở Q.2, lừ đừ mở hộp cơm ra ăn. Trời càng gió, hơi nóng càng được dịp hắt ra từ bức tường và khối thép kế bên. Anh Hồ nhăn mặt: “Bình thường, bọn tui nấn ná làm thêm đến 12g mới nghỉ, nhưng mấy hôm nay, cứ 11g là người rã rời, kiệt sức”.

Mưu sinh giữa cái nắng chói gắt, oi bức nhọc nhằn, nhưng người mưu sinh ban đêm cũng không ngoại lệ. Bà Hằng - chủ một điểm kinh doanh hoa tươi ở chợ hoa Đầm Sen (Q.11) mấy chục năm qua sinh hoạt kiểu ngày ngủ, đêm thức theo công việc buôn bán. Để thuận tiện, ban ngày, bà thường trải ghế bố nằm ngủ ngay vựa hoa của mình. Mấy hôm nay, nóng hầm hập, bà gắn hai chiếc quạt hơi nước ngay chỗ nằm mà vẫn không thể ngủ yên. Giấc ngủ cứ chập chờn, mồ hôi đổ đầy lưng gây khó chịu, bức bối.

Sai Gon nang duoi, ai nay thi nhau chay
Mưu sinh giữa nắng nóng, chị Loan tranh thủ núp dưới bóng râm là bóng chiếc xe hàng của mình

Chiều thức dậy để làm việc, bà mệt nhoài, uể oải: “Tui ngồi im một chỗ, chỉ tay năm ngón. Xe hàng từ Lâm Đồng xuống, tui nhờ chuyển vô tận nơi, ai mua hoa thì tui kêu lựa đi rồi mang giùm tiền vào cho mình. Khách hàng  bực mình lắm nhưng người đừ rồi, nên không muốn cử động”.

Cũng như các tiểu thương ở đây, để duy trì bạn hàng, bà Hằng chấp nhận nắng nóng là mùa lỗ hoặc hòa vốn do hoa cằn hơn, khô hơn, tàn nhanh hơn. “Người cũng rộc đi, nói gì hoa” - bà thở dài.

Sai Gon nang duoi, ai nay thi nhau chay
Người đi đường chịu trận dưới nắng như đổ lửa. 

Người làm việc trong các tòa cao ốc cũng bị nắng nóng hành hạ. Chị Tạ Bình (Q.2) chia sẻ: “Máy lạnh được bật ở nhiệt độ nhỏ nhất có thể, nhưng hễ bước ra khỏi phòng là bức bối, bỏng rát”. Mặc dù được bảo vệ khỏi nắng gắt bằng lớp kính của tòa nhà, nhưng chỗ ngồi của chị Bình vẫn bị nắng rọi xuyên kính. Chị Bình cùng đồng nghiệp phải ứng phó với tiết trời nắng nóng bằng cách chắn kín chỗ ngồi, nán lại công ty đến gần 18g mới ra về.

Vừa rời quê ở TP.Đà Lạt trở lại Sài Gòn làm việc, gặp ngay nắng nóng, chị Bình đổ bệnh. Cậu con trai 5 tuổi của chị về thành phố cùng mẹ mới hai ngày, đã được bà ngoại xuống đón về chờ cho qua mùa nắng. Không riêng chị Bình, sau đợt nghỉ tết, người người trở lại thành phố từ những miền quê có tiết xuân mát lạnh, đã hứng ngay đợt nắng nóng gay gắt, cơ thể bị sốc nhiệt, mất nước, suy nhược. Con số người nhập viện theo đó cũng tăng cao.

Sai Gon nang duoi, ai nay thi nhau chay
Hứng chịu cái nắng đổ lửa, người dân chỉ biết... chạy trốn

Chủ quan với hỏa hoạn

9g ngày 19/2, chợ Tân Bình nhộn nhịp bởi sự ra quân tuyên truyền của lực lượng dân phòng và ban quản lý chợ. “Cẩn thận hỏa hoạn” - đi đến đâu, các cán bộ đều hô to, yêu cầu tiểu thương tém gọn hàng hóa, đề phòng cháy, nổ. Nhưng, nhóm này vừa đi, các tiểu thương lại tiếp tục đổ bát nháo hàng hóa lấn chiếm lòng lề đường, chưng treo áo quần lủng lẳng che khuất tầm nhìn người đi đường.

Phớt lờ lời nhắc nhở của lực lượng quản lý, nhiều tiểu thương còn thắp hương cầu mua may bán đắt. Tại một quầy bán vải, quần áo, ai đi ngang cũng nhắc chủ quầy vén tấm vải đang sà ngay xuống bàn thờ ông địa, tránh hỏa hoạn nhưng chị này vẫn làm ngơ.

Sai Gon nang duoi, ai nay thi nhau chay
Một tiểu thương đốt vàng mã bên cạnh mớ hàng hóa treo lủng lẳng xung quanh khiến nhiều người lo ngại

Bà Trần Thị B. - chủ một căn nhà trong khu chợ này - ngao ngán: “Hầu hết tiểu thương chỉ lo trang bị hệ thống làm mát cho bản thân chứ ít để ý đến hiểm họa, nhất là cháy nổ”. Nhà bà B. nằm ngay góc ngã ba nối đường Lê Minh Xuân với một con hẻm giữa chợ Tân Bình. Hai mặt tiền bà cho thuê bán quần áo. Ngoài mặt bằng, người thuê còn tận dụng khoảng hiên nhỏ để bày biện, treo áo quần lủng lẳng vươn ra lối đi lại. “Trời hầm hập, nhỡ bắt lửa thì người cũng khó mà thoát” - bà B. bất an.

Dạo một vòng các chợ, dưới cái nóng hầm hập của mái tôn, dễ dàng chứng kiến cảnh hàng hóa dễ cháy được bày biện bát nháo. Thế nhưng, tình trạng đốt hương, hóa vàng mã đầu năm vẫn vô tư tiếp diễn giữa trưa nắng gắt. 10g30 ngày 19/2, ngay góc chợ Kim Biên (Q.6), bà D. - một tiểu thương buôn bán hàng mã, nhang nến - sau khi cúng thần tài, đã đem vàng mã ra đốt trước cửa tiệm.

Nhìn ngọn lửa bùng to trước mớ hàng dễ cháy bày biện ngổn ngang, ai đi ngang cũng đều lo ngại. Cách đó không xa, một người đàn ông sau khi đóng quần áo vào một bao tải cũng vô tư ngồi bật lửa đốt thuốc. Đi thêm vài bước là những quầy hàng hóa chất bày ngổn ngang giữa đường…

Sự chủ quan, tắc trách kiểu này đã từng gây ra những vụ hỏa hoạn đau lòng với nhiều thiệt hại về người và của.

Từ ngày 21/2, nhiệt độ TP.HCM có thể lên đến 360C

Thạc sĩ Lê Đình Quyết - Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ - cho biết, TP.HCM đang phải chịu đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình từ 35-360C. Ngày 20/1, nhiệt độ sẽ tiếp tục ở mức 34-350C. Từ ngày 21/2, Nam bộ sẽ đón một đợt nắng nóng mới với nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 36oC.  Thậm chí, từ tháng Ba đến tháng Năm, các tỉnh Nam bộ có thể sẽ phải hứng chịu các đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lên đến 37-380C và có thể cao hơn. Bên cạnh nắng nóng, chỉ số tia UV (cực tím) duy trì ở mức cao, từ 8-10 (cao nhất là 12), gây hại cho da và mắt. Tia UV đạt chỉ số cao nhất trong khung thời gian buổi trưa. Nếu để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, có thể bị phỏng, thậm chí ung thư da.

Tuyết Dân
Ảnh: Phùng Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI