Ra nước ngoài làm việc: Đừng tin vào 'bánh vẽ'!

10/07/2017 - 15:57

PNO - Dù được cảnh báo nhiều về hệ lụy của xuất khẩu lao động bất hợp pháp, nhưng làn sóng xuất khẩu lao động “chui” vẫn chưa có dấu hiệu tạm lắng, vì sao?...

Phóng viên báo Phụ Nữ đã trao đổi với bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) về vấn đề này.

- Thưa bà, vì sao nhiều lao động vẫn chọn con đường đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) “chui”?

- Bà Trần Thị Vân Hà: Tại Việt Nam, vẫn còn tình trạng lao động xuất khẩu “chui” ở nhiều thị trường như Nga, Đài Loan, Anh… Họ đi theo đường dây đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động trái phép hoặc thông qua các tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ. Bọn lừa đảo thường nhắm đến đối tượng là những người khó khăn, trình độ học vấn thấp và là người cùng địa phương để lợi dụng lòng tin.

Ra nuoc ngoai lam viec: Dung tin vao 'banh ve'!
Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH)

Tâm lý chung của lao động nghèo là muốn đi các thị trường kiếm được nhiều tiền, đi nhanh nhưng chi phí rẻ, việc đơn giản,  đặc biệt hình thức đi tự do thủ tục nhanh gọn hơn rất nhiều so với XKLĐ theo con đường chính thống. Vì thế họ dễ  tin vào chiếc “bánh vẽ”. Thế nhưng, khi sang nước bạn họ mới vỡ mộng vì thực tế hoàn toàn khác xa với những gì được hứa. 

Đã có nhiều lao động gặp rủi ro, thậm chí bỏ mạng ở xứ người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là do người lao động không biết tiếp cận với các nguồn tin chính thống về XKLĐ hợp pháp. Khi có những phát sinh ở nước ngoài, người lao động chịu nhiều thiệt thòi, phải sống chui lủi, trốn tránh pháp luật, không được ký hợp đồng lao động, không có các chế độ bảo hiểm… 

- Thời gian qua, Cục đã có biện pháp gì chấn chỉnh tình trạng bát nháo đưa người đi nước ngoài làm việc bất hợp pháp?

- Bà Trần Thị Vân Hà: Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh và xử lý các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động XKLĐ nhưng vẫn tuyển chọn trái phép người lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Ra nuoc ngoai lam viec: Dung tin vao 'banh ve'!
Người thân đau buồn khi đưa tiễn lao động Việt Nam tử vong khi đi "chui" sang Đài Loan về nơi an nghỉ cuối cùng.

Bên cạnh cảnh báo người lao động không đi theo con đường không chính thống, Bộ đã làm rất nghiêm việc thanh tra xử phạt các doanh nghiệp XKLĐ. Chưa năm nào Bộ chấn chỉnh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ quyết liệt như thời gian qua.

Từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH và Cục Quản lý lao động ngoài nước thanh kiểm tra tại 39 doanh nghiệp, ban hành 292 kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp thực hiện khắc phục sai phạm, ban hành 21 quyết định, xử phạt hành chính hơn 2,6 tỷ đồng. Chỉ trong quý I/2017, Thanh tra Bộ xử phạt 5 đơn vị. 

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã ban hành những quy định khắt khe về số văn phòng đại diện của một doanh nghiệp tại các địa phương để tuyển chọn lao động; đồng thời đưa ra tiêu chí cụ thể lựa chọn, từ kiến thức đến sức khỏe của người lao động để đảm bảo hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài diễn ra minh bạch. Cục cũng sẽ công khai những đơn vị được phép tuyển lao động đi XKLĐ, số điện thoại hỗ trợ người lao động...

- Theo bà, cần làm gì để giúp người lao động tránh “sập bẫy” lừa XKLĐ? 

- Bà Trần Thị Vân Hà:  Các cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền sâu rộng về lĩnh vực  XKLĐ, nhất là các thông tin về thị trường, điều kiện làm việc, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương, chi phí, các thủ đoạn của bọn cò mồi, môi giới, lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ. 

Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa địa phương và doanh nghiệp trong khâu tuyển chọn nhằm hạn chế các hiện tượng cò mồi, môi giới bất hợp pháp. Các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp XKLĐ; phối hợp với các cơ quan công an trong quá trình phát hiện, điều tra các vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực XKLĐ, đặc biệt là xử lý nghiêm đối với những đối tượng lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước để lừa đảo… 

Khi có nhu cầu  XKLĐ, người lao động cần liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc sở LĐ-TB-XH địa phương, thông qua ban chỉ đạo XKLĐ địa phương và các công ty có chức năng XKLĐ, không đi qua môi giới, cò mồi… Khi có nhu cầu đi XKLĐ, người lao động cần vào trang web của Cục (www.dolab.gov.vn) để tìm hiểu thêm thông tin. 

Quỳnh Mai (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI