Quản lý Văn hóa, Bộ luôn sốt sắng chạy theo dư luận vậy sao?

26/04/2019 - 05:50

PNO - Kể ra để thấy, ai đó nói, Bộ VH-TT-DL chậm chạp… là không đúng. Chẳng qua, bộ có muốn vào cuộc, có thấy mình cần phải vào cuộc hay không mà thôi. Bộ mà “vào” thì cấp dưới nào dám không tuân.

Ngày 23/4, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng lúc phát đi hai văn bản, trước việc di sản “kêu cứu”: cho phép thăm dò, khai quật khu di tích khảo cổ Vườn Chuối ở Hà Nội và kiểm tra gấp việc bảo quản bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - sự việc đang gây xôn xao dư luận suốt tuần qua. Chuyện sẽ rất bình thường, nếu động thái của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước hai sự vụ không khác nhau đến thế.

Quan ly Van hoa, Bo luon sot sang chay theo du luan vay sao?
Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí trước (trái) và sau (phải) khi BỊ phục chế

Xin không đặt vấn đề nặng - nhẹ, bên trọng - bên khinh vì rõ ràng, dù đó là một bảo vật quốc gia hay một di chỉ khảo cổ, đều là di sản văn hóa quan trọng của đất nước; nếu gặp vấn đề hoặc sự cố, đều đáng và cần được quan tâm, giải quyết. Khi di sản kêu cứu mà cấp thấp, ở đây là Cục Di sản văn hóa, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa các tỉnh, thành... “vờ” không nghe, theo lẽ, phải kêu lên cấp cao hơn. Xét theo chức phận, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đương nhiên phải ra tay, thể hiện sức nặng của cơ quan đầu não. Thế nhưng, cách phản ứng của bộ trước hàng loạt sự vụ văn hóa lại khiến nhiều người cảm thấy thiếu thuyết phục.

Có những vụ, bộ tỏ ra “nhạy” quá mức; trong khi những vụ khác, ví như câu chuyện Vườn Chuối, lại chậm một cách khó hiểu, dù ai cũng nhìn ra vai trò đặc biệt quan trọng của di chỉ khảo cổ 3.000 năm tuổi này, trong việc tìm hiểu nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử; nhất là, tầm quan trọng của nó đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khảo cổ… khẳng định và lên tiếng kêu gọi bảo vệ khẩn cấp. Thế nhưng, kể từ khi được phát hiện vào năm 1969, đến nay đã nửa thế kỷ, không biết qua bao nhiêu đời bộ trưởng, không biết bao nhiêu hội thảo với tọa đàm, trải qua 8 lần khai quật, người dân và các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ vẫn kêu cứu cho di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Quan ly Van hoa, Bo luon sot sang chay theo du luan vay sao?
Di chỉ Vườn Chuối có 3.000 năm tuổi đang được khai quật khảo cổ và đã bị san lấp một phần diện tích

Hơn một tháng nay, đứng trước nguy cơ Vườn Chuối bị xóa sổ, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - người có “thâm niên kêu cứu” cho Vườn Chuối đã liên tục kêu cứu trên trang Facebook cá nhân, cảnh báo về những thứ một khi đã mất, sẽ không bao giờ có thể tìm lại được. Thế mới thấy, công cuộc kêu cứu cho văn hóa của một nhà nghiên cứu gian nan thế nào; trong khi lẽ ra, đây là việc của ngành văn hóa, trách nhiệm của những người nắm trong tay cái dấu triện đỏ đầy uy lực của ngành.

Nếu chịu khó tìm kiếm trên Google cụm từ “Bộ VH-TT-DL vào cuộc/đề nghị/xác minh/yêu cầu…”, dễ dàng thấy, bộ đã vào cuộc rất nhanh trong vụ “thỉnh vong giải nghiệp ở chùa Ba Vàng”, “quản lý chặt doanh nghiệp lữ hành quốc tế” sau vụ đánh bom ở Ai Cập, “yêu cầu xác minh hình ảnh người mẫu mặc bikini phản cảm trên chuyến bay chở U23 Việt Nam”... thậm chí có cả việc bộ ra văn bản “yêu cầu cán bộ tập thể dục giữa giờ”. Vụ cô ca sĩ Ariana Grande hủy show cũng khiến bộ phải vất vả vào cuộc… Ngay cả tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, mới ồn ào mấy ngày, Bộ VH-TT-DL đã phải tất tả ra công văn chỉ đạo gấp. Phải chăng Bộ VH-TT-DL sợ dư luận ồn ào hơn sợ ngành văn hóa bỏ quên những thứ mang tính bền vững của ngành mình, mà di sản Vườn Chuối là một ví dụ?

Kể ra để thấy, ai đó nói, Bộ VH-TT-DL chậm chạp… là không đúng. Chẳng qua, bộ có muốn vào cuộc, có thấy mình cần phải vào cuộc hay không mà thôi. Bộ mà “vào” thì cấp dưới nào dám không tuân. Và chuyện Vườn Chuối, nếu không được chú ý, có thể nay mai sẽ biến thành chuyện di chỉ khảo cổ học từ thời Hùng Vương (Phú Thọ) thứ hai, dù đã được khai quật, cuối cùng lại không giữ được đến ngày nay. Hay như chuyện, một chiếc cầu bê tông cốt thép được xây xuyên lõi di sản Tràng An suốt gần 1 năm trời mà không ai biết (?!); đến khi phát hiện thì mọi sự đã rồi. Lúc đó, Bộ VH-TT-DL chỉ còn có thể làm một việc mang tính hành chính thủ tục, cho đúng lệ: ra công văn chỉ đạo xử lý nghiêm!

Không thể phủ nhận vai trò và đóng góp của ngành văn hóa trong những năm qua. Nhưng với những tiềm năng văn hóa sẵn có, trong vai trò đầu tàu, quản lý và điều tiết hoạt động văn hóa, Bộ VH-TT-DL lẽ ra phải chủ động và phát huy nhiều hơn nữa những thế mạnh văn hóa. Song, những sự việc đã xảy ra chỉ thể hiện một điều: dường như, Bộ VH-TT-DL của chúng ta đang đi theo một quy trình… ngược. Nghĩa là, hoạt động văn hóa có… chuyện, mới vất vả đi giải quyết.

Thế nhưng, có phải cái gì có chuyện, bộ cũng vào cuộc ngay lập tức? Không phải tự nhiên mà năm ngoái, gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri Đà Nẵng và một số người cho rằng, thời gian qua, Bộ VH-TT-DL chỉ tập trung vào các cuộc thi người đẹp, tổ chức các lễ hội, xây dựng các đền thờ, chùa chiền… mà chưa quan tâm đến đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư cũng như chủ động trong việc quản lý, phát huy giá trị văn hóa theo hướng bền vững. Di chỉ Vườn Chuối và 50 năm kêu cứu chỉ là một trong nhiều ví dụ đau lòng và xót xa của câu chuyện quản lý văn hóa đang phô bày trước mắt công chúng.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI