Quản lý thực phẩm tại TP.HCM vẫn đang… mất an toàn

24/05/2017 - 10:30

PNO - Ngày 23/5, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) từ gốc trên địa bàn thời gian qua.

Bế tắc trong truy trách nhiệm “khâu trung gian”

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM - cho biết, dù đã chuyển giao chức năng cho Ban Quản lý ATTP TP.HCM, nhưng hiện một số hồ sơ đã nhận trước đó vẫn còn đang trong quá trình thẩm định của sở, gây không ít chuyện “dở khóc, dở cười”.

Quan ly thuc pham tai TP.HCM van dang… mat an toan
Thực phẩm bày bán tại các chợ ở TP.HCM.

“Có doanh nghiệp xin đăng ký sản xuất kem chuối, sau khi tiếp nhận hồ sơ, đi thực tế thẩm định, chúng tôi thấy nguyên liệu sản xuất của họ chỉ là chuối và dừa. Đây lại là những mặt hàng thuộc ngành nông nghiệp quản lý. Chúng tôi có phối hợp với ngành nông nghiệp làm văn bản trả lời doanh nghiệp, nhưng cũng phải giải quyết cho họ vì theo quy định thì cứ kem là thuộc trách nhiệm của Sở Công thương. Rõ ràng còn nhiều bất cập, nhiều cái khó” - ông Phương nói.

Theo ông Phương, cái khó đầu tiên là về nhân lực. Khi xây dựng đề án tổ chức phòng Quản lý an toàn thực phẩm, sở đề xuất khoảng 30 nhân sự, nhưng cuối cùng chỉ nhận được bảy người, trong đó bộ phận quản lý thương mại có năm nhân sự vừa phải tiếp nhận hồ sơ, đi thẩm định, vừa kiểm tra, xử lý các vấn đề phát sinh về ATTP cho toàn thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Phương, dù có tăng cường nhân lực, tăng cường kiểm tra chặt chẽ mà không nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, phân phối thì rất khó để kiểm soát.

Ông dẫn chứng vụ việc xảy ra tại Công ty Vissan: “Sau khi phát hiện 40 con heo nhiễm chất tạo nạc, tất cả các cơ quan quản lý, kể cả công an cùng vào cuộc nhưng không thể nào truy ra được ai là người vi phạm, đơn vị nào, cá nhân nào, tổ chức nào cung cấp những con heo đó”.

Cũng theo ông Phương, việc sản xuất, nuôi trồng trong nông nghiệp hiện còn nhỏ lẻ, nên khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đang phải qua quá nhiều khâu trung gian, thương lái. Đây lại là những người không đăng ký kinh doanh, không chịu trách nhiệm bất cứ vấn đề gì. Do đó, cần tăng trách nhiệm của họ lên, bằng cách thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ khi sản xuất, qua các khâu trung gian, tới các kênh phân phối. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ truy ra được trách nhiệm của từng khâu. 

Tại TP.HCM, nếu kiểm soát được ba chợ đầu mối nông sản là có thể kiểm soát được 80% thực phẩm của cả thành phố. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, để có thể xử lý nghiêm các vi phạm là rất khó. 

Doanh nhiệp chân chính lại… bất an

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - góp ý từ góc độ người sản xuất, chế biến. Hiện nay, các cơ sở sản xuất có uy tín, có thương hiệu lại được kiểm tra ATTP rất thường xuyên, có đơn vị “được” kiểm tra năm-sáu lần/năm. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ lẻ lại ít bị kiểm tra. Nhiều trường hợp khó định danh hành vi vi phạm ATTP vì cần các xét nghiệm, kiểm nghiệm thì nhân sự, phương tiện đều thiếu.

Đánh giá về thực trạng, ông Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM - cho rằng, chuỗi thực phẩm của chúng ta phức tạp như ma trận. “Sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, lưu thông, kinh doanh thực phẩm là những khâu liên hoàn, kết nối với nhau một cách đa dạng, tạo nên một phức hợp “từ nông trại đến bàn ăn” rất khó quản lý.

Phức hợp này chủ yếu vẫn đang diễn ra trên nền sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nên càng khó quản lý hơn. Bất kỳ khâu nào trong chuỗi thực phẩm không đảm bảo an toàn đều có nguy cơ dẫn đến không an toàn đối với thực phẩm mà người dân sử dụng” - ông Giang nói.

Theo ông, nhà sản xuất, kinh doanh chân chính có thể quản lý tốt quy trình của mình, nhưng khi nguồn nguyên liệu đầu vào không bảo đảm an toàn thì sản phẩm đầu ra cũng không thể an toàn được. Họ luôn hoạt động trong tâm trạng lo sợ, bất an với ngay chính sản phẩm của mình. 

Trong khi đó, kẻ sản xuất, kinh doanh thiếu lương tâm lại lợi dụng sự phức tạp, khó kiểm soát này để sử dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Do đó, kiểm soát nguyên liệu đầu vào từ gốc có vai trò cực kỳ quan trọng để có được thực phẩm đầu ra an toàn.

Lỗ hổng pháp luật đối với phụ gia thực phẩm

Cũng theo ông Giang, người tiêu dùng đã có nhiều khả năng hơn để đánh giá mức độ vệ sinh của thực phẩm nên đó không còn là bức xúc của người dân nữa. “Bức xúc hiện nay là an toàn, do trong thực phẩm có những chất độc hại mà người dân hầu như không có khả năng nhận biết để quyết định việc chọn lựa thực phẩm của mình” - ông Giang khẳng định.

Những chất độc hại có thể xâm nhập vào thực phẩm từ đất, nguồn nước… hoặc do con người bỏ vào. Do đó, để bảo đảm ATTP hiện nay, chủ yếu phải kiểm soát được việc sử dụng hóa chất phụ gia dùng trong thực phẩm. Đó là đối tượng chính của việc kiểm soát thực phẩm từ gốc. Nhưng việc kiểm soát này lại chưa được pháp luật hiện hành quy định.

Để giải quyết “ma trận” thực phẩm hiện nay, ông Giang đưa ra ý kiến phải tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành. Theo ông, thanh tra vẫn còn làm theo chiến dịch, khi hết chiến dịch thì nghỉ khỏe, trong khi “ma trận” vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. 
Với những cái khó, cái hổng mà chính cơ quan chức năng, các chuyên gia đã phân tích, kiến nghị, có thể thấy: vấn đề quản lý thực phẩm đang… thiếu an toàn. 

“Chúng tôi đề xuất phải thay đổi lại quy chế sao cho những hàng hóa không rõ nguồn gốc, không hóa đơn, chứng từ rõ ràng thì tuyệt đối không được vào chợ đầu mối. Những nhà cung cấp nào vi phạm thì cấm không cho hàng vào chợ nữa. Phải có những chế tài cứng rắn, quyết liệt như vậy, may ra mới chặn được vi phạm và nâng trách nhiệm của các đối tượng tham gia quy trình sản xuất, phân phối thực phẩm” 

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM 

“Thanh tra phải chuyên trách, chuyên nghiệp, thậm chí chuyên quyền để có thể giám sát, kiểm tra, xử lý. Song song đó, khi đã có lực lượng chuyên quyền thì lại dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực. Nên cũng phải xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ lực lượng này”.

Ông Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI