Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM: Không quy trách nhiệm về một mối, hiệu quả sẽ 'lửng lơ'

05/07/2017 - 12:46

PNO - Hôm nay (ngày 5/7), Thường trực HĐND TP.HCM sẽ có báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP hai năm 2015 và 2016.

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối, UBND TP quyết định thành lập Ban Quản lý ATTP vào đầu tháng 3/2017, thực hiện thí điểm ba năm. Trả lời phỏng vấn báo Phụ Nữ tại phiên khai mạc ngày 4/7, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP nói: "Từ khi manh nha thành lập ban, chúng tôi đã dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sáp nhập, phối hợp, luôn có va chạm về thủ tục hành chính, cơ sở vật chất, thủ tục bàn giao chậm…

Vấn đề nhân sự cũng vậy. Ngoài lương bổng, chế độ chính sách, thì đâu phải ai cũng có chuyên môn để đùng một cái là đi thanh tra được. Họ cần phải được đào tạo, huấn luyện…"

Quan ly an toan thuc pham TP.HCM: Khong quy trach nhiem ve mot moi, hieu qua  se 'lung lo'
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP.

- Ban sẽ có những bước đi nào mang tính vững bền, vượt qua khó khăn, để đáp ứng kỳ vọng của cử tri như lời hứa “sau ba năm tình hình ATTP sẽ thay đổi”?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tổng hợp để có được các đánh giá phù hợp và có đề xuất dựa trên những đánh giá đó, và  đưa ra kết quả mang tính định lượng phản ánh gần đúng tình hình ATTP. Vì nếu chỉ hăng hái xử phạt mà người dân thì mãi hoang mang không biết thực phẩm sạch ở đâu.

Ví dụ, chúng tôi sẽ căn cứ thêm tỷ lệ thực phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, bảo đảm được chuẩn và tăng tỷ lệ sử dụng thực phẩm sạch. Nếu như thực phẩm sạch được tiêu thụ nhiều hơn trên thị trường, đồng nghĩa thực phẩm bẩn cũng phần nào lùi đi. Đó cũng là một tiêu chí để đánh giá.

- Người dân vẫn muốn biết cụ thể ban đã làm được gì, thưa bà?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chính phủ đã thống nhất chức năng của ban là thanh tra chuyên ngành. Chúng tôi đã thành lập 12 đội quản lý ATTP trực thuộc phòng thanh tra của ban. Trong đó, có tám đội liên quận ở 24 quận huyện, ba đội thường trực ở ba chợ đầu mối và một đội thường trực cơ động ngay tại ban để có chuyện là đi xử lý ngay.

Các đội thường trực ở địa phương có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng tại chỗ của quận huyện như phòng y tế, trung tâm y tế… để lên kế hoạch thanh kiểm tra, xử phạt trên địa bàn và làm cả nhiệm vụ kiểm dịch ra ngoại tỉnh. Dự kiến ngày 14/7 tới, chúng tôi sẽ họp giao ban với quận huyện về cơ chế phối hợp đối với các đội.

Trước đây các sở ngành trong ban chỉ đạo liên ngành ATTP đã hết sức cố gắng, nhưng thủ tục hành chính của chúng ta quá nhiêu khê. Mô hình này sẽ quy trách nhiệm về một mối. Có như vậy mới hy vọng mang lại hiệu quả rõ rệt.

Về biện pháp xử phạt, răn đe, khắc phục vẫn xử phạt hành chính, nhưng chúng tôi sẽ phối hợp tốt với phía công an để đưa ra các vụ việc khởi tố hình sự làm gương. Chắc chắn phải áp dụng biện pháp này. Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, hình phạt cao nhất cho vi phạm ATTP là chung thân.

- Làm thế nào để phát huy hiệu quả kiểm tra thực phẩm, thưa bà?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Đối với thực phẩm tươi sống, nếu lấy mẫu kiểm nghiệm, đúng theo quy trình, ít ra vài ngày mới có kết quả. Trong vài ngày đó phải ngưng lưu thông thực phẩm đó ra thị trường thì trứng nở thành gà, thịt rau ôi thiu… lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Còn nếu lấy mẫu mà vẫn cho thực phẩm lưu thông ra thị trường thì việc lấy mẫu đó không còn ý nghĩa gì cả. Bởi nếu có phát hiện dương tính sau đó thì cũng đã vào bụng người dân hết rồi!

Do đó, chúng tôi sẽ phát huy tăng cường hiệu quả của xét nghiệm nhanh. Tuy không chính xác 100%, nhưng nó mang tính sàng lọc cao. Chúng tôi trang bị cho các đội thanh tra và sẽ có ba phòng xét nghiệm nhanh ngay tại các chợ đầu mối. Như vậy khi lấy mẫu thường xuyên hoặc đột xuất, với kết quả xét nghiệm nhanh mà dương tính, chúng ta cũng có cơ sở để ngưng lô hàng đó lại và cho đi xét nghiệm chính thống.

- Vậy, trước đây việc này bị “ngó lơ”?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Từ trước đến nay vướng một lý do khá khôi hài bởi xét nghiệm nhanh không có trong danh mục của Bộ Y tế nên không được thanh toán tài chính từ ngân sách. Chúng tôi đã đề xuất bộ bổ sung.

Nhân tiện, vấn đề các trung tâm kiểm nghiệm cũng khá bức xúc. Chúng tôi đang có đề án nâng cấp trung tâm kiểm nghiệm của ban bằng cách đầu tư máy móc theo hướng có thể đưa ra được chuẩn.

Chúng ta đang loạn các phòng thí nghiệm. Mấy trăm phòng thí nghiệm mà kết quả đôi khi “đá” lẫn nhau. Thậm chí, có trường hợp người dân phản ánh phòng xét nghiệm tư nhân chỉ cần trả tiền thôi là có “kết quả”. Điều này đánh mất lòng tin rất lớn. Cần lập lại trật tự này và liên thông kết quả trong hoạt động kiểm nghiệm. 

Ban quản đầu ra, thú y vẫn quản đầu vào

 “Có điều vô lý thế này, kiểm dịch thì phải có hai đầu, ra và vô. Đầu ra từ đây xuất đi các tỉnh, thì thú y kiên quyết trả cho ban làm với lý do không có người, nhưng đầu vô thì lại giữ (?). Tôi cho rằng đầu vô mới quan trọng đối với nguồn thực phẩm của thành phố…”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI