Quán 'chửi' ở Sài Gòn, muốn ăn ngon hay thích nghe chửi?

06/04/2019 - 06:00

PNO - Sài Gòn từ lâu nổi tiếng chiều khách, nhất là hàng quán dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những phản ánh của ‘thượng đế’ về bà chủ ‘độc đáo’ chửi khách như tát nước.

Vừa bước vào quán, bị chửi… vuốt mặt không kịp

Hầu hết khách hàng bước vào quán bánh đúc trong một con hẻm trên đường Phan Đăng Lưu (P.3, Q.Phú Nhuận) đều có chung cảm giác hơi hồi hộp do “nghe danh chửi” của cô chủ quán nổi tiếng một vùng. Vào mua không xếp hàng: chửi, kêu món ăn chậm: chửi, xin thêm ghế: chửi, đổi món, xin thêm gia vị: chửi,… Mặt cô chủ lúc nào cũng nặng như chì, khiến người vào ăn tuy phải bỏ tiền ra mua nhưng ai cũng khép nép, ngồi im lặng đợi người chạy bàn hỏi mới dám gọi món. 

Quan 'chui' o Sai Gon, muon an ngon hay thich nghe chui?
Bánh đúc Phan Đăng Lưu là một trong những quán tại Sài Gòn đầu tiên bị phản ánh chửi khách, chủ quán thật sự tạo cảm giác khó chịu, mất ngon cho khách tới ăn.

So với mặt bằng chung, giá cả ở quán cũng không rẻ hơn chỗ khác khi bánh đúc 22 ngàn đồng/chén, những món khác như yaout phô mai, ốc len xào dừa,… giá cũng từ 12 ngàn đồng trở lên. Nhưng đã vào quán, ai cũng… bấm bụng ngồi ăn nhanh nhanh rồi đi ra. Có người thích vị, có người ăn vì tò mò, nhưng đa số có chung cảm giác mua đồ ăn mà như xin. Đa phần các bạn trẻ đều lắc đầu khi được hỏi có ghé lần sau, thực khách tuổi trung niên cho rằng đã quen vị bánh đúc ở đây, bà chủ khó tính thì mua về, có ngồi ăn thì… lo ăn thôi đừng đụng đến bà ấy là được.

Gần đây, một người dùng mạng xã hội lên tiếng phản ảnh quán bún bò O Thủy tại hẻm 264 Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM) “làm cha làm mẹ” khi hết quát nạt người làm đến thực khách. Theo anh T.N. lần đầu tiên anh đến đây ăn đã nghe bà chủ quát nạt nhân viên. Về sau anh thấy chủ quán quát nạt khách nhưng cứ nghĩ là do khách… cà chớn nên vẫn tiếp tục ăn. 

Sau đó, anh trực triếp “trải nghiệm” sự khó chịu trong một lần đến mua đồ ăn và xin thêm củ hành ngâm nhưng chủ không chấp thuận. Tiếp tục đề nghị mua thêm hành, bà chủ hậm hực bảo nhân viên đi lấy, anh quyết định không đến quán ăn nữa. Anh nói thêm: “Quán này bà chủ là “thượng đế”. Nhân viên order (đặt món) sai ý khách là lại nói nhỏ khách ráng ăn đi không thì bà chủ chửi thậm tệ, nhiều người có tiền muốn ăn ngon và chấp nhận nghe “chửi”. Hết hiểu”.

Quan 'chui' o Sai Gon, muon an ngon hay thich nghe chui?
Tuy là những quán nhỏ, nằm khuất trong hẻm nhưng giá trung bình đều 50 ngàn đồng trở lên nhưng khách đến ăn rất đông

Trên một trang giới thiệu về quán ngon ở TP.HCM, nhiều người dùng cũng để lại những nhận định về quán “bún bò chửi” này như chị T. cho rằng có lần tô bún bò của chị bị làm sai yêu cầu, khi chị báo lại thì người chủ “mặt nặng như chì” kêu ăn đỡ đi. Nói về la mắng, lớn tiếng, có lẽ quán bún nước Huyền (Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận) bị khách phản ứng nhiều nhất.

Ai cũng cho rằng lúc nào đến ăn cũng có cảm giác bị chủ quán… chửi sa sả vào mặt dù người bị lớn tiếng không phải là mình, kèm theo sự chờ đợi lâu với diện tích quán nhỏ hẹp khiến người đến không thiện cảm. 

 “Chỗ buôn bán không ai rảnh chửi hết, cái tật nó vậy ai không thích thì chịu”

Thời gian gần đây, hầu hết các quán ăn từng bị khách phản ứng hình như đã “giận dỗi”, chủ quán đều có chung thái độ im lặng, không cười, không nhìn khách chỉ chú tâm vào chế biến. Khách muốn ăn món gì, bao nhiêu tiền,… đều phải qua nhân viên phục vụ. 

Nhân viên cũng chỉ hỏi “Ăn gì?”, hoặc “Ừ” khi khách gọi món. Chủ quán tuyệt nhiên không đếm xỉa đến khiến không khí ở quán lặng yên một cách đáng sợ. 

Khi được hỏi thăm, chị Hồng (chủ quán bánh đúc Phan Đăng Lưu) vẫn không đổi thái độ và trả lời cộc lốc: “Bán hơn 10 năm nay rồi, khó chịu gì khó chịu, buôn bán không ai rảnh chửi hết, cái tật nó vậy ai muốn nói gì nói. Ngoài Bắc mới chửi, trong Nam ai chửi, thử ra ngoài đó đi rồi biết chửi là sao”.

Quan 'chui' o Sai Gon, muon an ngon hay thich nghe chui?
Quán bánh đúc Phan Đăng Lưu còn không có bàn để đồ ăn. Ốc chửi 50 ngàn đồng một dĩa mặn chát và khá nhiều bột ngọt, nhưng vẫn đông khách

Chị Hồng thừa nhận, từ khi bị nói khó tính và chửi khách, quán của chị mất gần một nửa khách, nên bây giờ im luôn cho lành. Bà Nguyễn Thị Cúc (63 tuổi, khách quen của quán) cho biết: “Tính tình cô Hồng và người nhà lâu nay hơi khó chứ không có ác ý với ai. Nếu biết tính của chủ quán thì rất dễ, nhưng thường thì tôi cũng mua về chứ không thích ngồi ăn”.

Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, đúng là quán ăn này không cần khách. Ngay cả người giữ xe cũng thích ra lệnh cho khách tự đỗ xe, không ghi vé xe. Lúc nào cả chủ và nhân viên cũng lạnh lùng, cộc lốc.

Người thường ăn quen ở quán bún bò O Thủy cũng nhận định chủ quán không đến nỗi hà khắc, “Cái tật khó của o mới xuất hiện cách đây khoảng hai năm thôi, nhưng o chỉ khó với những khách ỷ có tiền rồi yêu cầu này nọ, có nhiều khách cũng trời ơi lắm chứ không vừa đâu. Tôi còn từng chứng kiến người đến ăn ghẹo cho o bực mình rồi chụp hình, quay clip, từ đó o hạn chế tiếp xúc, chứ khách quen thì o bình thường.

Có một điều tôi không hiểu, o chỉ bán buổi sáng nhưng nhiều người vẫn khẳng định đến ăn buổi trưa, chiều vẫn bị chửi”, anh Nguyễn Văn Thời (ở quận Tân Bình) nói.

Quan 'chui' o Sai Gon, muon an ngon hay thich nghe chui?
Điểm trừ của quán bún nước Huyền là để khách đợi hơi lâu, món ăn khá nhiều bột ngọt

Hàng xóm của chủ quán cũng bênh vực o Thủy, vì bà thường ngày ít nói nhưng chưa bao giờ lớn tiếng với ai. Gần đây họ mới thấy bà la nhân viên, khó chịu với khách nhưng cách nói của bà lịch sự chứ không chửi mắng.

Tuy nhiên, nói rằng chủ quán bún nước Huyền – cô Bích Huyền (50 tuổi, quê ở miền Tây) chửi khách thì có lẽ khách hơi khó tính. Giọng cô chủ quán khá hào sảng, cô nói liên tục và bằng giọng tông cao nhưng, những khá hài hước khi gọi khách là bạn, xưng Huyền. Hầu hết khách đến ăn đều cười vui trước sự pha trò của người chủ quán này.

Ngay cái cách cô phàn nàn người nhà cũng không khiến ai khó chịu, như khi người nhà hỏi giá tô mì, bún theo yêu cầu, người chủ sẽ nói: “Bạn khách quen đó, giá cũ nha, sao khâu đó hôm nay bị tróc vẩy vậy”, “Qua khâu đi nè, tập trung đi, nhanh tay đi mấy anh mấy chị, nhanh để thứ sáu còn đi trồng hành”, “Năm nốt nhạc đã xong, tằng tăng tăng tằng tăng, bưng cho mấy bạn đi”,…

Quan 'chui' o Sai Gon, muon an ngon hay thich nghe chui?
Đĩa ốc khi được gán mác "ốc chửi" cũng trở thành đặc biệt được bán với giá 50 ngàn đồng

Khi được hỏi “Tính cô hiền lành, dễ thương, hài hước, nếu nói tông giọng thấp thì chắc khách nhiều hơn?”, cô Huyền đáp: “Quán Huyền ba đời rồi, Huyền cũng sợ nó tàn lụi dưới tay Huyền chớ bạn, nhưng tính Huyền vậy rồi, không đổi được. Bạn nào hiểu thì Huyền cảm ơn, bạn nào không muốn nghe thì Huyền giải quyết đồ ăn nhanh gọn ba nốt nhạc tăng tằng tăng”. 

Nhân viên và khách ở quán cũng cho rằng tính cô Huyền như vậy chứ không có ác ý. Chị Trần Thị Thùy Dung (25 tuổi, ở quận Tân Bình) cho biết: “Với 55 ngàn đồng một tô mì nếu khách chê đắt và đợi lâu thì tôi thấy hợp lý hơn là khách nói cô ấy chửi. Vì khi nhắc nhở nhân viên hay nói chuyện bình thường thì giọng cô Huyền… như sấm. Ban đầu tôi vào ăn cũng giật mình, nhưng sau đó hiểu các câu cô nói thì cười hoài không dứt vì cô ấy pha trò chứ không phải chửi”.

Ngoài những quán trên, quán bánh cuốn chửi (đường Hòa Hảo, quận 10), chè chửi làng đại học ở Thủ Đức, gỏi chửi đường Cô Giang (quận 1),… thường xuyên bị khách phản ảnh nhưng các quán này người chủ thường chỉ la nhân viên, hoặc luôn nói nhiều với chất giọng hào sảng đặc sệt miền Tây chứ chưa bao giờ chửi bới, đuổi khách. 

Quan 'chui' o Sai Gon, muon an ngon hay thich nghe chui?
Ở những quán này có khách cho rằng tính chủ quán như vậy, ăn thành quen, thiếu mất ngon, nhưng vẫn có khách không thể chấp nhận bỏ tiền ra để bị... ăn chửi

Tuy nhiên, đầu bếp Trịnh Huỳnh Anh ở một nhà hàng tại quận 5, TP.HCM cho biết: “Chủ các quán ăn thường muốn tự mình chuẩn bị từ khâu chọn nguyên liệu đến đứng nấu chín, họ thường phải rất kỹ trong các việc này nên sẽ tốn nhiều thời gian, công sức như để 8g sáng bắt đầu bán hàng thì người chủ quán phải thức từ khuya cho kịp bán. 

Những quán truyền đời, người nấu luôn có nhiều tâm huyết với món ăn, việc múc bán họ cũng sẽ không yên tâm giao cho người khác. Có thể vì vậy họ thường xuyên bị mêt mỏi sinh ra bực bội, nhưng đổ lên khách như dân mạng phản ảnh thì không đúng. Người ta bỏ tiền ra mua dịch vụ bao gồm sự thoải mái, nhất là ăn uống và nghỉ ngơi”.

Đầu bếp Trịnh Huỳnh Anh cho rằng không nên nhầm lẫn giữ “chửi”, “la” và “lớn giọng”. Có thể những quán mà chủ là người Sài Gòn, miền Tây giọng hào sảng, bất cần nhưng không có ác ý; quán người miền Trung chủ sẽ ít nói hơn nhưng ân cần, lịch sự. Tuy nhiên, đa phần tâm lý chủ quán luôn muốn khách quay lại và chiều khách rất nhiều.

“Người dân vốn tò mò, thích dò xét nên khi nghe nói quán nào “chảnh” họ sẽ đến ăn để xem thử “chảnh” cỡ nào nên nhiều năm trở lại đây rộ lên trào lưu các quán chửi ở Sài Gòn. Tuy nhiên, không nên cổ xúy cho hành động kinh doanh buôn bán khiến ẩm thực mất đi nét đẹp vốn có, đừng khuyến khích cho cách hành xử này”, đầu bếp Trịnh Huỳnh Anh nhận định. 

An Nguyên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Le minh thọ 18-04-2020 07:58:24

    Hôm trước tôi ăn phở chửi Nguyễn Du .. gặp hai thanh niên đi vào ngồi cạnh bàn tôi và hỏi bà chủ quán Đây có phải là quán phở chửi không bác .. ?? thế là bị chửi một trận te tua nào là .."" mắt mày mù không thấy trên bảng kia hả "".. " Mày định chọc tức tao đấy phải không " thất kinh hai thanh niên mặt mày xanh mước không còn giọt máu đứng dậy chuồn lẹ k kịp gọi được món gì

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI