Phòng khám Trung Quốc đổi tên, tiếp tục lừa bệnh nhân?

15/06/2018 - 09:02

PNO - Đến Phòng khám đa khoa (PKĐK) Khang Thái (số 87-89 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM) khám bệnh, chị N.T. (27 tuổi) bị bác sĩ ở đây “vẽ bệnh” rồi “chặt chém” gần 34 triệu đồng.

Đáng nói, địa chỉ PKĐK này trước đây là của PKĐK Elizabeth đầy tai tiếng, từng bị đề nghị tước giấy phép hoạt động.

Phong kham Trung Quoc doi ten, tiep tuc lua benh nhan?
Địa chỉ Phòng khám đa khoa Khang Thái trước đây là Phòng khám đa khoa Elizabeth

“Làm giá” trên bàn mổ

Phản ánh với Báo Phụ Nữ TP.HCM, chị N.T. cho biết, phát hiện vùng kín nổi mụn lạ, chị lên mạng tìm hiểu, thấy PKĐK Khang Thái quảng cáo là nơi chữa bệnh uy tín từ năm 2005, ngày 3/6, chị đến khám. Tại đây, sau khi nghe chị T. trình bày về tình trạng bệnh, hai bác sĩ tỏ vẻ hốt hoảng, nói “chết rồi, sao để nặng vậy” khiến chị T. hết sức 
lo lắng. 

Bác sĩ đề nghị chị phải làm hàng loạt xét nghiệm như soi cổ tử cung, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đông máu, xét nghiệm máu lắng, định nhóm máu hệ ABO... với tổng cộng 13 dịch vụ, hết hơn 4,6 triệu đồng. Sau đó, chị T. được hướng dẫn điều trị bằng sóng xung kích và truyền 3 chai dịch với chi phí điều trị hơn 1,3 triệu đồng. Bác sĩ thông báo, chị T. bị bệnh viêm cổ tử cung lộ tuyến và gai u nhú âm đạo.

Chị nhớ lại: “Họ báo là tôi bị bệnh rất nghiêm trọng, phải điều trị gấp. Do nghĩ mình bị bệnh nặng thật nên tôi đồng ý làm theo các chỉ định của bác sĩ. Tôi nghĩ, họ đã có kế hoạch kỹ để hù dọa và từng bước đưa mình vào tròng”. 

Chị T. được đưa vào một phòng riêng biệt, ở đó có 3 nhân viên phòng khám. Một người nói chuyện với chị, còn hai người kia im lặng. Khi đưa chị T. lên giường bệnh, cố định tay chân, nong âm đạo, một bác sĩ thuyết phục chị làm tiểu phẫu với lời dọa “bị xuất huyết cổ tử cung, nếu không điều trị sẽ bị ung thư cổ tử cung”.

Một nhân viên của phòng khám báo giá điều trị đốt gai u nhú âm đạo với hai mức giá 6,8 triệu đồng (không có giảm đau) và 9,8 triệu đồng (có giảm đau). Việc điều trị viêm cổ tử cung lộ tuyến sẽ có 3 mức giá: 12,8 triệu đồng (không có giảm đau), 16,8 triệu đồng (có giảm đau) và 20,8 triệu đồng (có giảm đau và hỗ trợ gây mê).

Do bị dọa tình trạng bệnh và “làm giá” ngay trên bàn mổ nên chị T. không còn lựa chọn nào khác. Chị đồng ý chọn gói điều trị 6,8 triệu đồng đốt gai u nhú âm đạo và 20,8 triệu đồng để tiểu phẫu điều trị cổ tử cung. Sau ngày điều trị đầu tiên, chị T. bị “chém” gần 34 triệu đồng.

Chưa dừng lại, bác sĩ ở PKĐK Khang Thái yêu cầu chị những ngày sau phải tiếp tục đến điều trị với chi phí từ 1-1,5 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, bác sĩ ở đây còn nói tử cung chị T. có dịch nên phải đến điều trị bằng thuốc Đông y với nửa liệu trình là 4,5 triệu đồng; nếu không hết, phải tiếp tục điều trị với gói dịch vụ tốn khoảng 15 triệu đồng. 

Phong kham Trung Quoc doi ten, tiep tuc lua benh nhan?
Hóa đơn ghi chung chung “phí tiểu phẫu” với số tiền 27,6 triệu đồng

Thay tên đổi họ để qua mặt cơ quan chức năng?

Sau khi bị “chém” 34 triệu đồng nhưng tình trạng bệnh có vẻ nặng thêm, chị T. tìm đến một số bệnh viện lớn ở TP.HCM khám, mới biết mình bị PKĐK Khang Thái “vẽ bệnh”. Nghe chị mô tả tình trạng bệnh ban đầu của mình, các bác sĩ ở Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Từ Dũ đều cho rằng, đó là triệu chứng bình thường ở phụ nữ; chi phí điều trị và phương pháp điều trị ở PKĐK Khang Thái là “có vấn đề”.

“Bác sĩ nói việc đốt cổ tử cung khiến sau này tôi rất dễ sinh non, có thể vô sinh. Chẳng thà mình bị bệnh, họ điều trị khỏi mà lấy giá cao cũng được, đằng này không có bệnh, họ vẽ bệnh để lấy tiền mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình” - chị T. bức xúc.

Chúng tôi tìm đến PKĐK Khang Thái thì phát hiện đây là một “địa chỉ quen thuộc” từng bị Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh về những sai phạm, nhưng dưới cái tên PKĐK Elizabeth. 

Từ trước năm 2017, PKĐK Elizabeth đã bị xử phạt với hàng loạt vi phạm, lần bị phạt cao nhất là hơn 300 triệu đồng. Đến tháng 7/2017, phòng khám này lại bị xử phạt 26,4 triệu đồng do các lỗi vi phạm: lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ; không lập hồ sơ bệnh án theo quy định của pháp luật; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được phép.

Do những vi phạm nêu trên, cuối năm 2017, PKĐK Elizabeth bị đưa vào danh sách đề xuất tước giấy phép hoạt động có thời hạn. Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, PKĐK Elizabeth đã từng bị nhiều bệnh nhân tố cáo có hành vi hù dọa bệnh nhân ký tên đồng ý thực hiện các thủ thuật với giá cắt cổ, lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí gần 100 triệu đồng. 

Im hơi lặng tiếng một thời gian, người ta thấy tại địa chỉ này xuất hiện một tấm biển hiệu mới có tên PKĐK Khang Thái với những chiêu trò cũ. 

Tra cứu thông tin trên mạng, chúng tôi phát hiện Công ty TNHH PKĐK Khang Thái được cấp giấy phép ngày 25/1 và hoạt động ngày 1/3/2018, người đại diện pháp luật là Lý Say Khìn. Thế nhưng, trên trang web phongkhamkhangthai.vn lại giới thiệu PKĐK Khang Thái ra đời từ năm 2005, do các bác sĩ ở các bệnh viện lớn sáng lập.

Nhiều người đặt nghi vấn: phải chăng, sau khi bị Sở Y tế TP.HCM đề xuất tước giấy phép hoạt động, PKĐK Elizabeth đã “thay tên đổi họ” thành PKĐK Khang Thái để tiếp tục lừa đảo bệnh nhân và qua mặt cơ quan chức năng? 

Chưa triệt để “dẹp loạn” phòng khám Trung Quốc

Thời gian qua, dư luận và truyền thông đã cật lực phản ánh những tệ nạn do các phòng khám Trung Quốc gây ra với những chiêu trò lừa bịp, “vẽ bệnh” cùng nhiều thủ đoạn “chặt chém” bệnh nhân, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Chẳng lẽ cơ quan quản lý nhà nước về y tế không biết rõ chiêu trò “ve sầu thoát xác” như trên, chịu bất lực trước các thủ đoạn lưu manh, vô đạo đức của các phòng khám Trung Quốc?

Tôi hoài nghi về năng lực quản lý và trách nhiệm của các cơ quan quản lý y tế, đồng thời cũng đặt nghi vấn “có hay không việc bảo kê cho các phòng khám Trung Quốc ngang nhiên gây thiệt hại cho người dân”.  

Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Luật 360

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI