Phẫu thuật mặt, một phụ nữ hôn mê

20/09/2017 - 09:44

PNO - Một phụ nữ 35 tuổi sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (TP.HCM) đã rơi vào tình trạng nguy kịch.

Vì muốn khuôn mặt trở nên dễ nhìn, ngày 17/9, chị T.T.Đ. đến phẫu thuật gọt cằm tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (trụ sở 14/27 Hoàng Dư Khương, phường 12, Q.10, TP.HCM). Tuy nhiên, sau phẫu thuật, chị Đ. bị chảy máu ồ ạt vùng cổ họng, nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp.

Phau thuat mat, mot phu nu hon me
Bệnh viện thẩm mỹ Emcas vẫn hoạt động bình thường vào ngày 19/9

Chị Đ. được Bệnh viện thẩm mỹ Emcas mở nội khí quản giúp thở, cầm máu và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM lúc 14g55 ngày 17/9. Ngay khi nhập viện, chị Đ. bị hôn mê, rối loạn tri giác. Đến chiều tối 19/9, chị Đ. vẫn tiếp tục hôn mê sâu, phải thở máy. 

Sau hai ngày nhập viện, vùng cổ gần khu vực cằm được can thiệp phẫu thuật vẫn còn xuất hiện vết sưng phù nề. Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị tích cực bằng thuốc chống viêm, chống phù nề, nhưng vẫn chưa thể tiên lượng được tình trạng sức khỏe của chị Đ. Hai ngày trôi qua, chị Đ. vẫn chưa hồi tỉnh. 

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ông có nghe báo cáo nhanh từ Bệnh viện Nhân dân 115 về ca tai biến sau phẫu thuật tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas. Tuy nhiên, Sở Y tế vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức bằng văn bản.

Theo khảo sát của phóng viên, Bệnh viện thẩm mỹ Emcas vẫn hoạt động bình thường. Lúc 11g ngày 19/9, trước cơ sở thẩm mỹ này có khoảng 4-5 khách hàng ngồi gần bàn tiếp tân, phía ngoài có nhiều xe gắn máy. 

Tay nghề người can thiệp phẫu thuật quá yếu!

Một bác sĩ có thâm niên trong nghề phẫu thuật thẩm mỹ chia sẻ, thời gian gần đây, hoạt động tại các cơ sở thẩm mỹ vô cùng bát nháo. Tình trạng người chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng vẫn thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ chiếm tỷ lệ khá cao. Thực tế, có bác sĩ giao cho nhân viên cấp dưới, thậm chí là y tá thực hiện một số kỹ thuật, trong đó có cả kỹ thuật gọt cằm.

Trường hợp gọt cằm mà để xảy ra biến chứng hôn mê, máu đầy ở vùng cổ họng là quá sức tưởng tượng. Bởi kỹ thuật này đơn giản. Có thể do tay nghề người can thiệp quá yếu, khiến vùng cơ bị cắt mất quá nhiều máu, bệnh nhân rơi vào hôn mê. Hoặc bệnh nhân bị đánh thuốc mê quá nhiều, gây hôn mê sâu... 

Khi chúng tôi liên hệ để tìm hiểu sự việc vì sao một phụ nữ đến Bệnh viện thẩm mỹ Emcas làm đẹp lại rơi vào nguy kịch, một nhân viên phòng hành chính tên Nguyễn Bá Đồng mời phóng viên vào phòng họp chờ lãnh đạo, nhưng sau đó người này lại thông báo lãnh đạo bệnh viện đang bận phẫu thuật, phóng viên cần thông tin gì để lại nội dung, bệnh viện sẽ liên hệ sau.

Bệnh viện thẩm mỹ Emcas hứa sẽ sớm trả lời Báo Phụ Nữ một số câu hỏi liên quan đến ca phẫu thuật như: quá trình khám, tư vấn, phẫu thuật diễn ra như thế nào, trước khi phẫu thuật, bệnh viện có xét nghiệm, tìm hiểu về tình trạng sức khỏe chị Đ. không, bác sĩ nào đã thực hiện phẫu thuật cho chị, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên về gọt cằm không...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bệnh viện thẩm mỹ Emcas được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động vào năm 2013, có chức năng khám, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật thẩm mỹ.

Trang web của bệnh viện này giới thiệu nhiều hình thức làm đẹp: “Nơi duy nhất tại Việt Nam cam kết nâng ngực không đau”, “Liệu trình làm mờ vết thâm sau mụn và đầy sẹo rỗ giảm giá từ 900.000 đồng/lần xuống 390.000 đồng/lần”...

PGS Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bên cạnh một số bác sĩ có thể thực hiện tốt kỹ thuật gọt cằm V-line, còn nhiều bác sĩ chưa được đào tạo bài bản. Gọt cằm là kỹ thuật đơn giản, nhưng vẫn xảy ra tai biến nếu không thực hiện đúng kỹ thuật. Chẳng hạn, nếu can thiệp sai, không khéo léo có thể  làm liệt dây thần kinh hoặc ảnh hưởng đến khớp nhai... 

Nguy hiểm nhất, khi phẫu thuật viên đưa dao ra quá sâu, khiến đứt động mạch cổ, bệnh nhân mất máu, dẫn đến hôn mê. 

TP.HCM: Tiếp tục phát hiện cơ sở thẩm mỹ không phép

Ngày 19/9, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua tiến hành kiểm tra từ tin báo của người dân, cơ quan này đã phát hiện phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH TMV Saigon Star (tức Thẩm mỹ viện Saigon Star) hoạt động không phép tại địa chỉ 377 Ngô Gia Tự, P.3, Q.10, TP.HCM.

Phòng khám trên do bác sĩ Nguyễn Hữu Hoạt thực hiện tư vấn các dịch vụ thẩm mỹ như nâng mũi, thu gọn cánh mũi, cắt mắt, độn cằm… nhưng không xuất trình được giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, cơ sở này còn thực hiện quảng cáo khám, chữa bệnh trên website http://thammyviensaigonstar.vn, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. 

Cũng trong tuần qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ SBC Tokyo Đẹp (số 230 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM, thuộc Công ty TNHH Y tế Shoubikai Việt Nam) do bác sĩ Aikawa Yoshiyuki (quốc tịch Nhật Bản) chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.

Tại thời điểm kiểm tra, bác sĩ Aikawa Yoshiyuki vắng mặt. Qua hồ sơ chứng từ lưu trữ, đoàn kiểm tra phát hiện có bác sĩ Võ Thành Trung thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại phòng khám, nhưng không có giấy ủy quyền, công văn đăng ký nhân sự đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. 

Bác sĩ Võ Thành Trung chính là “nhân vật” của bài Bác sĩ thẩm mỹ “mời” giang hồ “tiếp” khách hàng? trong loạt bài Làm đẹp bằng dao kéo, may rủi gang tấc khởi đăng trên Báo Phụ Nữ từ ngày 7/8. 

Quốc Ngọc

Tai biến chết người, dù các bên thỏa thuận, cơ quan điều tra vẫn phải vào cuộc

Trong quá trình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, nếu xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra biến chứng, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh. 

Thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại điều 590 Bộ luật Dân sự, bao gồm: chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. 

Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và thiệt hại khác do luật quy định cùng với một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận.

Ngoài việc bồi thường, cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra biến chứng cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người hành nghề có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” (điều 242 Bộ luật Hình sự); “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (điều 99 Bộ luật Hình sự).

Trong trường hợp tai biến xảy ra gây chết người, dù các bên có thỏa thuận được với nhau hay không, cơ quan điều tra vẫn phải vào cuộc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại. Nếu xác định có lỗi khi để bệnh nhân tử vong, cơ sở y tế sẽ bị truy tố về “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (điều 99 Bộ luật Hình sự).

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM


Tiến Đạt - Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI