Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo - 'Đảng viên không có Đảng', anh chị ở đâu?

01/11/2019 - 06:30

PNO - "Muốn phát triển như thế nào, phải có nhân sự như thế ấy. Muốn có nhân sự như thế, phải có các định chế tương đương, tức là phải thay đổi..."

Lời tòa soạn: Phát huy tính dân chủ, thực chất, có chiều sâu, đồng thời, thể hiện tinh thần cầu thị, tôn trọng người dân, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành kế hoạch số 305-KH/TU về khảo sát, tiếp nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đồng bào các giới, kiều bào góp phần xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước. Với mong muốn thu thập những ý kiến khách quan, toàn diện về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình đột phá mà Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đề ra, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức diễn đàn “Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo” nhằm tiếp thu góp ý của bạn đọc cho sự phát triển của TP.HCM.

Trong buổi trao đổi đầu tiên của diễn đàn này, ông Nguyễn Minh Trí - bí danh Mười Thắng, nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo chiến lược A10 (An ninh T4) - nêu ra những thay đổi cần thiết để thu hút và giữ chân được người tài đức cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung. Ông nói:

- Tôi đã trải qua chỉnh huấn biết bao nhiêu lần trong rừng, rồi thời kỳ 1979-1980 đánh các án đầu tiên liên quan đảng viên biến chất, cho tới cuộc đổi mới năm 1986. Đối chiếu với các vấn đề hôm nay, tôi cho rằng, công tác cán bộ, bổ nhiệm nhân sự là chuyện cực lớn đối với vận mệnh đất nước. 

Phat trien TP.HCM  thong minh, sang tao - 'Dang vien khong co Dang', anh chi o dau?
Ông Nguyễn Minh Trí - nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo chiến lược A10

Theo cách tư duy của tôi, tình hình nhân sự hiện nay, xét về yêu cầu chuyển đổi, cũng có nét khá tương đồng với thời kỳ 1984-1985 trước đổi mới. Trước tiên, cần phải xác định rõ, chính xác các mâu thuẫn, bế tắc cản trở công tác xây dựng hệ thống nhân sự nhằm quản trị nền kinh tế, xã hội trước yêu cầu mới.

Phóng viên: Theo ông, mâu thuẫn lớn nhất trong vấn đề nhân sự, công tác cán bộ hiện nay nằm ở đâu?

Ông Nguyễn Minh Trí: Mâu thuẫn cơ bản trong vấn đề nhân lực hay cán bộ là gì, có phải là hiện tượng tham nhũng tràn lan, công chức lương không đủ sống, hiện tượng yếu kém năng lực trình độ, thiếu phẩm chất không? Không! Theo tôi, mâu thuẫn cơ bản hiện nay chính là mâu thuẫn giữa toàn bộ hệ thống tổ chức, cơ cấu, con người đã cũ, lỗi thời, lạc hậu, tồn tại nặng nề tính chất quan liêu, bao cấp, cục bộ, địa phương, phi xã hội chủ nghĩa, thiếu tính hội nhập toàn cầu… với nhu cầu đáp ứng cái mới để xây dựng một xã hội công nghiệp hiện đại, văn minh theo xu hướng cách mạng 4.0. Xác định rõ mâu thuẫn cơ bản ấy thì mới giải quyết được các quyết sách, phương châm, cách thức làm nhân sự đáp ứng tình hình mới.

Muốn phát triển như thế nào, phải có nhân sự như thế ấy. Muốn có nhân sự như thế, phải có các định chế tương đương, tức là phải thay đổi. Các hội nghị trung ương gần đây nhất của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII cho thấy, Đảng càng ngày càng nhận thức sâu vấn đề phải thay đổi để giải quyết những mâu thuẫn trong công tác cán bộ.

* Ông có thể nêu một hướng ra cho mâu thuẫn cơ bản đó…

- Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hoàn toàn không còn phù hợp, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu mới nên mới đẻ ra các “hiện tượng” kéo dài như liệt kê ở trên. Vì vậy, tôi cho rằng, cải cách lớn trong công tác cán bộ, phát triển nhân sự cũng cần tư duy mở như phát triển kinh tế. Tức là xã hội và nhân dân phải cùng xây dựng, cùng tham gia công cuộc ấy như ở các xã hội công nghiệp phát triển.

Muốn vậy, Đảng phải đưa ra cho dân, không giấu giếm, còn lộ trình thế nào thì phải tính cho thật phù hợp, tránh xáo trộn. Ví dụ, có người đang đề nghị công bố danh sách dự kiến Ban chấp hành Trung ương khóa XIII tới. Ở quy mô thành phố cũng vậy. Điều đó sẽ giúp tiếp thu những ý kiến tốt, xem những người đó có xứng đáng không, công khai chấp nhận đơn tố cáo vì đó là cách sàng lọc hay nhất theo đúng nguyên tắc của Bác Hồ và cũng là xu hướng bắt buộc trong thời đại mới.

Dù 5-10 năm tới, chuyện chống tham nhũng vẫn phải tăng cường vì đây là một mặt trận cực kỳ quan trọng, cấp bách, nhưng không phải là tất cả. Để xây dựng hệ thống, tổ chức, con người đáp ứng nhiệm vụ mới, phải gấp rút xây dựng và áp dụng nhuần nhuyễn ngay thể chế quan hệ Đảng quản lý đường lối, tổ chức kiểm tra thế nào trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguyên tắc dùng người ngoài đảng trong kháng chiến

* Vậy, cần thay đổi hoặc đổi mới thế nào để có thể thu hút, tạo cảm hứng cho người có tâm và năng lực như khối tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã làm được, thưa ông?

- Khi Bác Hồ mới về nước, đã giương ngay ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc. Người ta đã sẵn sàng đi theo, chết cho Tổ quốc. Còn bây giờ, bố trí cán bộ then chốt mà không phải là đảng viên là đụng vô hệ thống lý luận của ta. Cái gì cũng cần nghiên cứu, chỉnh sửa. Tôi nhớ thời kháng chiến, đâu có dễ mà vô Đảng, nhưng người ta lấy thước đo trong công việc đặt lên trên hết và người lãnh đạo đánh giá trực tiếp lòng trung thành của đương sự.

Phat trien TP.HCM  thong minh, sang tao - 'Dang vien khong co Dang', anh chi o dau?
 

Tôi cũng tự hỏi, tại sao không áp dụng những nguyên tắc trong kháng chiến như sử dụng những người ngoài Đảng trong tình hình hôm nay? Một người như giáo sư Trần Văn Thọ ở Nhật Bản, sao chỉ dừng lại ở vai trò tư vấn, sao không có sự bố trí nào trong Chính phủ cho những người như thế? Nếu chưa thể đưa người ngoài Đảng đứng đầu được thì có thể mời làm phó chuyên môn, điều hành…

Tôi lấy ví dụ, Quốc hội hay Hội đồng nhân dân TP.HCM, cần giảm dần từ 30% xuống còn 10% đại biểu bên hành pháp thôi.

Bên cạnh đó, chuyện cũng rất cấp thiết là phải lấy tiêu chí phòng chống lãng phí như Bác Hồ dạy để xây dựng bộ máy. Hiện nay, nghị quyết của Đảng và cả kết luận của Thủ tướng đều đã xác định bộ máy cực kỳ lãng phí, thậm chí bị “ma sát” nên hiệu suất công việc bình quân chỉ 30-40%, có nơi còn âm.

Vậy nên, giảm các khâu thật sự cản trở, không cần thiết là việc rất cấp thiết. Điều đó giúp giảm chi ngân sách và tăng lương cho nhân lực của nền kinh tế, xã hội. Nhìn chung, Nhà nước đang làm theo hướng này nhưng tốc độ còn chậm…

* Như ông nói, trong kháng chiến, người có đảng hay không đảng vẫn hòa hợp với nhau vì có mái nhà chung là dân tộc. Ông nghĩ sao với thực tế là số nhân sự không phải đảng viên, đặc biệt người du học trở về, vẫn gặp một số trở ngại trong khu vực Nhà nước?

- Muốn dùng ai, phải tin họ, bảo vệ họ và chính người lãnh đạo phải trong sạch như ngày xưa. Những con người thời đó, từ trong kháng chiến bước ra, không có máu tham, chưa có hơi đồng tiền như thời kinh tế thị trường. Bây giờ, suy nghĩ cái này thật khó và cần xem như một khát vọng.

Nhưng tôi vẫn tin, chúng ta đang trong tình thế phải đổi mới lần hai. Nó cũng mãnh liệt như năm 1986. Có thể nội hàm, mức độ đổi mới lần hai như thế nào thì còn đang thai nghén, nhưng tiền đề sẽ phải là xã hội dân chủ hơn, minh bạch hơn, ít tham nhũng hơn, hiệu suất hơn, thể chế tốt hơn…

Phat trien TP.HCM  thong minh, sang tao - 'Dang vien khong co Dang', anh chi o dau?
TP.HCM ra mắt fanpage “Cổng tiếp nhận ý kiến nhân dân” trên mạng xã hội Facebook giúp người dân dễ dàng gửi ý kiến và góp ý trực tiếp trên tinh thần kế hoạch số 305 của Thành ủy TP.HCM về “Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TP.HCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước”

Đồng thời, tôi không tin rằng 50% những người vào Đảng hiện nay đều là cơ hội chủ nghĩa. Dù “lươn lạch” có thể chui vô, nhưng tôi tin, vẫn còn những người có tâm huyết. Và trên hết, trước thách thức của chủ nghĩa dân tộc, tự hào của đất nước, truyền thống của cha anh thì những đảng viên vẫn có lòng khát khao cho dân tộc. Tuy lực lượng đó rời rạc nhưng luôn tồn tại.

Các tinh hoa lãnh đạo của TP.HCM cần có cái nhìn khác hơn đối với những con người ngoài Đảng. Nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sự nghiệp này đâu có phải riêng của Đảng Cộng sản, mà có nhiều thành phần tham gia. Kế hoạch 305-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng kêu gọi góp ý từ nhiều thành phần đấy thôi.

Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng gọi ông Lý Quý Chung - thành phần yêu nước thuộc “lực lượng thứ ba” - là “đảng viên không có đảng”. Vừa rồi, ngoài Hà Nội cũng tổ chức lớn việc ghi nhận đóng góp của ông Bùi Bằng Đoàn. Đó là, sức mạnh sẽ tăng lên gấp bội nếu đoàn kết được mọi thành phần.

Thông minh thì không lãng phí

* TP.HCM đang rất quyết tâm xây dựng, phát triển thành phố thông minh, sáng tạo. Theo ông, cần tiếp cận vấn đề từ đâu để đạt hiệu quả cao nhất?

- Ứng dụng tiến bộ công nghệ quản lý đã được Bộ Chính trị ra nghị quyết triển khai. Nếu làm tốt cái này, sẽ giúp giải quyết các vấn đề nhân sự và lãng phí nêu trên.

Một đất nước như Việt Nam mà số hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính 11 triệu người, trong đó, ở cấp tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người. Đại để, cứ bình quân 9 người Việt Nam, phải nuôi một người hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách. Tỷ lệ riêng công chức và viên chức trên dân số của ta ước tính 4,8%, cao nhất so với các quốc gia châu Á.

Giáo sư - tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, việc cải cách bộ máy là vấn đề cực kỳ quan trọng, bởi chúng ta đang đứng trước bài toán vô cùng nan giải với căn bệnh trầm kha là phình bộ máy và tăng biên chế.

Ông kể lại, sang thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama rất ngạc nhiên khi nghe thông tin dân số ta chỉ bằng 25% dân số Mỹ nhưng công chức Việt Nam lại đông hơn công chức Mỹ. Không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như thế.

Với TP.HCM, đô thị thông minh không thể mọc lên giữa biển nông nghiệp và một nửa công nghiệp lạc hậu. Tuy nhiên, không như Singapore, chúng ta không thể giải quyết triệt để các vấn đề nhân lực xã hội như tổ chức một cụm kinh tế công nghiệp hoặc phân chia ranh giới hành chính và pháp lý về địa giới đủ mạnh để chia cắt cơ học thành một khu, một vùng để làm một đô thị thông minh biệt lập.

Do đó, vấn đề đô thị hay là vùng, địa bàn thông minh chỉ mới là một khái niệm đặt ra để nghiên cứu, và cần làm thử ở các quy mô, trước khi nhân rộng. Tại sao không thử nghiệm trong khu đại học hoặc khu công nghệ cao trước khi lập dự án mở rộng? 

Dù không thể rập khuôn, nhưng cần tham khảo mô hình Singapore với khu trung tâm TP.HCM sẽ thấy rõ là đến năm 2035, nếu TP.HCM không đạt một số tiêu chí căn bản về cảng biển, sân bay, giao thông, giáo dục… thì chúng ta sẽ tiếp tục bị bỏ lại phía sau. Nó đồng nghĩa với các vấn đề liên quan đến nguy cơ đe dọa độc lập, an ninh, chủ quyền.
Và, thách thức toàn cầu cũng là cơ hội, buộc chúng ta phải giải quyết vấn đề nhân lực như là một cuộc cải cách triệt để, toàn diện, có tính cách mạng trước năm 2050.
* Xin cảm ơn ông!

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI