Phát khùng với người điên trên phố

08/12/2018 - 06:00

PNO - Mùa nắng, trên đường phố TP.HCM, xuất hiện nhiều người có biểu hiện bệnh tâm thần. Họ không chỉ đi lang thang mà có khi còn la hét, chặn xe, rất nguy hiểm cho người lưu thông và cho chính họ...

Nhiều tình huống nguy hiểm, khó ngờ

Đã vào mùa nắng nhưng đường Đặng Thúc Vịnh (H.Hóc Môn) vẫn thường xuyên đọng nước, gây mất an toàn. Nguy hiểm hơn, trên tuyến đường này thường có một phụ nữ ngồi bệt giữa đường hàng tiếng đồng hồ. Đường Đặng Thúc Vịnh có nhiều xe tải nặng và cả xe container lưu thông, nên sự xuất hiện của người đàn bà tâm thần khiến các bác tài không khỏi ức chế.

“Biết là bả mất ý thức nhưng người thân đâu mà để bả ngồi ngay giữa đường như thế, lỡ tài xế không tránh kịp thì sao?” - một tài xế xe tải bức xúc khi thấy chúng tôi ghi hình người tâm thần cản trở lưu thông, vào một trưa nắng đầu tháng 12/2018.

Phat khung voi nguoi dien tren pho
Một người có biểu hiện tâm thần đạp xe ở làn dành cho ô tô trên đường Kinh Dương Vương - Ảnh: H.N.

Cũng vào một trưa nắng gắt, giao thông trên cầu Sài Gòn hướng từ nội thành ra Q.2 - cửa ngõ phía Đông TP.HCM - bất ngờ tắc nghẽn vì một người bệnh tâm thần đứng bên thành cầu kêu gào không ngớt. Nghe có tiếng la hét, mọi người giật mình đứng lại, tưởng có tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc có người nhảy cầu tự tử. Lát sau, khi đã giảm ùn tắc, chạy xe qua chỗ người đàn ông la hét, mọi người mới nhận ra anh này bị bệnh tâm thần. May là anh ta chỉ la hét, múa may chứ không nhảy ra giữa đường cản trở giao thông.

Tại cửa ngõ phía Tây TP.HCM, khoảng một tuần nay, nhiều người lái ô tô trên trục đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) nhiều phen giật mình vì sự xuất hiện của một người đàn ông có biểu hiện không bình thường. “Người này đi xe đạp, giống như đi nhặt ve chai. Không hiểu sao, anh ta cứ chạy xe vào làn ô tô. Có hôm trời tối, đang gấp mà ổng cứ chạy chàng ràng phía trước, bấm còi cũng không né, thật bực mình” - anh Tuấn, thường chạy xe qua trục đường này, kể.

Theo ghi nhận của chúng tôi, người đàn ông nói trên thường xuất hiện ở gần Bến xe Miền Tây. Với chiếc xe đạp chất đủ thứ rác bẩn, thoạt nhìn, người này giống như đang làm nghề nhặt ve chai, nhưng khi quan sát kỹ thì có biểu hiện tâm thần vì hầu như lúc nào anh ta cũng ở trần và nhặt cả những thứ không thể bán được. Anh ta thường chạy xe đạp vào làn dành cho ô tô và có vẻ thích chạy đua với ô tô.

Ở cửa ngõ phía Bắc TP.HCM, người lưu thông trên trục đường Trường Chinh (Q.Tân Bình và Q.12) cũng nhiều phen hết hồn vì sự xuất hiện thình lình của một người bệnh tâm thần. “Có hôm, mới sáng sớm, đang chạy từ cầu An Sương về hướng Q.Tân Bình, đến ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch thì bất ngờ có một người đàn ông đứng giữa đường phất cờ vẫy lại. Giật mình, thắng xe mới biết đó là người tâm thần. Mấy lần sau, chạy qua đoạn này, cũng thấy ổng đứng vẫy cờ. Nếu ổng bất ngờ nhảy ra chặn đầu xe thì không thể né kịp” - anh Nam, tài xế ô tô của một công ty ở H.Củ Chi, phản ánh.

Phat khung voi nguoi dien tren pho
Một người tâm thần đang “điều khiển giao thông” trên đường Trường Chinh gây lo ngại cho người đi đường - Ảnh: H.N.

Nhiều lần có mặt ở khu vực trên, chúng tôi nhận thấy người đàn ông này thường đứng phía trước dải phân cách giữa làn ô tô và xe máy ở ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch. Có lẽ người này tưởng mình là cảnh sát giao thông nên luôn có những hành động “điều khiển giao thông”, dù chưa chặn đầu xe nhưng hành vi thổi còi, vẫy cờ cũng làm cho người lưu thông cảm thấy bất an.

Thân nhân người bệnh tâm thần cũng rối

Tại khu vực bến phà An Phú Đông trên sông Vàm Thuật (nối Q.Gò Vấp và Q.12), người qua phà cũng nhiều phen hốt hoảng vì một thanh niên thường thình lình xuất hiện, thổi còi chặn xe và lớn tiếng nạt nộ. “Chập choạng tối, đang chạy xe xuống thì tự nhiên bị anh ta thổi còi chặn lại rồi la lớn, không cho đi. Ban đầu, tưởng đây là người điều khiển giao thông ở bến phà nên tôi dừng lại; quan sát một hồi, mới biết đó là người bệnh tâm thần. Dù vậy cũng thấy run, không biết khi bị chặn lại mà mình vẫn chạy thì có bị ổng đánh không” - chị Mến, nhà ở P.An Phú Đông, Q.12, kể.

Nhiều người sống gần bến phà An Phú Đông cho biết, thanh niên trên bị tâm thần, thường xuất hiện ở phía bờ Q.Gò Vấp và có hành động như đang làm nhiệm vụ điều khiển giao thông nhưng hơi thái quá khiến một số người lo sợ, nhất là phụ nữ. “Nhiều người lần đầu bị nó chặn xe nên sợ chứ trước giờ nó chưa đánh ai cả” - một người dân ở gần bến phà giải thích. Dù vậy, theo người này, tốt nhất là gia đình nên quản thúc, không để họ ra đường gây lo sợ cho người khác.

Trong khi người đi đường có cảm giác bực bội và lo ngại khi phải thường xuyên “đụng độ” với người bệnh tâm thần trên phố thì người thân của những bệnh nhân tâm thần cũng rối bời. Anh T. - ở đường 5F, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, thân nhân của một người bệnh tâm thần vừa đi lạc - khổ sở: “Anh ấy bỏ đi cả tuần nay, cả nhà tìm khắp nơi vẫn chưa thấy. Chúng tôi đã báo công an phường và dán tờ rơi nhờ giúp đỡ nhưng hiện vẫn chưa có thông tin gì”.

Phat khung voi nguoi dien tren pho
Tờ rơi tìm kiếm người bệnh tâm thần đi lạc - Ảnh: H.N.

Theo thông tin trên tờ rơi của gia đình anh T., người đàn ông mắc bệnh tâm thần đi lạc từ ngày 10/11/2018, sinh năm 1980, lúc đi mặc áo sơ-mi sọc ca rô, da đen, hay cười, hút thuốc lá liên tục, vừa đi vừa vung vẩy. Đặc điểm này khá giống một người bệnh tâm thần hay lang thang ở khu vực đường Thống Nhất và Lê Đức Thọ Q.Gò Vấp mà chúng tôi thường nhìn thấy khi đi ghi nhận về tình trạng người tâm thần xuất hiện nhiều trên phố trong thời gian gần đây. Song, người bệnh tâm thần thường di chuyển liên tục nên việc giữ họ lại để thông báo cho thân nhân đến đón là vô cùng khó khăn.

Cách xử trí khi thấy người tâm thần gây rối

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - chuyên khoa Tâm thần, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho biết, theo quy định, khi thấy người tâm thần gây mất an ninh trật tự nơi công cộng, người dân nên báo cho công an ở khu vực đó.

“Tại TP.HCM, công an địa phương có trách nhiệm đưa người tâm thần gây rối nơi công cộng đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM để điều trị. Sau khoảng 2 tuần điều trị, khi người tâm thần đã ổn định, bệnh viện sẽ thông tin trên báo để gia đình đến đón về. Trường hợp người tâm thần không có thân nhân đến đón, bệnh viện sẽ chuyển sang Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) để chăm sóc” - bác sĩ Hiển thông tin.

Theo bác sĩ Hiển, tỷ lệ người tâm thần đánh người hay gây rối nơi công cộng không cao nên người dân cũng không nên quá lo lắng khi gặp người tâm thần trên phố. “Có một số dạng tâm thần tiến triển bệnh lý theo mùa. Ví dụ như bệnh trầm cảm thường bị nặng khi vào mùa thu; vào mùa nắng nóng, người bệnh tâm thần cũng thấy bực bội, khó chịu hơn mùa mưa” - bác sĩ Hiển nói thêm.

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI