36 năm trên bục giảng, ra về tay trắng

03/08/2013 - 08:25

PNO - PN - Cô Lê Thị Hải, giáo viên (GV) mầm non tại Trường mầm non Đại An, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, vừa có quyết định về hưu sau 36 năm theo đuổi nghề giáo. “Tôi nghĩ miết không ra, số tôi đen bạc quá, 36 năm đứng...

Cách đây ba năm, HĐND tỉnh Quảng Nam ra Nghị quyết 159, theo đó, các trường mầm non dân lập được chuyển sang công lập, gần 2.000 GV có thời gian công tác lâu nay trong ngành được tuyển vào biên chế. UBND tỉnh ra Quyết định 2232 thực hiện nghị quyết trên, trong đó, lương GV phải căn cứ vào số năm giảng dạy, làm việc để xếp bậc. Nghị quyết này được đánh giá là nhân văn, nhằm đảm bảo quyền lợi cho GV mầm non vốn nhiều cực khổ, lắm thiệt thòi. Nhiều địa phương trong tỉnh như Núi Thành, Điện Bàn đã làm tốt, tuy nhiên tại Đại Lộc, Duy Xuyên thì khác. “Họ tính thời gian đóng BHXH của tôi, từ 2002 đến nay để trả lương, xếp bậc. Khi ra về, tôi được trả một lần 17 triệu, bậc lương là 2,66. Hết. Tôi khiếu nại khắp nơi. Họ nói đâu cũng làm như rứa, chỗ nào làm khác, cô đưa bằng chứng ra, chúng tôi giải quyết. Tôi xuống Điện Bàn, xin mấy quyết định vào biên chế, truy lĩnh lương của mấy chị bạn tuổi như tôi, đem về mấy ổng coi xong lại nói Điện Bàn làm sai. Tôi lại nói cũng là quy định của tỉnh, sao các anh làm khác? Họ nói họ làm theo Nghị định 116 của Chính phủ”.

Cô Hải cho biết, ngày 1/6/1976, khi bậc học mầm non ở tỉnh ra đời, cô chính thức đi dạy. Nhiều năm tháng cơ cực, làm không lương, không gạo, đến 1978 cô mới có trợ cấp gạo, chấm công điểm lãnh lúa, sau đó được lãnh lương. Không ngờ 36 năm, dạy bao thế hệ học sinh, lúc về già cô tay trắng. Ngoài 17 triệu đồng, theo quyết định thất nghiệp sáu tháng, cô được nhận mỗi tháng 1,6 triệu đồng, một phiếu khám bệnh trong sáu tháng chứ không có BHYT. “Mấy đứa con thương tôi, hùn lại mở cho quầy tạp hóa nhỏ xíu này sống qua ngày” - cô Hải nghẹn ngào.

36 nam tren buc giang, ra ve tay trang

Cô Hải với quầy tạp hóa vừa mở

Ông Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc cho rằng, những người trên 45 tuổi như cô Hải không được vào biên chế là do “độ tuổi lớn không đúng với Nghị định 116”. Là người chủ trì việc soạn thảo Nghị quyết 159 của Quảng Nam, ông Bùi Công Hai, Phó giám đốc Sở Nội vụ phản ứng gay gắt: “Huyện Đại Lộc đã sai hoàn toàn! Xếp lương từ thời gian đóng BHXH năm 2002 làm thiệt thòi quyền lợi bao nhiêu GV. Họ cống hiến, chịu thiệt thòi mấy chục năm, giờ anh đem đổ sông đổ biển à?”. Còn về lý do những trường hợp như cô Hải, bị đẩy “ra rìa”, không vào được biên chế để hưởng chế độ bởi bị áp dụng Nghị định 116 ban hành ngày 10/10/2003, ông Hai nói: “Từ chối không đưa người ta vào biên chế là lý do không thể chấp nhận. Không tuyển dụng trên 45 tuổi là tuyển dụng lần đầu, còn các cô giáo mầm non hàng chục năm công tác mà không được tính, là cực kỳ vô lý. Vấn đề này Sở Nội vụ đã khẳng định rất nhiều lần trong các cuộc làm việc với huyện”. Trả lời câu hỏi: “Trường hợp cô Hải vừa có quyết định về hưu, có được giải quyết truy lĩnh lương và sổ hưu không?”. Ông Hai nói: “Tôi sẽ về Đại Lộc giải quyết”.

Cô Hải cho biết, hiện còn rất nhiều trường hợp như cô phải chịu thiệt thòi vì mỗi nơi làm mỗi cách như trên. “Tôi mơ vào biên chế, dù chỉ một ngày, chẳng phải để đòi này nọ, mà xem đấy là niềm vui sau một đời làm nhà giáo nhưng không được” - cô Hải chua chát. Tại sao có chuyện mỗi nơi làm mỗi khác? Ông Hai nói: “Quyết định 2232, phần trên nói về trách nhiệm của BHXH, chi trả lương từ thời gian đóng BHXH, phần dưới là nói rõ việc tuyển dụng biên chế, cần phải tính đến các GV mầm non đã cống hiến hàng chục năm qua, nhưng lại làm sai thì rõ ràng có vấn đề”.

 Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI