Nước suối ô nhiễm khiến chó gà chết, người ngắc ngoải vì công ty xả thải

03/04/2017 - 07:24

PNO - xã Krông Á, huyện Ma Đrắk, tỉnh Đăk Lăk nuôi cá thì cá chết, trồng lúa thì lúa không trổ bông, ăn ngủ cũng không được vì mùi hôi thối vì nhà máy xả thải ra môi trường.

Từ nhiều tháng nay, cuộc sống của người dân trên địa bàn xã Krông Á, đang ngày càng điêu đứng bởi chất thải từ Nhà máy chế biến tinh bột khoai mì (chi nhánh của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước xả ra môi trường. 

Sau một đêm, cá chết trắng ao

Không chỉ gây hôi thối, nước thải của nhà máy chế biến tinh bột khoai mì nói trên còn khiến cho một nhánh suối Krông Á dài 15km, chạy qua hai xã Krông Á và Cư San liên tục nổi bọt, đổi màu. 

Nuoc suoi o nhiem khien cho ga chet, nguoi ngac ngoai vi cong ty xa thai
Người dân lo lắng trước tình trạng nước suối bị ô nhiễm.

Nhà máy nói trên đặt ở đầu nguồn của nhánh suối, đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 nhưng chỉ vài ngày sau, vào sáng 15/9/2016, hồ chứa nước thải bị tràn, nước thải theo nước mưa chảy ra suối, tràn vào ruộng lúa, ao cá của dân, khiến cá chết hàng loạt. Cũng từ đó, người dân phải hứng chịu mùi hôi thối phát tán. 

Ông Ngô Văn Quang, 41 tuổi, ngụ thôn 2, xã Krông Á, than: “Lập nghiệp ở đây hơn 10 năm nay, gia đình tôi sinh sống bằng việc nuôi cá và trồng tiêu. Sáng 15/9/2016, tôi ra thăm thì phát hiện ba tấn cá nuôi trong ao 8.130m2 chết nổi trắng trên mặt ao, nước ao chuyển sang màu đen và có mùi hôi khó chịu. Nguyên nhân cá chết là do ngộ độc nước thải từ nhà máy chế biến tinh bột khoai mì. Kể từ đó, gia đình tôi không dám thả con gì xuống ao nữa, bởi ngay cả con ốc bươu còn không sống nổi”. 

Tương tự, lượng cá trong 1.500m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc và nhiều gia đình khác cũng chết sạch. Sự việc đã được bà con báo cáo chính quyền. 

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Đảng ủy xã Krông Á, sau khi sự cố xảy ra, nhà máy chế biến tinh bột khoai mì đã hỗ trợ tiền dầu cho một số hộ hút nước vệ sinh ao, đền bù cho dân hai vụ mùa và tiền đắp lại bờ ruộng. Tổng chi phí hỗ trợ và đền bù khoảng gần 1,7 tỷ đồng. Nhà máy cũng cam kết sẽ khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường. 

Người lớn nôn ói, trẻ con đau đầu

Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại so với những gì lãnh đạo nhà máy chế biến tinh bột khoai mì đã hứa. Theo người dân, kể từ sau khi xảy ra sự cố, nhà máy liên tục xả nước thải vô tội vạ ra suối khiến nước suối đổi màu, nổi bọt trắng và bốc mùi hôi thối nồng nặc, sinh vật sống dưới suối và hai bên bờ chết dần, chết mòn.

Chó mèo ra suối tha cá chết về ăn, sau đó cũng giãy đành đạch; gà ra suối uống nước cũng lăn ra chết. Dân trên địa bàn xã không dám sử dụng nguồn nước suối để tưới tiêu. Thiếu nước tưới nên hơn 1.000 trụ tiêu của gia đình anh Ngô Văn Quang dần héo úa. 

Bà Nguyễn Thị Vặn ngụ tại thôn 3, xã Krông Á, lo ngại: “Trước đây, gia đình tôi sử dụng nước suối để trồng bảy sào lúa, tưới 250 trụ tiêu và các loại rau màu. Từ khi nhà máy xả thải ra suối, chúng tôi điêu đứng vì không còn nguồn nước tưới tiêu. Ao cá cạn nước cũng không dám đưa nước suối vào. Nhiều người đánh liều dẫn nước suối vào ruộng thì lúa không thể trổ bông hoặc có trổ thì cũng bị lép hạt.

Lội ruộng thì người bị nổi mụn ngứa, lở loét. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nguồn nước sinh hoạt cũng sẽ bị ảnh hưởng, người dân nơi đây không biết phải sống thế nào nữa”.

Ông Phạm Văn Thắng - công an viên thôn 3, xã Krông Á - chia sẻ: “Rất nhiều hộ dân sống bên cạnh dòng suối đang sống dở, chết dở, nhiều người bỏ ăn, nôn ói vì mùi hôi thối. Trẻ con liên tục kêu đau đầu, đau mũi nhưng đem đến bệnh viện khám không ra bệnh. Thậm chí, nhiều người phải đeo khẩu trang để ngủ nhưng vẫn không thoát khỏi được mùi hôi từ dòng nước suối”.

Ngang nhiên xả thải

Trước tình trạng này, người dân đã nhiều lần phản ánh lên UBND xã Krông Á để được hỗ trợ giải quyết. Thế nhưng, sau mỗi lần làm cam kết không xả thải ra môi trường, nhà máy lại tiếp tục vi phạm. 

Trả lời những bức xúc của người dân, ông Khương Văn Phong, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Ma Đrắk khẳng định: “Cho đến nay, nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, chi nhánh Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước vẫn đang trong quá trình chạy thử.

Một số hạng mục của nhà máy vẫn chưa được hoàn thiện, trong đó có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và sân phơi bã mì. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước và bầu không khí nơi đây.

Sau sự cố của nhà máy vào ngày 15/9/2016, UBND huyện, UBND tỉnh và Sở TNMT đã thành lập đoàn kiểm tra. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo nhà máy tạm dừng hoạt động để hoàn chỉnh các hạng mục rồi mới được tiếp tục chạy thử. Thế nhưng, thời gian qua, phía nhà máy không thực hiện nghiêm chỉ đạo này, cũng không thực hiện đúng cam kết với người dân và cơ quan chức năng”.

“Nguồn nước này không thể dùng để tưới tiêu cho cây trồng. Quan điểm của UBND tỉnh, UBND huyện và Phòng TNMT là sẽ tiếp tục yêu cầu nhà máy dừng hoạt động để hoàn thành các hạng mục theo quy định mới cho chạy trở lại. UBND huyện sẽ mời lãnh đạo nhà máy lên làm việc về vấn đề này. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị đơn vị có thẩm quyền đem mẫu nước thải của nhà máy đi phân tích các thông số” - ông Phong nói thêm.

Nguyên Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI