Nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập sắp bị phá bỏ, nhiều chuyên gia lên tiếng ‘phải thận trọng’

11/12/2019 - 11:00

PNO - Trước việc Đài phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai sắp bị phá bỏ, nhường chỗ cho dự án đường vành đai 2, nhiều chuyên gia tiếp tục lên tiếng nhấn mạnh chính quyền Hà Nội “phải thận trọng”.

Trước việc Đài phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai (gọi tắt là đài Bạch Mai), một trong những cơ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam một thời - nơi phát đi cho toàn thế giới biết ở Việt Nam có một bản Tuyên ngôn độc lập lúc 11g30 ngày 7/9/1945, đồng thời cũng là nơi phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 - sắp bị phá bỏ, nhường chỗ cho dự án đường vành đai 2, nhiều chuyên gia tiếp tục lên tiếng nhấn mạnh chính quyền Hà Nội “phải thận trọng”. 

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc: 
“Làm mới rất dễ nhưng quá khứ không dễ gì làm lại được”

Nguy cơ sắp bị phá bỏ của đài Bạch Mai mà báo chí phản ánh mới đây cũng là câu chuyện phổ biến cho mối quan hệ đối kháng giữa bảo tồn và phát triển. Đương nhiên ở đây, ta phải cân nhắc. Thứ mà chúng ta có thể làm mới thì rất nhiều, rất dễ; cũng như việc càng ngày chúng ta càng giàu thêm, công nghệ ngày càng hiện đại hơn, đất nước ngày càng đẹp hơn; nhưng cũng phải nhìn thấy rằng, những gì thuộc về quá khứ không dễ gì làm lại được. Vì lẽ đó, chúng ta ưu tiên đến công tác bảo tồn nhiều hơn, trừ những trường hợp bảo tồn ảnh hưởng quá lớn đến phát triển. 

Là người dân, không ít người mong có một con đường to hơn, một tòa nhà lớn hơn, nhưng nếu vì thế mà xóa bỏ ký ức, nhất là ký ức gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng thì phải xem lại. Ở đây, cần tới vai trò quản lý nhà nước, sức mạnh quản lý nhà nước, để giải bài toán đó như thế nào cho hợp lý, bền vững.

Cần nhớ, một trạm phát thanh trải qua rất nhiều thử thách của lịch sử, đặc biệt của chiến tranh, từ thời chúng ta dựng nước, đến thời kỳ chúng ta đứng lên bảo vệ nền độc lập ấy, phải nói đó là vô giá. Khi nói điều này, cá nhân tôi không hướng đến một sự tuyệt đối nào cả, vấn đề còn lại là sự cân nhắc, thật sự cân nhắc và thận trọng của những người có trách nhiệm.   

Noi phat di ban Tuyen ngon doc lap sap bi pha bo, nhieu chuyen gia len tieng ‘phai than trong’
Nơi phát đi “tiếng nói Việt Nam” khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sắp bị phá bỏ, nhường chỗ cho dự án đường vành đai 2

Kiến trúc sư Nguyên Hạnh Nguyên, Nhóm những người yêu di sản Việt Nam (Save Heritage Vietnam): 
“Rất mong có một sự điều chỉnh trong thời điểm cấp bách này”

Khi thông tin đài Bạch Mai sắp bị phá bỏ được đăng tải trên báo chí, một số chuyên gia đã “hiến kế” để giải quyết câu chuyện này, chẳng hạn như ý tưởng di dời trạm phát sóng của ngài Martin Rama là một trường hợp mà tôi cho rằng Hà Nội có thể lưu tâm, xem xét. 

Thực sự việc “nhổ” một công trình di sản ra khỏi không gian cũ của nó cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi rất nhiều giá trị (về địa điểm, cảnh quan và vị trí lịch sử). Nhưng ở một chừng mực nào đó, đây là việc cuối cùng có thể làm cho công trình này. Tuy nhiên, khi đã chọn đánh đổi, phải ra được một “đề bài” mới, tạo điều kiện cho một câu chuyện có sức ảnh hưởng từ yếu tố di sản. Chẳng hạn, Hà Nội có thể mở cuộc thi gấp để tìm được ý tưởng phù hợp nhất, mang lại giá trị mới cho di sản này; đồng thời, tìm một khu đất phù hợp để có thể đưa công trình này về. Thiết kế kết hợp được công trình di sản trên nền bối cảnh mới là một thách thức nhưng sẽ là một trường hợp rất hay cho sáng tạo. Quá trình tổ chức thi và thực hiện di dời, tái cấu trúc lại không gian di sản trên nền mới có thể gây tốn kém chi phí, song đó là một sự đầu tư cần thiết.

Trong lúc đợi tiền bạc, công nghệ lẫn đổi mới quản trị như một chuyên gia nói, điều cần thiết ngay lúc này là nhanh chóng có quyết định dừng lại để xem xét. Sau đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần rà soát lại cụm các công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc trên phố Đại La có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dự án đường vành đai 2.

Tuy nhiên, về mặt lâu dài, tôi vẫn cho rằng, Hà Nội và các đô thị đặc thù phải xây dựng quy chế riêng: quy chế phát triển đô thị trong đó có tính toán cho di sản, như vậy mới bền vững được. Kể cả có phát triển chăng nữa, cũng phải luôn giữ giá trị gốc, vì chính di sản định hình giá trị gốc cho Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn chứ không phải bất cứ yếu tố nào. 

Bất cứ đô thị nào trên thế giới cũng trải qua một giai đoạn phát triển nóng (phát triển nhanh để phục vụ kinh tế), và vì thế thường vấp phải sai lầm là vô tình phá hủy những giá trị cốt lõi mà chính họ cũng không nhận ra. Sau thời kỳ phát triển nóng đó, nhiều đô thị phải xây dựng lại, phục hồi, tái thiết lịch sử, nhưng không bao giờ còn giá trị nguyên gốc nữa. Hà Nội cũng như rất nhiều đô thị của Việt Nam đang trong tình trạng này. Tuy nhiên, đi sau, lẽ ra chúng ta cần biết rút kinh nghiệm của các đô thị đi trước; không thể thờ ơ, thậm chí ứng xử thô bạo với các giá trị gốc đó. 

Hà Nội cam kết mạnh mẽ là đô thị thông minh và phát triển bền vững, nhưng phá công trình giá trị lịch sử để phục vụ phát triển, Hà Nội có xứng đáng với danh xưng này? Chúng tôi rất mong có một sự điều chỉnh hoặc ít nhất, có một sự thận trọng ngay trong thời điểm cấp bách này. Hãy chậm lại một nhịp và nghĩ thêm một chút cho lịch sử, hãy tôn trọng lịch sử.

Nhà văn - nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến: 
“Nếu tiếp tục phá, sẽ không cách gì có thể biện minh với thế hệ tương lai”

Cho tới thời điểm hiện tại, khu nhà này vẫn chưa được xếp hạng di sản, đương nhiên không được bảo vệ bởi Luật Di sản văn hóa. Việc xóa bỏ nó để thực hiện con đường vành đai 2 là chuyện không hề sai về mặt thủ tục. Tuy nhiên, về tình cảm, để một công trình như thế bị vùi lấp, vẫn có gì đó tắc ở cổ họng. 

Không riêng Hà Nội mà các đô thị trên thế giới cũng bị mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, đặt ra nhiều câu hỏi lẫn câu trả lời thỏa đáng, đặc biệt với Hà Nội - đô thị đã mất quá nhiều di tích. Làm sao giữ lại được nó trong một thời đại mà cái gì cũng vồ vập, nhanh lia lịa, tưởng chừng có thể nuốt chửng mọi thứ như thế này - không hề dễ dàng!
Sự lên tiếng của cộng đồng cũng như các phương tiện truyền thông chỉ là một trong những công cụ thúc đẩy việc bảo vệ di sản; tuy nhiên, chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự vào cuộc, quan tâm của chính quyền lẫn ngành văn hóa. Ở đây có thêm một bên nữa là chủ đầu tư. Mọi quyết định nằm trong tay của họ, chứ không phải trong tay cộng đồng. Tiếng nói cộng đồng sẽ trở nên vô hiệu khi chủ đầu tư, chính quyền, lẫn ngành văn hóa không đoái hoài.

Tôi đọc ở đâu đó, người ta nói văn hóa kìm hãm sự phát triển. Nói như thế là thiếu hiểu biết. Văn hóa chưa bao giờ là yếu tố kìm hãm; ngược lại, còn là động lực cho sự phát triển của kinh tế cũng như xã hội của một quốc gia. Thậm chí, ở một số nơi, văn hóa còn mang tính kiến quốc, tạo lập giá trị của quốc gia. Khi những giá trị văn hóa mất dần, rõ ràng, đô thị đó dần mất thứ tài sản - của để dành của mình. 

Tất nhiên, không phải lúc nào, ký ức cũng tốt đẹp; nhưng có những ký ức thuộc về cộng đồng, thuộc về tập thể, làm nên diện mạo đô thị, ví dụ như tòa nhà đài Bạch Mai này - nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, giờ mà bỏ đi, chúng ta có lỗi với lịch sử, với thế hệ tiền nhân đổ xương máu tạo lập nên. 
Nếu tiếp tục phá những công trình có giá trị như vậy, chúng ta không cách gì có thể biện minh với thế hệ tương lai cả. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI