Những Sài Gòn trong Sài Gòn

17/02/2018 - 09:00

PNO - Bạn biết gì về Sài Gòn? Câu trả lời trọn vẹn, là mãi mãi dang dở, khi dòng thanh âm bất tuyệt của những rẽ nhánh từ chuyến xe thổ mộ mãi vang những quãng khúc bất ngờ.

Sài Gòn, chạm. màu. mây. xưa…

Nhung Sai Gon trong Sai Gon

Dòng hoang tịch của bờ bến cũ, ngõ vắng mà xôn xao khác lạ, cái liếc mắt xốn xang thuở áo trắng đến trường, cả niềm vui lang thang đến nơi xa lắc, rồi giật mình, rằng không đâu bằng Sài Gòn, một cây cầu xám buồn như hơi thở người già, là chốn vịn của trầm tư để xôn xao theo cánh hoa dầu xoay tít, biết mình phải lòng chốn này từ trong tiền kiếp, như tiền nhân một thuở dòng nối dòng không ngừng nghỉ tìm về chốn này để làm nên một cốt cách Sài Gòn.

Một Sài Gòn mà tuổi già hóng chuyện tụi trẻ, kín đáo gật gù, Sài Gòn chúng mình thuở ấy là đây. Một Sài Gòn khác mà không lạ, bởi Sài Gòn là… Sài Gòn. Hãy ngồi xuống vỉa hè, ly cà phê sữa đá Sài Gòn thơm phức đủ ru một điệu hoài nhớ về màu mây chưa xa…

Ở Sài Gòn hồi trước, cứ xuống tới Hàng Xanh là đã thấy ngoại thành. Ngay ngã tư, những cỗ xe thổ mộ đứng xếp hàng, rộn ràng bắt khách. Mỗi cỗ xe buộc vào một con ngựa. Con vật có ánh mắt sâu vạn dặm được đeo cương, trở thành linh hồn của phương tiện.

Hành khách ổn định, hàng hóa để sát dưới chân, trẻ em được ngồi kèm giữa những người lớn, sẵn sàng cho một đoạn đường dằn xóc. Đến khi người phu xe quất roi vào mông ngựa, xe lăn bánh; phần Sài Gòn đang xa khuất phía sau như một thị tứ của những-vùng-Sài-Gòn-sắp-tới.

Một vùng thành đô, một miền thảo dã

Xe từ Hàng Xanh tỏa đi nhiều ngả. Mà ngả nào cũng mang hành khách lạc vào những Sài Gòn khác. 

Từ Hàng Xanh, xe xuôi về hướng Hóc Môn, ngang một đầm lầy lau lách đầu tiên ngay vị trí đường Đinh Bộ Lĩnh bây giờ. Phu xe thường kéo vó thật gấp ngay đoạn Bảy Hiền, đặng giao hàng hoặc trả khách, trước khi vút đi trong tiếng máy dệt rầm rập tứ bề.

Nhung Sai Gon trong Sai Gon
Thành phố không có “màu sắc” riêng, chỉ có cái riêng từ sự muôn màu, muôn sắc. Đó là Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Kỳ

Đến ngay đoạn ngang qua lối vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa, trời đất đã “báo trạm” bằng một rừng bạch dương rợn ngợp như hình ảnh trong Văn tế thập loại chúng sinh: “Đường bạch dương bóng chiều man mác”. Vùng tâm linh chìm giữa cỏ cây và thiên nhiên hoang vắng đó đôi khi níu giữ người nội thành đến hết ngày.

Men theo con đường Bình Quới mà đi xa dần Sài Gòn, đoạn sau cuối mỗi lúc một hẹp lại giữa cái đông đúc dần của nhà cửa hai bên. Quang cảnh náo nhiệt như các con đường đổ xuống những bãi biển nổi tiếng.

Nhưng, đường Bình Quới chỉ đổ ra sông. Vừa nghe tiếng phà lạch phạch nổ phía trước, đã thấy con đường… chạy thẳng xuống sông. Đường bộ đã hết lối. Xe thổ mộ cũng dừng lại, nhường phần chuyên chở cho con đò. Cũng cùng quãng đường ấy, cũng đổ ra sông, nhưng ở cánh Thủ Thiêm, hành khách ở nội thành Sài Gòn hết hồn tưởng mình lạc xuống tận miền Tây khi thấy mấy dãy mái che tạm bợ, có những chiếc võng cũng tạm bợ.

Tiếng nhạc boléro được vặn to hết cỡ, vọng ra từ quầy thuốc lá ngay đầu lối ra bến đò, nghe hiu hắt cả một khúc sông. Ngay chỗ đó, nhìn ngược lại xuống sông, trời đất như “bắc cầu” giữa hai bờ bằng mấy vạt bèo khổng lồ, chở theo mấy con cò trắng muốt, bình lặng trôi.

Nhung Sai Gon trong Sai Gon

Cái xa khác của Thủ Thiêm thời trước còn lưu lại trong vở kịch nói Màu của tình yêu ở rạp Hoàng Thái Thanh tân thời. Mỗi lần bà Nhớ (NSƯT Kim Xuân) thể hiện nỗi giận hờn bằng cái ngúng nguẩy: “Tui dzìa Thủ Thiêm đó nghen!”, ông Thôi Ứng (NSƯT Thành Hội) lại cuống quýt van nài, đền tội - khán giả mất cảnh giác, lại tưởng như Thủ Thiêm đó ở đâu mút chỉ... Cà Mau. 

Cứ thế, ở mọi ngả đường, chiếc xe ngựa đều như chia đôi thành phố này trong cái nhìn của hành khách, dù là người Sài Gòn thứ thiệt, hay người mới ghé chơi lần đầu. 

Xuống xe ở lượt về, Sài Gòn như vừa giã biệt miền thảo dã mà trở lại dáng dấp đô thành. Chiếc xe thổ mộ chỉ còn vọng lại tiếng vó ngựa nhạt nhòa giữa âm thanh của hàng chục phương tiện. Sống ở Sài Gòn gần 70 năm, trong đoạn đời xa xưa đó, nhà văn Nhật Chiêu đã xuôi không biết bao nhiêu chuyến xe thổ mộ về vùng ngoại thành. Đến khi trở lại bến Hàng Xanh, bắt xe lam về khu Vườn Chuối - Bàn Cờ, ông (khi ấy là cậu học trò yêu văn) lại thấy như “Sài Gòn tính” đang khiến chính cái thị tứ sầm uất và giao thoa tứ phía này, cũng đang làm những cuộc phân ly.

Vườn Chuối và Bàn Cờ sát bên nhau. Giữa trung tâm Sài Gòn, xóm Vườn Chuối hiện lên dân dã như một vùng quê đi lạc. Mặc kệ nhà cửa san sát, đường sá chằng chịt như không hề quy hoạch; hai bên đường mọc đầy những bụi chuối, xen kẽ giữa những mái nhà thấp.

Mọi cây chuối đều “có chủ”, nhưng bóng xanh thuộc về những con đường, làm nên những ngõ chuối quê mùa giữa cái không gian chộn rộn thị thành. Xóm Vườn Chuối vốn là một khu chợ tự phát. Người ta chỉ cần đi bộ quanh cái xóm bán đủ thứ, từ vật dụng gia đình đến thực phẩm, đồ ăn vặt… đã đủ đầy cho mọi nỗi thòm thèm của tuổi thơ phố thị.

Thế nhưng, trường tiểu học lại ở bên kia “ranh giới”, trẻ con hai khu dồn lại một trường. Bước qua con đường Vườn Chuối, sau cái cổng “cư xá Đô Thành”, những đứa trẻ phía bên này lại chứng kiến một Sài Gòn tươm tất, nền nếp ở Bàn Cờ.  

Đều là chữ gọi của người dân cả, nhưng một bên là “xóm”, một bên là “cư xá”. Ban ngày, những đứa trẻ xóm Vườn Chuối cuốc bộ sang bên kia học chữ. Ban đêm, ở Bàn Cờ nghe vọng từ bên này tiếng ngựa hí, rồi rầm rập tiếng đạp chân của ngựa từ những trại chuyên phục vụ cho trường đua Phú Thọ ở Vườn Chuối. Và, cái “chất” của Sài Gòn như đã hiện lên đâu đó giữa cả những lồng ghép và phân ly hữu hình lẫn vô hình giữa hai tiểu khu nhiều khác biệt này. 

“Trai Pétrus Ký, gái Gia Long”

Có một Sài Gòn trẻ trung và thơ mộng giữa hai trời cách biệt: trường nam sinh Pétrus Ký (bây giờ là trường Lê Hồng Phong) và trường nữ sinh Gia Long (tiền thân của trường Nguyễn Thị Minh Khai). Trường chia theo… giới tính. Nhưng, sự thiếu vắng tất yếu của… “cây cầu ô thước” khiến sự “tồn tại song song” một cách… “giàu tính toán học” này, trở thành một câu chuyện đẹp mà cũng nhiều trớ trêu trong ký ức Sài Gòn.

Nhung Sai Gon trong Sai Gon

Đến bây giờ, hễ thấy một cô gái nào “Sài Gòn” quá, người ta lại khen ngợi bằng cách so sánh với nữ sinh Gia Long xưa. Sau gần 60 năm, trải qua nhiều cung bậc khác của một người nữ làm trong ngành nghề liên quan đến hình ảnh người phụ nữ; cái cảm giác về sự nữ tính từ thời còn “mài đũng quần” ở trường Gia Long vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi. Lớn lên ở Tây Ninh, đến năm 12 tuổi, bà Chơi trúng tuyển, rồi gói ghém xuống Sài Gòn, nhập học nội trú ở trường Gia Long.

Sài Gòn lúc ấy như “một công viên khổng lồ rợp cây xanh” nhanh chóng khép lại cùng cánh cổng trường nội trú. Toàn bộ thế giới còn lại, là thế giới bên trong sân trường. Ngày thường mặc áo dài trắng, mang giày trắng, ngày lễ mặc áo dài xanh, đội nón lá quai xanh; Sài Gòn nhanh chóng “thuần dưỡng” một cô gái tỉnh lẻ trong sự cởi mở, đồng bộ đó của môi trường sư phạm thanh lịch bậc nhất Nam kỳ.

Mỗi buổi tan học, trước cổng trường Gia Long, người ta vẫn thấy các tay nhiếp ảnh lẫn những du khách nước ngoài đứng chờ đợi khoảnh khắc hàng trăm nữ sinh trong cánh áo dài trắng tràn ra suốt một quãng đường. Những buổi chiều trắng đó là một nét đẹp vẫn được lưu truyền về góc đường Điện Biên Phủ - Trương Định ngày nay.

Trong số những người đứng ngóng đợi nữ sinh Gia Long tan học, có những cậu trai trường Pétrus vừa đạp xe thục mạng vượt 3km để chạy từ đường Nguyễn Cư Trinh về Điện Biên Phủ. Đem giai thoại này hỏi Nhật Chiêu, ông gật gù cười: “Ngày thường học xong là học sinh Pétrus Ký lại ùa ra cái thư viện lớn sau trường… cầu may, vì các bạn trường Gia Long rất siêng đi thư viện. Còn chuyện đạp xe đuổi cho kịp giờ tan học của nữ sinh Gia Long mỗi chiều thì chắc không có anh nam sinh nào từng học ở nội thành mà không biết”. 

Hồi đó, cuối năm, Pétrus Ký hay kết hợp với Gia Long tổ chức giao lưu, nên cứ mỗi năm một lần, đến hẹn là như ong vỡ tổ. Sài Gòn giữa hai bầu trời ứ đầy mộng mơ và tràn trề năng lượng đó, như cũng để lộ một con tim thanh xuân mạnh mẽ, chân thật và tinh nghịch của chính thành phố này. Trường Gia Long có nội trú. Sau giờ học, khuôn viên trường nữ như trở thành “khuê phòng” của quý cô đài các, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Nhung Sai Gon trong Sai Gon
Những cậu trai trường Pétrus Ký đạp xe thục mạng về hướng Gia Long, ngóng chờ, cầu may... đã làm nên những buổi chiều trắng lãng mạn tuổi học trò của một Sài Gòn năm xưa

Có điều, từ một ban công kín đáo nào đó trên lầu, nhìn sang chùa Xá Lợi, thanh nữ phía này có thể nghe trọn mấy lời trêu ghẹo của những chàng trai đang ôm tập học bài phía bên kia. Chuyển đôi cái nhìn, mấy lời thăm hỏi, hay cả những màn đối đáp tập thể “vô thưởng vô phạt” - mà cái ban công trường nội trú chợt trở nên diễm tình; và chùa Xá Lợi, khi đó, nghe nói cũng… lên cơn “sốt chỗ ngồi học bài”.

Thời đó, thầy cô Gia Long một phen “vã mồ hôi” khi dư luận, báo chí rộ lên thông tin về nhóm nữ có tên “CTY” lập ra để kết bạn, và khá “có tiếng” trong học sinh các trường. CTY rầm rộ một thời gian rồi cũng bị “đàn áp” bởi những tiêu chuẩn nữ tính của trường, của cái “gia giáo truyền đời”. Nhưng tinh thần của nó thì vẫn còn được lưu truyền khá lâu, như tiếng nói dũng cảm lạ thường của thế hệ thanh thiếu niên bị… chia rẽ giới tính.

Đến bây giờ, cựu học sinh các trường Pétrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương… vẫn còn tranh luận về ý nghĩa thật của mật danh “CTY” giữa các “dị bản”: “cần tình yêu”, “cấm tình yêu”, “cho tình yêu”, “cướp tình yêu”. Mà dù là dị bản nào, thì CTY cũng vang vang cái điệp khúc “tình yêu”, làm nức lòng các anh trường nam sinh một thuở. 

Những đúc kết lỗi thời

Trong làn sóng “vọng Sài Gòn” chưa xa, “Sài Gòn xưa” hoa lệ, lịch thiệp và đầy khí chất trong những buổi rượu ái tình kịch tính hay những thương vụ lãng mạn cứ luyến lưu như một bản valse quấn quýt từng con chữ cầu kỳ, trau chuốt. Đó là Sài Gòn quyến rũ và mê đắm khách phong lưu. Người ta cứ thế diễn đạt thật nhiều “Sài Gòn” để kể ra một Sài Gòn của riêng họ. Ngay cả việc khẳng định rằng “Sài Gòn không có bản sắc” cũng là một kiểu “định hình” Sài Gòn.

Nhung Sai Gon trong Sai Gon

Bởi, cứ cho là Sài Gòn không có bản sắc, thì thử hỏi, có thành phố nào lại “không có bản sắc” đến thế? Cái “hổng giống ai” đó, lại chính là bản sắc rồi. Vậy nên, thành phố không có “màu sắc” riêng, chỉ có cái riêng từ sự muôn màu, muôn sắc. Thành phố không có “tính” gì nhất quán, chỉ có cái nhất quán đến cùng cực của cả sự dung hợp lẫn “lưỡng phân”, ở những điều đã làm nên thành phố: ở ngày và đêm, ở thanh và tục, ở xưa và nay, ở chốn thành đô và miền thảo dã, ở mắc cửi người xe và cái thư thái tiêu dao…

Bởi vậy mà, người ta hay nói về Sài Gòn bằng những câu chuyện cụ thể. Ít ai đúc kết gì đó về Sài Gòn, như kiểu người ta vẫn đúc kết về người Huế, người Hà Nội, người Phú Yên, người Quảng Nam. Vì… đúc kết thế nào cũng không thỏa. Ở vùng đất khác, người ta có thể có chung cái nét tính cách ảnh hưởng bởi một thiên nhiên nào đó của xứ họ. Còn ở Sài Gòn, người sống giữa biển người. Những tương tác bất tận ấy, làm nên một “chuyển động tính cách” mà khi ta đúc kết được, thì e nó đã… lỗi thời.

Vở kịch của sân khấu Hoàng Thái Thanh hạ màn lúc nửa đêm. Vừa ghé ăn hột vịt lộn chỗ cái quán vỉa hè khu cư xá Bắc Hải, tôi đã nghe tiếng Ngọc Hạ ca những câu cuối cùng trong bài Thuyền viễn xứ. Tiếng nhạc len ra từ phía sau bức tường trắng của ngôi biệt thự trước mặt. “Có người tương tư cố lý!”, tôi chợt thở dài.

Tiếng thở dài chưa dứt đã nghe vọng lại rành rọt bài Về đâu mái tóc người thương, như thể, mặc khách tha hương vừa “nhổ neo lên đường” ở bờ thùy dương rủ bóng tơi bời, đã về tới miệt sông nước ảo não của người con gái Tây Đô. Ủa, sao đang nghe Phạm Duy đã chuyển sang boléro, sao mới nhớ nhà đó đã thất tình? 

Nếu người ta vẫn cắc cớ mà truy đến tận cùng về sự đồng hiện lạ lùng giữa những thái cực nọ, thì chỉ còn nước… chịu chết. Sài Gòn là vậy. Vừa nghe Phạm Duy đã chuyển sang boléro, vừa răn đe đã xởi lởi bật cười. “Nhớ nhà” đó, rồi “thất tình” đó. Nên người ta mới có cớ nói, cái gì Sài Gòn cũng có chút đỉnh rồi chẳng cái gì là bản sắc. Chuyện chộn rộn hôm nay, có khi qua một đêm đã thành cũ rích.

Mấy lần về quê, “đứa sinh viên ở đậu lâu năm” cứ huyên thuyên như… lên đồng về “xứ trọ Sài Gòn”. Lớp sau nối bước, mới đến làng đại học Thủ Đức đêm đầu đã nhắn tin, mắng vốn: “Ốc đêm đâu? Hủ tíu người Tàu đâu? Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa/ Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa đâu?”. 

Đêm đó, tôi trả lời: “Ở đây, trong những thành phố bên trong Sài Gòn”, rồi… thoát tội. Người gắn bó ít hôm, rồi Sài Gòn cũng bày ra cho họ từng thành phố nhỏ bên trong nó mà thôi. 

Thiên Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI