Những 'đại gia' vác tù và...

12/10/2018 - 06:30

PNO - Họ làm việc cật lực để kiếm rất nhiều tiền, nhưng đồng thời họ cũng rất biết quý trọng tri thức, vì họ biết rằng tri thức mới tạo nên xã hội no ấm, phồn vinh; không chỉ là cho “cần câu” hay “con cá”, mà xa hơn.

Có những người tự nguyện bỏ thời gian, tiền bạc để góp phần phát triển đất nước, làm tăng chất lượng cuộc sống người Việt. Điều họ làm không phải chỉ là cho “cần câu” hay “con cá” để giúp đỡ một hai người khốn khó, mà là một nỗ lực đường dài, nhằm tạo nên sự thay đổi tích cực cho cả xã hội. Và với họ, không cần phải có thật nhiều tiền mới có một cuộc đời ý nghĩa.

Vì một nền khoa học Việt Nam

Trong Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh gọi đó là việc làm thay đổi xã hội và thế giới gọi là hoạt động nhân ái (philanthropy). Khác với hoạt động từ thiện (charity) thông thường, người hiến tặng sẵn lòng đầu tư thời gian, sức lực, của cải của mình vào các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, môi trường... để chữa trị các “căn bệnh” của xã hội, tạo cơ hội nhiều hơn cho các thế hệ trẻ để phát triển quốc gia, tạo ra phồn vinh cho xã hội. Vợ chồng giáo sư (GS) Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc là những người hoạt động nhân ái tích cực như thế. 

Nhung 'dai gia' vac tu va...
Giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư Lê Kim Ngọc (giữa) nói chuyện với đại diện UBND tỉnh Bình Định về việc xây dựng trung tâm khoa học lớn nhất trong cả nước

Những ngày tháng Mười này, vợ chồng GS Trần Thanh Vân dành nhiều thời gian từ Pháp trở về Việt Nam để hoàn thành dự án tổ hợp không gian khoa học tại Bình Định. Dự án nhằm xây dựng một không gian khám phá khoa học. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần ghé thăm đã tỏ ra thích thú trước những mô hình khoa học nơi đây, dù chưa hoàn thiện. Tổ hợp khoa học sẽ tạo thành một địa điểm lý tưởng để khích lệ những khám phá, phát minh của lớp trẻ ở Việt Nam và các nước đang phát triển, thúc đẩy tính năng động trong việc giao hòa tri thức giữa các nhà khoa học Việt Nam, khu vực và thế giới.

Trước đó, cũng tại vùng đất Bình Định, hai vị GS ngoài 80 tuổi đã hoàn thành xây dựng một Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) trong khuôn viên rộng 20ha, được bình chọn là một trong 16 công trình kiến trúc giáo dục đại học và nghiên cứu đẹp nhất thế giới năm 2017. Vốn là những người cả đời gắn bó với khoa học và làm rạng danh người Việt trên thế giới, vợ chồng GS tin rằng, khoa học sẽ giúp phát triển đất nước. GS Trần Thanh Vân từng làm việc ở Trung tâm Khảo cứu quốc gia Pháp, được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh và là một trong ba người châu Á được tặng huy chương Tate của Hội Vật lý Mỹ.

Còn GS Lê Kim Ngọc được biết đến là chủ tịch Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam (AEVN) tại Pháp. Bà cũng là người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm “lớp mỏng tế bào” mang tính cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật. Vì vậy, vợ chồng ông quyết tâm hình thành một “Silicon Valley về khoa học” tại Việt Nam nhằm thúc đẩy trao đổi tri thức và công nghệ, cũng như chia sẻ kinh nghiệm giáo dục - đào tạo giữa các nước mới nổi và các nước phát triển, từ đó có thể phát huy tiềm năng khoa học và công nghệ ở Việt Nam cũng như khu vực.  

Nhung 'dai gia' vac tu va...
Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE)

Nhiều người từng nghĩ rằng, chỉ khi họ có nhiều tiền mới có thể thực hiện các hoạt động nhân ái, nhưng với vợ chồng GS Trần Thanh Vân, điều đó không đúng. Làng trẻ em SOS đầu tiên tại Đà Lạt được xây nên từ số tiền mà ông bà đã không ngại bán thiệp Giáng sinh trong ba năm trên đất Pháp giữa những ngày mùa đông lạnh âm 17-180C. Hai làng trẻ em SOS nữa ở Huế và Đồng Hới cũng được xây nên từ số tiền ông bà nghiên cứu khoa học vất vả cũng như quyên góp từ những người đồng hương trên đất khách.

Và, như một cơ duyên, ông bà đã được sự tiếp sức bởi những người cùng có lòng nhân ái trên hành trình của mình. Chẳng hạn như ông Odon Vallet, một nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn người Pháp, đã dành số tiền thừa kế của mình để trao học bổng cho các bạn trẻ Việt Nam. Hay ông Helmut Kutin, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các làng trẻ em SOS, người vẫn dành thời gian thường xuyên sang Việt Nam mỗi năm, để kiểm tra hoạt động của 17 ngôi làng trên khắp cả nước, để chắc chắn các em nhỏ bất hạnh đang được nuôi dưỡng bằng tình thương và sự thành tâm.

Vì một cộng đồng chúng ta đang sống

Giới doanh nhân TP.HCM không xa lạ gì với ông Lê Bá Thông, Giám đốc TTT Corporation. Cách đây bảy năm, nhiều người ngạc nhiên khi thấy một người làm trong ngành nội thất lâu năm như anh và TTT, lại xây dựng MPU - trường dạy nhạc nhẹ đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình quốc tế. Anh chia sẻ: “Nhạc nhẹ đã trở thành một dòng nhạc chính thống và phù hợp với thời đại, thỏa mãn nhiều yếu tố từ giải trí, thương mại, học thuật. Vậy mà trên cả nước vẫn chưa có một hệ thống đào tạo nhạc nhẹ chính thống. Hơn nữa, chúng tôi còn muốn xây dựng một dàn hợp ca, không kém gì các nước có nền văn hóa nghệ thuật phát triển”.

Nhung 'dai gia' vac tu va...
Dàn hợp xướng đào tạo bởi trường nhạc MPU

Theo một chia sẻ bên lề, chủ đầu tư MPU cho biết mỗi năm, các nhà đầu tư đều phải… bù lỗ cho trường, nhưng họ vẫn không muốn trường phải đóng cửa. Thực tế, ngôi trường này đã góp phần điều trị khá hiệu quả cho một số em nhỏ bị bệnh tự kỷ mà không trường nào chịu nhận. Âm nhạc đã phần nào cải thiện những biểu hiện không mong muốn của các em. “Hiện nay, mỗi năm, chúng tôi đều dành một phần thu nhập của mình để duy trì trường nhạc, có lẽ chúng tôi cũng là “đại gia” theo một nghĩa nào đó”, ông Lê Bá Thông nói.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Lê Bá Thông và TTT Corporation tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện hỗ trợ bệnh nhi ung thư mang tên “Giấc mơ đêm mùa đông”. Chi phí và công sức để chuẩn bị cho những chương trình âm nhạc công phu dành cho 500 người như “Giấc mơ đêm mùa đông” hẳn là không nhỏ. Nhiều người nghĩ rằng Lê Bá Thông từng trải qua bệnh ung thư nên ông thương cảm các bệnh nhi ung thư, vì vậy, ông tổ chức chương trình này nhằm kiếm thêm tiền hóa trị cho các em nhỏ kém may mắn. Nhưng theo chia sẻ của ông thì số phận các em đã được định đoạt, một hai lần hóa trị không thể cứu các em mà chỉ có thể kéo dài thêm những ngày vui cuối cùng.

Mục đích xa hơn là ông muốn hàng trăm doanh nhân tham gia chương trình biết yêu thương và sống tử tế với nhau hơn. Càng nhiều doanh nhân sống tử tế, đất nước sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn. “Tôi tin rằng, khi người làm kinh doanh biết tỉnh thức, biết dừng lại và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào thì nó không chỉ tạo ra những kết quả tốt hơn cho chính doanh nghiệp, cộng sự, đối tác mà còn cho cả nền kinh tế. Lúc đó, những hành động có thể làm nguy hại đến bản thân, đồng nghiệp và xã hội sẽ bị hạn chế tối đa, đường thành công bền vững cần đặt đạo đức và lòng yêu thương lên hàng đầu. Đó là điều tôi hướng đến, từng doanh nhân tử tế sẽ là những viên gạch cần thiết cho một xã hội hạnh phúc và nhân ái”, ông nói.

Trong khi một số người như ông Lê Bá Thông đang ra sức cho một cộng đồng tử tế thì Nguyễn Dạ Quyên, Giám đốc Công ty tư vấn quản trị cung ứng CElL Consulting lại luôn trăn trở về các vấn đề môi trường. Chị có nhiều ý tưởng nhằm thay đổi thói quen của mọi người, nhằm bảo vệ môi trường sống trong lành, chẳng hạn như truyền thông qua mạng xã hội, tổ chức các workshop về tái sử dụng các vật dụng trong gia đình. Đầu thàng Mười vừa rồi, chị đã tổ chức một phiên chợ với hơn 50 gian hàng, trong một không gian rất xanh, ngay trung tâm thành phố, để mọi người có thể tìm kiếm một thứ gì đó “cũ người mới ta”, từ quần áo, phụ kiện thời trang, nón mũ, giày dép, túi xách đến đồ dùng nội thất… 

Phiên chợ là một trong những giải pháp cho sự “thanh lọc” những món đồ, đồng thời cùng nhau tăng vòng đời sử dụng đồ vật quanh bạn bằng cách trao đổi, chia sẻ với những chủ nhân mới. Từ đó khuyến khích lối sống tối giản để giảm thiểu sự phụ thuộc vào vật chất, với mong muốn giúp cho mọi người có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản. Ngoài ra, tiền thu được từ phiên chợ cũng được đóng góp cho hai hoạt động cần thiết là chương trình "bảo tồn rùa biển Việt Nam" của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) và chương trình "trồng cây và bảo vệ rừng tại Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu".

Rồi chị thành lập “Lại đây Refill Station”, một sáng kiến nhỏ để giảm lượng bao bì nhựa chỉ sử dụng một lần hoặc những sản phẩm khó phân hủy, bao gồm các sản phẩm gia dụng thường gặp trong nhà. Chị nói: “Thói quen sử dụng một lần của chúng ta đã khiến con số bao bì nhựa thải ra mỗi ngày ở mức báo động. Theo số liệu từ Tổ chức Ô nhiễm nhựa, trung bình một ngày, lượng nhựa thải ra tại Nhật gấp năm lần ở Việt Nam, nhưng tại Nhật, 100% rác từ nhựa được kiểm soát, phân loại, xử lý, tái chế, trong khi ở Việt Nam, khoảng 86% rác nhựa chưa được kiểm soát, xử lý, tái chế. Có lẽ đó là nguyên nhân vì sao Việt Nam vẫn trong nhóm năm quốc gia thải nhựa vào đại dương nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Indonesia”.

Vì vậy, chị xây dựng “Lại đây Refill Station” thành một cửa hàng tiện dụng, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ cần cho “lối sống xanh” để bất cứ ai có nhu cầu đều tìm thấy đầy đủ các giải pháp sản phẩm thân thiện với môi trường, từ các sản phẩm chăm sóc, vệ sinh nhà cửa và cá nhân, đến các sản phẩm thân thiện môi trường cho “văn hóa mang đi” cần cho đi chợ, đi chơi, đi học, đi làm, đi ăn uống, đi tập gym, đi du lịch, đi công tác…

Ngoài ra, chị còn chia sẻ các dịch vụ khác xây dựng theo mô hình 5R (reduce, reuse, recycle, repair, refuse). Chẳng hạn như dịch vụ sửa chữa (repair) những món đồ lâu năm để tăng thêm vòng đời hoặc làm mới, hay dịch vụ và giải pháp cho văn phòng, không gian hay các sự kiện, bữa tiệc gia đình… giảm (reduce) được lượng vật phẩm cung cấp không cần thiết và lượng chất thải tạo ra, hay chương trình “Chia sẻ xanh và tái sử dụng” những gì mà bạn có thể không cần nữa và có thể chia sẻ, tái sử dụng cho những hoạt động, đối tượng khác… 

Cần sự chung tay của giới nhà giàu Việt Nam 

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, ở Mỹ, hoạt động nhân ái khá phổ biến. Một cá nhân có thể xây dựng một trường đại học lớn (chủ yếu là các trường đại học phi lợi nhuận như: Đại học Johns Hopkins, Cornell, Stanford, Chicago, Rockefeller), các trung tâm nghiên cứu, đài thiên văn, thư viện... Nhưng ở Việt Nam, những người tâm huyết như vợ chồng GS Nguyễn Thanh Vân rất hiếm hoi.

Khi trò chuyện với chúng tôi, GS Trần Thanh Vân nhiều lần khiêm tốn nói: “Chúng tôi chỉ là phu lát đường, còn để khoa học Việt Nam phát triển thì sự chung tay của cộng đồng doanh nhân là rất quan trọng. Doanh nhân là những người tạo ra nhiều của cải trong xã hội, vì vậy, đóng góp của họ là cần thiết và sẽ giúp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Ngược lại, doanh nhân cần hiểu rằng, nghiên cứu khoa học là nền tảng của sự phát triển xã hội, cũng là điều kiện tạo ra những thành công lớn hơn cho giới doanh nhân”. 

Giới giàu có ở Mỹ rất quan tâm đến hoạt động nhân ái. Bắt đầu từ Andrew Carnegie hiến tặng 90% tài sản của ông cho hoạt động nhân ái cùng tác phẩm Phúc âm của thịnh vượng (cách sống và cho đi của người giàu có) đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người giàu có khác như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg... Những người này dùng tiền của mình để góp phần phát triển giáo dục, sáng tạo tri thức, với quan niệm họ trả ơn cho xã hội.

Họ làm việc cật lực để kiếm rất nhiều tiền, nhưng đồng thời họ cũng rất biết quý trọng tri thức, vì họ biết rằng tri thức mới tạo nên xã hội no ấm và phồn vinh; không chỉ là cho “cần câu” hay “con cá”, mà xa hơn. Và hơn hết, hoạt động nhân ái phụng sự quá trình tiến lên của đất nước sẽ có hiệu ứng xã hội quan trọng, cũng là yếu tố quan trọng làm nên một cuộc đời ý nghĩa. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI