Nhiều cơ quan giám sát có ngăn được thực phẩm bẩn?

18/08/2017 - 11:59

PNO - TP.HCM hiện có khá nhiều đơn vị giám sát nhóm hàng thịt tươi sống, nhưng thị trường vẫn tồn tại nhiều bất ổn.

“Khoảng trống” an toàn thực phẩm

Tại một bãi đất trống trên quốc lộ 22, địa bàn huyện Hóc Môn, nhiều ngày nay thường xuất hiện một chiếc xe tải nhỏ chở nhiều mảnh thịt heo, bán cho khách đi đường từ hướng Tây Ninh, Củ Chi vào nội thành. Những miếng thịt đã nhợt nhạt vì nắng nóng được bày trên sàn xe tải. Ở đuôi xe, treo tấm bìa carton: “bán thịt heo sạch”. 

Nhieu co quan  giam sat co ngan duoc thuc pham ban?
Dù có nhiều đơn vị giám sát, song đang có những “khoảng hở” đối với nguồn thực phẩm tại thị trường TP.HCM

Tình trạng bày bán tương tự cũng xuất hiện nhiều ở các chợ lẻ. Tại chợ Tân Sơn (Q.Gò Vấp), vào giờ tan tầm, thi thoảng lại có người mang thịt đến, trải bạt bày bán kèm theo tấm biển ghi “thịt heo nhà nuôi”. Vì “nhà nuôi”, tự giết mổ… thì khách hàng khó có thể đòi hỏi, thịt này ở đâu, từ heo khỏe hay heo bệnh, được kiểm dịch hay không.

“Đây được coi là chợ tự phát, ban quản lý chợ còn không có, nói gì đến cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm hay thú y…”, ông Bảy, ngụ tại đường Tân Sơn, trả lời khi chúng tôi hỏi về hoạt động của sạp thịt tại đây.

Tại rất nhiều chợ lẻ trong thành phố, trước đây có lực lượng thú y chốt chặn để giám sát nguồn thịt đưa về. Bên cạnh đó, cán bộ thú y cũng thường xuyên đi kiểm tra. Nhưng hiện nay, theo nhiều tiểu thương, lực lượng thú y không còn kiểm soát như trước. Kiểm dịch thú y từ chợ đầu mối về chợ lẻ đã dỡ bỏ. 

Cha chung không ai khóc?

Mặt hàng thịt tươi sống nói riêng và thực phẩm tại TP.HCM nói chung hiện có khá nhiều đơn vị quản lý, giám sát. Trên có Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), dưới đó là Ban quản lý ATTP mới thành lập, cùng các đơn vị khác như Chi cục ATTP, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn… Nhiều đơn vị giám sát, nhưng thị trường thực phẩm vẫn còn nhiều bất ổn. 

Một chủ lò mổ tại Củ Chi chia sẻ, thời gian gần đây có nhiều hoạt động giám sát mặt hàng thịt heo hơn, tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều vấn đề hơn với mặt hàng này. Vị này dẫn chứng, hiện có khá nhiều đầu mối giết mổ thuê gia công tại lò. Nhiều ngày nay các đầu mối đưa heo về lò mổ, nhiều con heo dù có gắn vòng truy xuất nguồn gốc, nhưng khi truy xuất lại chẳng có thông tin gì.

“Heo được thu mua từ Đồng Nai, Bình Dương… với giá 37.000 đồng/kg, về đến lò vẫn giao dịch 37.000 đồng/kg, vậy thì họ lấy lợi nhuận ở đâu nếu không dùng mánh khóe bơm nước trước khi đưa về giết mổ?”, ông chia sẻ. 

Trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, theo phân công, với nguồn thịt từ các tỉnh đưa vào TP.HCM, Chi cục Thú y hiện chỉ còn giám sát tại các trạm kiểm dịch động vật cửa ngõ (Thủ Đức, An Lạc, Hóc Môn, Xuân Hiệp); thịt từ cơ sở giết mổ ra đến các chợ thuộc trách nhiệm quản lý của Ban quản lý ATTP.

Xưa nay, những trạm này làm nhiệm vụ của những chốt chặn việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không an toàn từ các địa phương về thành phố, đề phòng những trường hợp các đầu mối buôn gian bán lận né trạm đưa nguồn thịt không an toàn (thịt heo, bò, gà bệnh, chết, bơm nước…) về các chợ truyền thống.

Lực lượng thú y tại các chợ truyền thống sẽ thực hiện khâu giám sát cuối cùng trước khi đến tay người dùng. Nhưng hiện nay, lực lượng thú y không còn giám sát ở khâu này. Không loại trừ những trường hợp né trạm, vượt trạm… đi về các chợ hay đầu mối tiêu thụ.

Cũng theo ông Thảo, lĩnh vực chế biến thực phẩm còn đáng lo ngại hơn. Thực tế, để bắt quả tang những cơ sở dùng thịt tạp, thịt nhập khẩu hết hạn sử dụng chế biến giò chả, bò viên, bì… lực lượng thú y phải tổ chức công phu, bài bản, nhưng hiện nay hoạt động này không còn. Việc giám sát các hoạt động tương tự hiện thuộc về Ban quản lý ATTP, nhưng ban này còn phải mất thêm nhiều thời gian mới có thể đảm đương hết nhiệm vụ. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI