Nguyên phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình đổ trách nhiệm cho Tổ giám sát

27/06/2018 - 10:25

PNO - Trả lời thẩm vấn của VKS về những sai phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm, ông Bình cho rằng Tổ giám sát có quyền xử lý tại ngân hàng mà họ giám sát.

Sáng 27/6, TAND TP.HCM tiếp tục xử sơ thẩm đối với ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, cựu phó thống đốc NHNN) và 4 bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN (đặt tại Ngân hàng Xây dựng - VNCB) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, luật sư Trần Minh Hải (bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Phạm Công Danh) nêu rằng từ năm 2013 đến năm 2014, ông Danh có đến 8 hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, nếu hành vi phạm tội đầu tiên của thân chủ ông được ngăn chặn thì sẽ không xảy ra các sai phạm tiếp theo.

Nguyen pho thong doc NHNN Dang Thanh Binh do trach nhiem cho To giam sat
Các bị cáo nguyên là thành viên của Tổ giám sát

Trả lời vấn đề này, ông Bình khẳng định Tổ giám sát hoàn toàn có thẩm quyền xử lý khi phát hiện các sai phạm tại ngân hàng mà họ giám sát. Ông Bình cho biết, căn cứ theo Quyết định 12 thì chưa có cơ quan nào có quyền xâm nhập hệ thống mạng của các ngân hàng để theo dõi hoạt mọi hoạt động như Tổ giám sát.

“Họ hoàn toàn có quyền tiến hành thanh tra ngay lập tức nếu phát hiện sai phạm, như trường hợp của VNCB”, cựu phó thống đốc nhấn mạnh.

Bác bỏ ý kiến cho rằng Tổ giám sát có thẩm quyền lớn hơn Tổ giám sát đặc biệt, ông Hà Tấn Phước (55 tuổi, phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) khai rằng khi phát hiện sai phạm của VNCB đã có công văn gửi cấp trên và đề nghị hướng xử lý.

Đồng thời, trả lời câu hỏi về quyền thu hồi các khoản tiền cho vay sai quy định trong Quyết định 12, ông Phước cho biết quyết định này không đề cập đến quyền thu hồi của Tổ giám sát.

Bên cạnh đó, ông Phước trình bày cơ quan giám sát thanh tra là đầu mối tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện đề án tái cơ cấu lại TrustBank. Theo đó, các đơn vị khác phải phối hợp, thực hiện đề án.

Nguyen pho thong doc NHNN Dang Thanh Binh do trach nhiem cho To giam sat
Ông Hà Tấn Phước

“Theo nhận thức của bị cáo, Ngân hàng Đại Tín thuộc trách nhiệm của cơ quan giám sát thanh tra. Tổ giám sát báo cáo định kỳ thông qua cơ quan giám sát, gửi cho Thống đốc NHNN”, ông Phước nói.

Ông Phước cho rằng VNCB quá tinh vi và ngăn cản không cho Tổ giám sát tiếp cận khách hàng, từ đó không thể thu hồi khoản tiền cho vay sai luật. Tuy nhiên, VKS vẫn nhận định rằng nếu Tổ giám sát thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định 12 thì hậu quả đã được ngăn chặn.

Lòng vòng chấp thuận phương án tái cơ cấu

Có mặt theo lệnh triệu tập của tòa, ông Đặng Văn Thảo (cựu Phó Chánh thanh tra NHNN) cho biết kết luận thanh tra đối với VNCB được gửi cho Thống đốc, Phó Thống đốc và các bên liên quan. Quá trình đưa ra kết luận thanh tra, VNCB đã trình phương án tái cơ cấu.

Theo hồ sơ, cơ quan thanh tra ngày 28/6/2012 có tờ trình 1002 phân tích một số vấn đề và đưa ra kết luận không đồng ý cho nhóm Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh đại diện) tham gia tái cấu Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, sau này là Ngân hàng Xây dựng - VNCB). Nhưng tờ trình 1008 sau đó lại chấp thuận.

Nguyen pho thong doc NHNN Dang Thanh Binh do trach nhiem cho To giam sat
Ông Đặng Thanh Bình

Khai trước tòa, ông Bình cho biết nếu đồng ý phương án tái cơ cấu thời điểm đó thì nhóm nhà đầu tư mới có thể trở thành cổ đông chi phối tại Đại Tín. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra sau đó nhận được giải trình của nhóm nhà đầu tư mới cũng như gặp trực tiếp để xem xét làm rõ nhiều vấn đề.

Đồng thời, cựu phó thống đốc còn nhận được tờ trình của cơ quan thanh tra, từ đó đề nghị báo cáo Thống đốc, nếu Thống đốc có ý kiến sẽ xem xét triển khai tái cơ cấu.

Vì sao không đặt VNCB vào diện kiểm soát đặc biệt?

Vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Dang còn đặt vấn đề rằng vì sao thời điểm ông Danh tiếp quản VNCB nhà băng này vẫn nằm trong đối tượng bị kiểm soát đặc biệt nhưng không đưa vào. Theo đó, luật sư nêu rõ VNCB gặp các vấn đề như nợ xấu chiếm 95% tổng dư nợ, lỗ lũy kế trên 50% vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu không được đảm bảo…

Ông Bình khai trước khi ông danh tiếp quản nhà băng có nợ xấu cao nhưng đến tháng 6/2013 tình hình được cải thiện. Cựu phó thống đốc nhận thấy việc trao quyền kiểm soát đặc biệt tại thời điểm đó là không phù hợp.

Theo cáo trạng, Ngân hàng Xây Dựng do bà Hứa Thị Phấn sở hữu 85% cổ phần. Khoảng tháng 6/2012, ông Danh đại diện nhóm cổ đông Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) mua lại cổ đông của nhóm Phú Mỹ do bà Phấn đại diện.

Sau đó, ông Danh lên phương án tái cơ cấu ngân hàng. Đầu năm 2013, khi được NHNN chấp thuận về nhân sự, ông Danh tổ chức Đại hội cổ đông bất thường và chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Cơ quan điều tra xác định, sau thời gian ông Danh điều hành ngân hàng (tính tới thời điểm khởi tố vụ án năm 2014), vốn chủ sở hữu âm hơn 18.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 38.000 tỷ đồng.

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI