Nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nói về tỷ lệ ăn chia trong mỗi ca chạy thận

14/01/2019 - 19:13

PNO - Cuối ngày xét xử đầu tiên, bị cáo Trương Quý Dương đã trả lời về tỷ lệ ăn chia giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và công ty Thiên Sơn cho mỗi ca chạy thận.

Chiều 14/1, trong phiên xét xử vụ án chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình, HĐXX hỏi bị cáo Trương Quý Dương về việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo.

Bị cáo Dương cho biết, việc thành lập Đơn nguyên Thận thuộc thẩm quyền của Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình theo phân cấp quản lý. Chỉ khi nào thành lập các khoa phòng của bệnh viện, thì mới phải xin ý kiến của Sở Y tế. Trước khi thành lập, bệnh viện đã cử bác sĩ đi học về kỹ thuật lọc máu sau đó về tham mưu cho lãnh đạo khoa. 

Nguyen giam doc Benh vien da khoa tinh Hoa Binh noi ve ty le an chia trong moi ca chay than
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) và bị cáo Trương Quý Dương trò chuyện tại tòa

Sau đó, khoa cho rằng triển khai kỹ thuật này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Vì vậy đã ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật với Bệnh viện Bạch Mai theo đề án 1816 về việc chuyển giao kỹ thuật lọc máu. Thứ 2 về cơ sở vật chất gồm nhà cửa, máy lọc nước RO, Bệnh viện đã tìm nhiều nguồn cả từ dự án và nguồn xã hội hóa. Thứ 3, là chuẩn bị về mặt pháp lý, bệnh viện làm tờ trình lên Sở Y tế đề nghị phê duyệt cho phép triển khai kỹ thuật lọc máu và được chấp nhận.

Đối với cơ cấu tổ chức của Đơn nguyên Thận nhân tạo, bị cáo Dương cho biết, đây là một kỹ thuật thuộc khoa. Bị cáo chỉ nắm một số điều kiện như cơ sở vật chất, nhân lực. Còn việc điều phối con người do khoa. Nếu khoa cần bổ sung thêm máy móc gì thì đề xuất lên Ban giám đốc để bổ sung.

Trả lời tại tòa, bị cáo Dương cũng cho biết mình rất tạo điều kiện cho các bác sĩ ở Đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình lọc máu ở các nơi khác. 

“Đơn nguyên thận nhân tạo không quy định số lượng cố định nhân sự bởi còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan của bệnh viện và năng lực cán bộ. Đơn nguyên này có bác sĩ, điều dưỡng, có hỗ trợ của kỹ sư trong và ngoài viện, có kỹ thuật viên được đào tạo bài bản. Trước khi xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, đơn nguyên thận nhân tạo có 26 người được cử đi học ở Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có 4 bác sĩ: bác sĩ Tiến, bác sĩ Hoàng Đình Khiếu, Hoàng Công Tình và Hoàng Công Lương”, bị cáo Dương cho biết.

Nguyen giam doc Benh vien da khoa tinh Hoa Binh noi ve ty le an chia trong moi ca chay than
7 bị cáo bị đưa ra xét xử trong phiên tòa hôm nay

Tiếp đó, liên quan đến việc ký kết với công ty bên ngoài để liên kết đặt thiết bị lọc máu, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký 4 lần hợp đồng với Công ty Thiên Sơn của bị cáo Đỗ Anh Tuấn, sau khi được sự đồng ý của Ban lãnh đạo Bệnh viện. Mỗi lần ký chỉ đặt 1-2 máy và thực hiện theo quy trình. Về hệ thống lọc nước RO, ông Dương cho biết 100% là tiền huy động của bệnh viện thông qua các dự án. BVĐK tỉnh Hòa Bình chỉ bổ sung thêm kênh xã hội hóa bằng hình thức thuê máy.

Với việc thuê máy như vậy, bệnh viện và đối tác chai sẻ quyền lợi theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 kéo dài khoảng 1,5 năm là 400 ngàn/ca chạy thận. Bao gồm vật tư, thiết bị, bình lọc và công ty được hưởng 90% số tiền, bệnh nhân không phải đóng thêm đồng nào. Đến giai đoạn 2, thì có biến động về giá nhập khẩu, lãi suất ngân hàng... nên bệnh viện đã khoán gọn là 7,7 USD/ca chạy thận. Sau một thời gian hợp tác, đến ngày xảy ra sự cố, BVĐK tỉnh Hòa Bình sở hữu 13 máy, còn công ty chỉ sở hữu 5 máy.

Sau câu trả lời của bị cáo Dương, HĐXX yêu cầu tạm nghỉ và mở lại phiên tòa vào 8g sáng ngày 15/1. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI