‘Người góp phần gieo mầm chủ nghĩa cộng sản ở Nam Bộ’

28/04/2017 - 17:23

PNO - Với 101 tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 10 năm hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Dương Quang Đông được đánh giá là con người trung kiên, làm việc cần mẫn, tới nơi, tới chốn.

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Đồng chí Dương Quang Đông (/ 02-5-2017), ngày 28/4, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Dương Quang Đông- Người cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời vì Dân, vì Đảng” do Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chủ trì.

‘Nguoi gop phan gieo mam chu nghia cong san o Nam Bo’
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, Phó Bí thư - Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong tại buổi hội thảo.

Hội thảo đã nhận được trên 70 tham luận cùng nhiều ý kiến đăng ký phát biểu của các vị lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Các tham luận đã góp phần khẳng định những công lao và tôn vinh những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với cách mạng miền Nam với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định, TP.HCM

Dấu ấn của người cách mạng tận tụy

Dương Quang Đông sinh ngày 2/5/1902 trong một gia đình trung nông tại ấp Mỹ Cẩm, xã Mỹ Hòa (nay là thị trấn Cầu Ngang), huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Cha ông là Dương Quang Bắc, từng là một trong những nghĩa binh oai dũng của cuộc dấy binh Trần Văn Đề chống lại thực dân Pháp ở miền Tây.

Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông trở về quê hương chăm lo việc ruộng vườn, bốc thuốc chữa bệnh giúp dân và truyền tâm chí bất khuất của mình cho các con. Có lẽ vì kỳ vọng con cái sau này nuôi chí tang bồng hồ thỉ, trở thành những con người đầy nghĩa khí can trường, giúp ích cho dân cho nước, nên ông đặt tên các con mình theo bốn phương. Đó là Dương Quang Bắc, Dương Quang Nam, Dương Quang Đông, con áp út là Dương Quang Tây và người con gái út tên là Dương Thị Hòa.

‘Nguoi gop phan gieo mam chu nghia cong san o Nam Bo’
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Nói về ông, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Tất Thành Cang không giấu được xúc động: “Dấu ấn đầu tiên, có ý nghĩa như một lần “mở đường” cho một hành trình đấu tranh cách mạng của đồng chí chính là việc tham gia vào Công hội đỏ năm 1920 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng.

Được hoạt động và rèn luyện trong một tổ chức (dù mới chỉ là một tổ chức hoạt động sơ khai của giai cấp công nhân) nhưng người thanh niên Dương Quang Đông khi đó mới 18 tuổi đã bằng trí thông minh, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ Thư ký và Trưởng ban Giao liên của tổ chức.

Từ sự mở đầu đó, cùng với thời gian, đồng chí đã trở thành một đảng viên cộng sản- lớp đảng viên cốt cán, gạo cội thời dựng Đảng ở Nam Bộ”.

Với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 10 năm hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Dương Quang Đông được đánh giá là con người trung kiên, làm việc cần mẫn, tới nơi, tới chốn. Đồng chí luôn cố gắng học tập và rèn luyện, lăn lộn trên các chiến trường, dung được các thứ tiếng Pháp- Hoa- Thái- Campuchia… Đồng chí là con người không màng danh lợi, việc gì được giao, hễ có lợi cho dân, cho nước thì khó mấy cũng hoàn thành.

Có thời gian dài phụ trách kinh tài, kinh doanh, ông không để dính líu, nhập nhằng về tiền bạc. Khi cuối đời, còn làm việc nhân nghĩa để cứu người”. Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐNDTP bày tỏ.  Bà Thảo chia sẻ: Dương Quang Đông là hiện thân của sự chân chất, giản dị, của một cuộc đời dâng hiến đầy khí phách, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng chế ngự và vượt qua”.

‘Nguoi gop phan gieo mam chu nghia cong san o Nam Bo’
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham gia hội thảo.

Nhớ lại kỷ niệm về ông, Cụ Nguyễn Thọ Chân - nguyên Phó bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (giai đoạn 1946) bồi hồi: “Tôi và đồng chí tuy không cùng gắn bó trong công việc hàng ngày nhưng những lần được tiếp xúc với anh, sự ân cần trong lời nói, hành động của đồng chí luôn làm cho những người xung quanh thấy gần gũi, ân cần. Đồng chí lúc còn công tác hay khi đã nghỉ hưu luôn là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và đồng chí học tập noi gương”.

“Dù tuổi cao, sức khỏe mỗi ngày một yếu nhưng những vấn đề thời sự của đất nước, TP cho đến dân sinh đều được đồng chí chỉ bảo, kiến nghị để sao cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn”- cụ Chân nhớ lại.

Thầm lặng mở đường trên biển Đông

Một trong những cống hiến của đồng chí Dương Quang Đông, đó là “Tuyến vận tải biển chiến lược trên biển Đông” nhận tiếp tế vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam. Tuyến vận tải chiến lược- Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển do nhóm công tác đặc biệt “mở đường” của đồng chí Dương Quang Đông đảm nhiệm từ Lộc An (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), cùng các điểm khác dọc bờ biển miền Nam đã tạo ra một hướng chiến lược hết sức quan trọng, đưa vũ khí, hàng hóa vào các chiến trường xa- nơi mà tuyến vận tải chiến lược đường bộ chưa tới được.

TS. Phan Văn Cả (Khoa lịch sử, Trường ĐHKHXHNV TP) xúc động khi nhắc lại “dấu ấn” đặc biệt này, ông nói: “Những chiếc tàu mỏng manh, lặng lẽ trên sóng bão mang trên mình sứ mạng vì đại cuộc, những con đường không dấu vết được tiếp nối qua nhiều thế hệ, những con tàu không số, những thủy thủ sẵn sàng biến mất không tăm tích… “Từ đó, những chiến công thầm lặng được tạo nên góp phần vào công cuộc trường chinh của dân tộc”.

Cụ Võ Anh Tuấn (91 tuổi) - nguyên đại sứ tại Liên Hiệp Quốc cho hay, đồng chí Dương Quang Đông, mà chúng tôi quen gọi một cách thân kính bằng “Bác Năm Đông”. Trong suốt hai phần ba thế kỷ hoạt động cách mạng liên tục tại TP Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định và toàn Nam Bộ, 7 lần bị địch bắt, 6 năm ngồi tù của Pháp- Mỹ- Thái Lan. Đồng chí luôn tỏ ra là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, sang tạo, tâm huyết và khiêm nhường. Suốt đời vì dân, vì nước, vì Đảng là một tấm gương sáng ngời về phẩm chất và đạo đức cách mạng.

‘Nguoi gop phan gieo mam chu nghia cong san o Nam Bo’
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Cùng niềm kính trọng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) bày tỏ, mặc dù đã trưởng thành, từng trải trong môi trường đấu tranh cách mạng, đã từng lãnh đạo chỉ huy nhưng đồng chí tự biết đánh giá khả năng của mình. 

Tuy nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết đối với sự nghiệp cách mạng nhưng do không có điều kiện được học, đào tạo, bồi dưỡng, hiểu biết về lý luận hạn chế nên đồng chí luôn ý thức và tâm niệm rằng: do công việc hệ trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng toàn miền nên cần và phải trao cho những người tài trí, có năng lực và phẩm chất đảm nhiệm. Như thế mới đem lại hiệu quả cao nhất.

“Sự tự nguyện trao lại chức vụ Bí thư Xứ ủy của mình cho đồng chí Trần Văn Giàu là người đồng chí từng cùng công tác, xuất phát từ đáy lòng, hoàn toàn không phải là người làm cao, chơi trội, đánh bóng bản thân”- PGS.TS Hà nói.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI