Người dân TP.HCM sẽ không còn dài cổ chờ cấp quyền sử dụng đất?

19/07/2019 - 09:11

PNO - Nếu cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho quận huyện ký chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ riêng chi phí vận chuyển, ước tính TP.HCM tiết kiệm 2 tỷ đồng/năm.

Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2019, do UBND TP.HCM tổ chức chiều 18/7, các đại biểu nhận định, các hạng mục liên quan đến giải quyết thủ tục đất đai, quyền sở hữu là nguyên nhân lớn nhất khiến chỉ số hài lòng của người dân thấp nhất với tỷ lệ 17%, dẫn đến TP.HCM xếp hạng 60/63 tỉnh, thành.

Thủ tục quá rườm rà

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - hiện nay, hồ sơ nhà - đất của hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện quyền và nhận chuyển nhượng mà muốn cấp mới giấy chứng nhận hoặc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi cho mỗi quy trình giải quyết. 

Cụ thể, hồ sơ được người dân đưa đến được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện tiếp nhận, kiểm tra, thụ lý. Sau đó, văn phòng này chuyển cho bưu điện vận chuyển đến Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM kiểm tra, xử lý. 

Ban giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM ký giấy chứng nhận rồi chuyển cho bưu điện vận chuyển, trả về chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện. Quận/huyện sẽ kiểm tra nghĩa vụ tài chính, cho số vào sổ, ghi ngày tháng năm, lưu trữ rồi mới… trả lại cho dân. 

“Thủ tục quá rườm rà và nhiều công đoạn khiến loại hồ sơ này thường xuyên trễ hạn, người dân chờ lâu đâm ra bức xúc” - ông Thắng khẳng định, đồng thời cho biết để giải quyết tình trạng này chỉ có thể phân cấp Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện ký giấy chứng nhận. 

Việc ủy quyền này sẽ giúp giải quyết được sự trễ hạn của khoảng 40.000 hồ sơ/năm như hiện tại.

Theo ông Thắng, qua tính toán việc ủy quyền nói trên, đã cho ra kết quả bất ngờ: rút ngắn giải quyết khoảng 10 ngày/hồ sơ, giảm áp lực hồ sơ về Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, ước tính tiết kiệm 2 tỷ đồng/năm cho chi phí vận chuyển, đảm bảo 60% hồ sơ giải quyết trễ hạn được giải quyết đúng hạn. 

Đặc biệt, không còn khiến người dân bức xúc, thay vào đó là nâng cao sự hài lòng của người dân theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính. Hiện, quy trình ủy quyền này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị đến UBND TP.HCM, chờ sự cho phép.

Nguoi dan TP.HCM se khong con dai co cho cap quyen su dung dat?
Thực hiện cải cách hành chính, người dân sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí đi lại

Ông Thắng cũng cho hay, sở đã triển khai đồng bộ mô hình liên thông thuế điện tử giữa cơ quan tài nguyên - môi trường và cơ quan thuế.

Việc thí điểm việc liên thông này tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 12 đã giúp người dân giảm thời gian và chi phí đi lại, rút ngắn quy trình từ 9 xuống còn 2 bước, giảm từ 3 lãnh đạo và 12 cán bộ thực hiện còn 1 lãnh đạo và 1 cán bộ giải quyết. 

Ông Thắng khẳng định, với thành tựu này, việc liên thông thuế điện tử sẽ sớm triển khai, nhân rộng cho 24 quận, huyện.

Cải cách để phục vụ tốt hơn

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, rút ngắn các công đoạn giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân là nhiệm vụ, lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm và tích cực chỉ đạo thực hiện. 

Hội nghị đã “chỉ điểm” nhiều mô hình thành công được áp dụng. Đơn cử, app Hóc Môn trực tuyến được UBND huyện Hóc Môn triển khai thực hiện, đạt 100% người dân đánh giá sự hài lòng. 

Ông Dương Hồng Thắng - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - nói: “Thông qua app này, lãnh đạo dễ dàng theo dõi và đôn đốc, nhắc việc cho cán bộ. Đồng thời, cho phép người dân đánh giá sự hài lòng một cách công khai, thể hiện số liệu đánh giá trên từng hồ sơ, từng lĩnh vực giải quyết; đặc biệt ngồi tại chỗ, người dân có thể nộp hồ sơ qua máy tính, di động với các phần mềm scan giấy tờ tiện lợi”. 

Hòa nhịp với chủ trương thực hiện “Năm đột phá cải cách hành chính”, Công an TP.HCM khẳng định, qua áp dụng và theo dõi “Hệ thống ứng dụng đánh giá thái độ tiếp dân tại các bàn tiếp nhận hồ sơ”, đã ghi nhận 2.929 lượt ý kiến đóng góp của người dân với 1.114 lượt hài lòng và rất hài lòng. Có 90 trường hợp chưa hài lòng đã được đơn vị này xác minh, nhắc nhở, chấn chỉnh tác phong của cán bộ chiến sĩ. 

Đại diện Công an TP.HCM cho biết: “Việc cải cách hành chính sẽ tiến tới cấp độ người dân không cần mang tiền đến đóng lệ phí mà có thể chuyển khoản qua ngân hàng”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, công chức TP.HCM có sự quyết liệt, đồng bộ trong cải cách hành chính, nhưng vẫn có sự e dè, sợ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. 

Ông yêu cầu ngay từ bây giờ, lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải đánh giá kỹ cán bộ, công chức, viên chức sao cho sát với nhiệm vụ được giao và thông qua chỉ số hài lòng của người dân.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, dù đạt được nhiều thành quả, nhưng cuộc cải cách hành chính chỉ đạt được thành công khi người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị có sự quan tâm sâu sát. 

Tuyết Dân

Qua việc giám sát các đơn vị, cơ quan thực hiện cải cách hành chính liên quan đến chỉ số đánh giá sự hài lòng của dân, vẫn còn nhiều bất cập: hồ sơ tại sở, ngành, quận huyện không bắt buộc người dân để lại số điện thoại, do đó khi đánh giá sự hài lòng, chính quyền chỉ còn cách hỏi trực tiếp người dân trong khi việc lấy ý kiến này có thể ủy quyền cho người khác hay thông qua dịch vụ giải quyết thì việc lấy ý kiến đánh giá sẽ không thể chuẩn xác. 

Song song, Mặt trận cũng khó giám sát do không có số điện thoại để xác minh, việc đến tận nhà dân sẽ kéo dài thời gian giám sát.

Bên cạnh đó, đầu năm đến nay, Mặt trận tiếp nhận 500 đơn thư khiếu nại, tố cáo nhưng không có sự liên thông với sở, ngành và UBND các quận huyện dẫn đến Mặt trận không biết trả lời dân khi nào đơn thư, hồ sơ mới được các nơi giải quyết. Do đó, tôi kiến nghị việc các sở ngành, quận huyện ứng dụng “số hóa” trong thủ tục hành chính, cần cho Mặt trận một cửa sổ theo dõi việc đơn thư chuyển đến cũng như việc trả lời đơn thư cho người dân.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM

 
TIN MỚI