Người 'bán điểm' bị bắt, người 'mua điểm' có bị khởi tố?

12/04/2019 - 18:40

PNO - Sau khi bắt giữ một số đối tượng có hành vi "bán điểm", cơ quan điều tra đang tích cực làm rõ việc các phụ huynh có hành vi "mua điểm thi" hay không. Vậy hành vi này có thể bị khởi tố hình sự hay không?

Đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã bắt nhiều đối tượng liên quan đến hành vi "chạy điểm" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 xảy ra tại một số tỉnh như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Tuy nhiên, dư luận cho rằng trong vụ án này, việc chỉ khởi tố những người "bán điểm" mà chưa xử lý những người yêu cầu sửa điểm là không thỏa đáng.

Nguoi 'ban diem' bi bat, nguoi 'mua diem' co bi khoi to?
Hai lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang là Bà Triệu Thị Chính (trái) và ông Phạm Văn Khuông vừa bị khởi tố.

Mới đây, lãnh đạo VKSND tỉnh Sơn La đã cho biết, cơ quan điều tra đang tích cực xác minh làm rõ những phụ huynh có bỏ tiền "mua điểm thi" hay không. Nếu phát hiện ra trường hợp "mua điểm", phụ thuộc vào tính chất sự việc để đưa ra xử lý, thậm chí là xử lý hình sự.

Nói rõ hơn về vấn đề này, trả lời báo Phụ Nữ, luật sự Lê Văn Hồi (trưởng văn phòng luật sư My Way) cho biết, những người mua điểm ở đây là bố mẹ của các thí sinh, các thí sinh được hưởng lợi từ việc mua điểm (bất kể việc các em không tự ý quyết định) - những người này đã có những hành vi sai trái, sai về mặt xã hội, sai cả về mặt luật pháp. 

Nhưng vấn đề không chỉ là những đối tượng này đã có hành vi sai trái mà họ còn làm ảnh hưởng đến người khác - ở đây là các sĩ tử, các em thí sinh. Các em ấy cũng có khát khao và nguyện vọng bước vào cánh cổng đại học. Rõ ràng khả năng của các em không được đánh giá một cách khách quan, cơ hội của một số em đã bị cướp mất. Sự cạnh tranh là không hề công bằng, đặc biệt ở một kỳ thi ở quy mô toàn quốc.

Nguoi 'ban diem' bi bat, nguoi 'mua diem' co bi khoi to?
Ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La nhận lệnh khởi tố

"Tôi cho rằng đã sai thì phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm về mặt pháp lý. Đó là đảm bảo sự công bằng xã hội, cũng là tạo cơ hội để cho họ nhận thức được hành vi sai trái của mình để không lặp lại và là một sự răn đe đối với toàn xã hội.

Tuy nhiên tôi cũng cho rằng, vì lợi ích chính đáng của các em học sinh, việc công bố thông tin nên được thực hiện ở mức độ phù hợp, nhân văn chứ không nên theo hướng vạch trần hay phanh phui", luật sư Hồi nói.

Nguoi 'ban diem' bi bat, nguoi 'mua diem' co bi khoi to?
Luật sư Lê Văn Hồi

Về hành vi "mua điểm", luật sư này phân tích, nền kinh tế muốn hoạt động một cách hiệu quả phải xuất phát từ hai yếu tố cung và cầu. Người bán điểm sẽ không thể “bán điểm” nếu không có những người “mua điểm”. Vậy nên cả hai bên trong vụ việc này đều sai và đều phải xử lý và phải chịu trách nhiệm.

Với những người "bán điểm", đặt vào địa vị của họ là những người có thẩm quyền, họ có khả năng tác động đến sự khách quan của cả một kỳ thi. Điều này đòi hỏi họ phải làm việc công minh, không tư lợi, khả năng càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Họ bị khởi tố trách nhiệm hình sự - chế tài cao nhất trong số các chế tài pháp lý. Trên thực tế, các Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các cán bộ công an,… ở các địa phương Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Những người "mua điểm", họ cũng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với những hành vi được cho là nguy hiểm cho xã hội và phải xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của công dân, đến mức các hình thức trách nhiệm pháp lý khác là không đủ tính răn đe.

"Tôi nghĩ không nên đặt ra vấn đề nên hay không nên khởi tố hình sự mà tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm pháp luật mà các cơ quan chức năng có trách nhiệm xử lý một cách khách quan, đúng đắn, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật", luật sư Hồi cho biết.

Theo đó, hành vi "mua điểm" bị khởi tố thì phải có các bằng chứng để chứng minh được tội phạm. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Để chứng minh được tội phạm cần dựa vào các vật chứng, lời khai của những người liên quan, dữ liệu điện tử… 

Nếu khởi tố hành vi "mua điểm", luật sư Lê Văn Hồi đánh giá điều luật có thể áp dụng là "Tội đưa hối lộ", quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015. Điều luật quy định hành vi đưa hối lộ như sau: “trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…” thì sẽ có thể phải chịu các chế tài pháp lý như: phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Mức phạt tiền dao động từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI