Ngày 8 tháng 3 và... 1.604 năm trước

08/03/2019 - 07:49

PNO - 17 thế kỷ, đủ cho những cuộc biến thiên trời đất, dâu bể; chỉ có con người, với phần tốt đẹp-xấu xa, thiện lương-bất nhẫn cứ chen chúc, chèn lấn, chẳng biết hơn hay thua, ít hay nhiều, bớt đi hay chất đầy theo thời gian tiến hóa…

Ngay tại Agora - nơi hội họp lộ thiên của các thành bang Hy Lạp cổ đại, vốn chỉ dành cho nam giới - cách đây hơn 1.600 năm, nhà toán học nữ đầu tiên của thế giới, cũng là nhà triết học, nhà thiên văn học, Hypatia đã truyền thụ kiến thức cho các học trò của bà, hầu hết là nam.

Trong cuộc xung đột giữa người Ki-tô, Do Thái và nhánh đa thần, Hypatia giữ mình ngoài cuộc. Nhan sắc, trí tuệ và phẩm hạnh của một bậc thầy cao quý thành Alexandria đã được Hypatia tận hiến cho khoa học.

Ngay 8 thang 3 va... 1.604 nam truoc
Hypatia thành Alexandria được Rachel Weisz thể hiện trong bộ phim Agora. Ảnh: Focus Features

Hình ảnh giữa cơn tấn công điên cuồng, đốt phá thư viện Alexandria của nhóm cực đoan, mặc cho ai nấy tháo chạy, Hypatia vẫn cố ôm lấy từng cuộn sách, nơi lưu giữ nguồn tri thức cho nhân loại; hay bà không ngủ chỉ để quan sát các thiên thể đang thức, dựa vào vị trí của các thiên thể để tính thời gian trong ngày, từ đó, Hypatia được xem là người phát triển công cụ đo độ cao thiên thể.

Gìn giữ, bảo vệ các giá trị khoa học, bà không thỏa hiệp với thái độ cực đoan, cuồng tín, trong đó có điều khoản tước bỏ quyền tự do đi lại, hội họp, lên tiếng của phụ nữ.

Sợ hãi trước sức ảnh hưởng của các luận điểm khoa học được bà truyền giảng, ngày 8/3/415, một đám đông theo đạo Thiên chúa đã đón bắt bà đang trên đường qua thủ đô Ai Cập. Chúng ném đá, chặt đầu, bêu khắp phố phần thân thể không còn nguyên vẹn của bà rồi đốt cháy, để tin rằng đã thiêu rụi mầm quỷ sa tăng ở con người cao quý ấy. 

8/3, tức vào ngày này, nhưng cách chúng ta đến 1.604 năm, một trí tuệ siêu phàm, một đức hạnh khoa học đã lên ngôi trong chính sự bạo tàn, man rợ của con người.

Và hôm nay, sau gần 17 thế kỷ tiến hóa - phát triển, liệu chừng sự văn minh vượt trội của con người có thúc đẩy đám đông đến gần hơn ánh sáng của trí tuệ và phẩm hạnh của khoa học. Hay có khi, càng tiến vào kỷ nguyên công nghệ, sự nhân danh các giá trị càng tinh vi thì sự đảo lộn các giá trị càng quay cuồng.

Cuối cùng, “con mắt đã bị vùi chôn trong ta” - một khải thị của Hypatia để lại cho học trò và hậu thế cũng chính là lời cảnh báo cho ngày này, sau 17 thế kỷ.

Cái cúi đầu xin lỗi của giám đốc điều hành Tetsuo Yukioka và Phó chủ tịch Keisuke Miyazawa trường đại học Y khoa Tokyo, Nhật Bản trước báo giới (ngày 7/8/2018) không chỉ là sự thừa nhận đáng xấu hổ về thói kỳ thị giới tính của những nhà quản trị giáo dục trong việc sửa, hạ điểm đầu vào của thí sinh nữ để tặng, nâng điểm đậu cho thí sinh nam; mà còn là đòn giáng vào những nỗ lực nhằm tăng sức mạnh nữ quyền trong nội các của thủ tướng Abe.

Ngay 8 thang 3 va... 1.604 nam truoc
Giám đốc điều hành Tetsuo Yukioka và Phó chủ tịch Keisuke Miyazawa trường đại học Y khoa Tokyo, Nhật Bản, cúi đầu xin lỗi trước báo giới ngày 7/8/2018.

Mục đích sau cùng được đưa ra: vì không muốn nữ sinh viên y khoa - sau này sẽ là bác sĩ lại đẩy các bệnh viện vào tình trạng khó khăn khi các bác sĩ nữ nghỉ thai sản. Nơi đào tạo ra những con người hành nghề chăm lo sức khỏe, bảo toàn sự sống cho con người, lại là nơi sẵn sàng triệt tiêu những cơ hội của con người được thụ hưởng quyền của chính họ, khả năng, sở thích và lựa chọn việc làm, nghề nghiệp của họ.

Sự ngụy biện, lấp liếm, ngược ngạo ấy lại được che đậy trong suốt 10 năm liền bởi lý do có vẻ “nhân đạo giết người”.

Không nỡ phá đi bầu không khí tưng bừng tháng Ba, cũng không đành đánh rơi những cánh hồng đang run rẩy trao gửi. Nhưng rõ ràng, những cuộc bình chọn các gương mặt nữ quyền lực, những thông điệp, lễ nghi phát động dành riêng cho phụ nữ, trẻ em, những tiếng kêu tha thiết… đòi quà; tất cả cứ dồn hết trong một ngày 8/3.

Từ nguyên nghĩa, đó là cột mốc của tinh thần chống bất công xã hội, đòi quyền dân sinh, tăng lương, giảm giờ làm; nay, xã hội đã văn minh, bình đẳng, chị em ai nấy ấm no nên không cần đòi hay chống. Cứ đề huề, vui vẻ trao tặng, tôn vinh, ngợi khen, ghi nhận.

Nhưng mới đây thôi, những ngày đầu tháng Ba, sự thật bé gái 20 ngày tuổi nghi bị bắt cóc được hé lộ. Người mẹ N.T.B.T. (22 tuổi, quê Hậu Giang) sinh một bé gái, do hoàn cảnh khó khăn nên đã lên Facebook tìm người nuôi.

Một cặp vợ chồng ở quận 8, TP.HCM thỏa thuận nhận bé gái, có gửi lại 15 triệu đồng cho N.T.B.T. Do không bàn bạc trước với gia đình nên khi vụ nói dối con bị bắt cóc vỡ lở, công an vào cuộc.

Một sinh linh, một hình hài, một số phận mà chỉ bấy nhiêu trong một cái "tút" rao trên mạng ảo, rồi inbox cho nhận, rồi bồi dưỡng 15 triệu đồng. Nếu cái giao dịch ấy thành công, sẽ có một cuộc đời được sinh ra đã là thứ “quà tặng” tháng Ba.

Đến đây tôi sực nhớ mẩu tin được đăng tải trên các báo hồi đầu năm, tỉnh Hậu Giang sẽ khen thưởng, tặng tiền cho những cặp vợ chồng sinh đủ hai con gái (dĩ nhiên là kèm theo điều kiện hộ nghèo, dân tộc thiểu số…).

Tự bao giờ, từ định kiến đã xộc thẳng vào định chế, sinh con gái là một thiệt thòi đáng để được bù đắp; đã (lỡ) sinh con gái một bề, mà không tìm cách chòi đạp cho ra một thằng cu con thì đó được xem là hành động cao cả, xứng đáng ban thưởng. Trong cái phần thưởng đãi ngộ ấy, sao tôi chỉ thấy chua chát, bất nhẫn.

Xin được nhắc lại, 1.604 năm trước, tiếng nói của nhà toán học nữ thành bang Alexandria đã bị đám đông bức tử ngay tại nhà thờ lớn Caesareum. 1.604 năm sau, ở trong inbox, sau những phần mềm công nghệ hiện đại, từng cá thể người có trách nhiệm cho đến các nhóm đại diện cao quý cũng sẵn lòng bức tử sinh mệnh, cơ hội của những bé gái, của những người (lỡ) mang giới tính đàn bà.

17 thế kỷ, đủ để cho những cuộc biến thiên trời đất, dâu bể; chỉ có con người, với phần tốt đẹp - xấu xa, thiện lương - bất nhẫn cứ chen chúc, chèn lấn, chẳng biết hơn hay thua, ít hay nhiều, bớt đi hay chất đầy theo thời gian tiến hóa…

Huyền Tuyến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI